Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Và (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 13:50

Di tích Đền Và thuộc địa phận phường Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

den-va.jpg
Di tích Đền Và

Đền Và hay Đông Cung là những tên gọi khác nhau của một ngôi đền - tứ trấn thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngoài ra đền còn có bia khắc dòng chữ “Vân Gia Đông Cung bi ký”.

Tương truyền, đền Và đã có từ lâu đời, đã qua nhiều lần tu sửa nên quy mô rộng lớn, khang trang. Ngôi đền hiện tại mang dấu ấn của lần tu sửa vào thế kỷ XVII - XIX. Đền được trùng tu lớn vào năm 2009 - 2010. Đền hiện nay gồm các hạng mục: Nghi môn, gác trống, gác chuông, Tả hữu mạc, Tiền tế và Hậu cung. Ngoài ra, còn có các công trình phụ cận: sân, nhà khách, nhà Tạo soạn...

Nghi môn được xây dựng kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai trông về dãy núi Tản Viên. Trước Nghi môn là dinh thờ Ngũ hổ. Qua Nghi môn, hai bên sân đền là gác chuông và gác trống, hai toà Tả mạc và Hữu mạc nằm đăng đối tạo lên sự thâm nghiêm của di tích. Nếu như Tả mạc và Hữu mạc được làm đơn giản thì gác chuông, gác trống được làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, với các đạo cong thanh thoát.

Trên bài vị trong đền có ghi: “Tản Viên sơn Tam vị Đại vương thượng đẳng thần bài vị”.

Toà Tiền tế và Hậu cung của đền nối với nhau qua nhà ống muống tạo thành mặt bằng tổng thể hình chữ “công”. Tiền tế gồm 5 gian, các bộ vì liên kết theo cách thức: “Thượng giá chiêng, hạ cốn chồng rường, bảy chéo”. Hậu cung cũng được chia thành 5 gian, các bộ vì trên 4 hàng chân cột với kết cấu kiểu: “Thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bảy hiện”. Các mảng chạm trang trí trên các cấu kiện kiến trúc theo đề tài văn mây, lá lật, tứ linh... mang phong cách điêu khắc thế kỷ XIX. Đáng chú ý là hệ thống kìm nóc của toà Tiền tế, đây là những sản phẩm đất nung có niên đại Mạc, rất quý và ít thấy ở các di tích khác trên mảnh đất xứ Đoài.

Ngoài những giá trị tiêu biểu về kiến trúc với những hoa văn chạm khắc mang dấu ấn tiêu biểu thời Mạc, đền Và còn lưu giữ được nhiều di vật khác cùng thời như: khám thờ, bài vị và hệ thống y môn. Đây là những di vật quý, có giá trị minh chứng niên đại của ngôi đền, đồng thời cũng là các tác phẩm đẹp có giá trị truyền tải ước vọng của người dân, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử làng xã và nghệ thuật điêu khắc qua các thời.

Bức tường đá ong rêu phong cổ kính bao quanh khu đền, cùng với ngọn đồi xanh ngắt bóng lim già đã cùng với các hạng mục khác của di tích tạo nên sự thâm nghiêm cho nơi tôn kính các vị thần được thờ ở đền Và. Đó là các vị đệ nhất phúc thần Tản Viên, vị tổ trong bách thần, vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của quan niệm dân gian Việt Nam. Thần là anh hùng sáng tạo văn hoá nông nghiệp, người anh hùng trị thuỷ, anh hùng chống giặc ngoại xâm, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc, dân tộc.

Đền Và đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1964./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)