Danh thắng & Di tích Hà Nội

Dấu tích Văn miếu Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 12:30

Dấu tích Văn miếu Sơn Tây hiện ở xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

khu-di-tich-van-mieu-son-tay.jpg
Khuôn viên Khu di tích lịch sử Văn Miếu.

Hiện nay, Văn miếu Sơn Tây, thuộc xã Đường Lâm không còn hình dáng như trước nữa, chỉ còn dấu tích. Di tích chỉ còn lại khuôn viên nằm trên địa hình khá cao, nguyên là một quả đồi cũ, phía dưới chân đồi là những ngôi nhà dân sinh. Tuy nhiên, Văn miếu Sơn Tây vẫn là một công trình mang đậm nét văn hoá của người Việt, nơi tôn vinh những nhà khoa bảng, những người đại diện tiêu biểu nhất cho tinh thần hiếu học của dân tộc nói chung và xứ Đoài nói riêng.

Mục đích của việc dựng Văn miếu ở hàng tỉnh cũng được ghi lại một cách rõ ràng trong Văn thánh bi: “Nhân nghĩ những người xuất thân văn học, nổi danh khoa giáp của hạt ta đời nào cũng không thiếu; văn chương và sự nghiệp của họ vẫn còn truyền tụng đến nay. Đối với các vị ấy, bảng vàng, bia đá tự đã có ân thưởng, biểu dương, khen thưởng của triều đình. Tuy nhiên, ở chốn quê nhà, ngoài cảnh cung tường cũng nên dựng đá, khắc tên các vị ấy ở phía trước, tiếp theo bia Thái học ở Văn miếu Hà Nội, để cùng lưu truyền bất hủ, sao cho mọi người thấy được công lao hàm dưỡng rất sâu của các triều; mặt khác thấy được sự hun đúc rất rộng của Thánh giáo, chứ tuyệt nhiên không có ý tiếm quyền”.

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Văn miếu ở xã Mông Phụ, huyện Phúc Thọ về phía tây tỉnh thành, đền Khải Thánh (nơi thờ cha mẹ Khổng Tử) ở phía tây Văn miếu, trước kia đền Khải Thánh ở xã Cam Giá Thịnh, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) dời đến chỗ hiện nay”. Văn miếu nhìn về hướng nam, phía trước là 5 quả đồi như năm quả chuông trời thả xuống cho vùng địa linh.... Nơi đây có bến Săm, bến Mải, bên kia sông là đồi bến Săm, đồi bến Cốc, đồi Gậy Quang, đồi lậy Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn (tướng của Hai Bà Trưng), kề bên là Gò Đống với thế đất hình nhân, nơi an nghỉ vĩnh hằng của xứ thần Giang Văn Minh, phía sau Văn miếu là ba quả gò. Người xưa có câu “tiền Ngũ Nhạc, hậu Tam Thai”.

Văn miếu Sơn Tây xưa toạ lạc trên một khu đất hình chữ nhật, có tường xây bao quanh bằng gạch đá ong... Toàn bộ khu di tích được dàn trải trên một đường chính đạo chạy dọc công trình theo hướng bắc - nam. Đi từ ngoài vào trong dọc theo đường chính đạo ta bắt gặp các công trình kiến trúc: trước tiên là hồ sen có hình bán nguyệt, được xây kè bằng đá, bên trong hồ được trồng rất nhiều sen. Trên bờ hồ, giáp với đường cái là bốn cột trụ của tiền môn. Qua chín bậc đá cẩm thạch là đường gạch đi giữa hai hàng thông. Bốn cây cột trụ hình vuông, phía trên có đắp hình cánh phượng. Bước qua trụ biểu nhìn về phía bên trái là một căn nhà nhỏ, hai mái, tường hồi bít đốc, đây là ngôi nhà xây cho những ông từ trông nom khu di tích. Tiếp đến là Văn miếu môn, đây là công trình duy nhất cho chúng ta thấy diện mạo kiến trúc được lưu lại trong một tấm ảnh chụp vào đầu thế kỷ XX. Văn miếu môn tức là cổng Văn miếu ở ngoài cùng, cổng có ba cửa, được xây hai tầng kiểu chồng diêm tám mái, nhưng cửa giữa to, vươn cao hơn hai cửa bên. Kiểu dáng kiến trúc của công trình này có nhiều nét độc đáo đáng lưu ý. Nhìn bên ngoài Văn miếu môn là ba kiến trúc riêng biệt. Cửa chính giữa xây hai tầng. Mặt bằng hình vuông. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ xây chồng lên giữa tầng dưới, do đó mặt trước sau thừa ra một khoảng được lợp ngói làm mái che cho tầng dưới. Phía bên ngoài của tầng dưới được mở một cửa cuốn, trên mi cửa có trang trí phù điêu. Tầng trên làm 4 mái, mặt trước và sau có trổ cửa hình tròn (tượng trưng cho mặt trời), bên trên cửa có một bức phù điêu đề hai chữ Phú Mỹ, phía trên cùng được chia ô đắp các bức phù điêu. Hai gian bên của cửa giữa cũng được xây hai tầng, kiểu thức giống nhau, tầng dưới to, rộng, tầng trên nhỏ, mỗi tầng đều có 4 mái lợp ngói với 4 đầu đao đẽo cong. Trên bờ nóc của tầng mái trên có đắp 2 con rồng chầu vào gian giữa. Trên mỗi gian đều được trổ một cửa cuốn, 3 cửa tầng dưới đều có cánh cửa, những cánh cửa này chỉ được mở vào các dịp lễ trọng. Mặt trước của Văn miếu môn có đề 3 câu đối (do ảnh quá mờ nên không đọc được rõ chữ).

Đi qua cổng chính Văn miếu môn có một con đường lát gạch ta bắt gặp lầu chuông và lầu trống (gọi là Tả chung Hữu cổ), được dựng đối xứng nhau qua đường chính đạo, cả hai đều được dựng hình bát giác, hai tầng mái, tầng dưới 8 mái, tầng trên 4 mái, kiểu thức này ít gặp trong các công trình kiến trúc cổ. Tiếp sau lầu chuông và lầu trống là hai dãy tả vu và hữu vu được dựng theo môtíp nhà Việt cổ truyền với một tầng mái, tường hồi bít đốc. Xưa kia Tả vu và Hữu vu mỗi bên xây 5 bệ kê 5 khán thờ Thất thập nhị hiền, trên có bài vị, và là nơi dựng bia đá đề danh những người đỗ đạt trong tỉnh. Mặt trước của tả hữu vu có hai khoảng đất trồng rất nhiều loài hoa, quanh năm ngát hương. Chính trước mặt là toà Đại bái thâm nghiêm trải suốt chiều rộng của sân, được dựng kiểu chồng diêm tám mái, tường hồi bít đốc. Sau Đại bái và song song với Đại bái là toà Thượng điện rộng rãi, to lớn và thâm nghiêm, chiều dài tương tự toà Đại bái nhưng chiều rộng gấp ba lần, có hai tầng mái, tường hồi bít đốc. Cụm kiến trúc này được xây theo hình chữ “nhị”. Thượng điện có tường xây ba phía, phía trước có cửa bức bàn ở gian giữa, các gian bên có cửa nách và chấn song cố định. Không gian trong Thượng điện kín đáo, gian chính giữa có khám và ngai để trên một bệ xây, trong có bài vị Chí thánh tiên sư Khổng Tử. Các gian bên cũng có bệ xây và cũng có khám, trong khám có ngai và bài vị. Bên trái có hai ngai thờ Tăng Tử và Mạnh Tử (á thánh), bên phải cũng có hai ngại thờ Nhan Tử và Tử Tư. Bốn vị được thờ trên đây tức là Tứ phối. Hai gian đầu hồi cũng có hai khám lớn xếp chầu vào gian giữa, thờ Thập triết. Toà Đại bái phía trước chỉ được xây hai bên tường hồi còn mặt trước và mặt sau để trống. Chức năng là nơi hành lễ trong những kỳ tế tự xuân thu.

Từ trước cửa Văn miếu đi theo hai con đường qua đầu hồi của Tả vu và Hữu vu là sang điện Khải Thánh. Từ bên ngoài qua một cửa nhỏ là vào nơi thờ cha mẹ Khổng Tử tức Thúc Lương Ngột và Nhan Thị. Đền Khải Thánh gồm hai công trình nằm ngang hàng qua toà Thượng điện (gọi là tả chiêu hữu mục), kiểu thức kiến trúc giống nhau, dài rộng bằng nhau, đều có 4 mái, đặc biệt có mái phía trước rộng hơn mái phía sau, tường hồi bít đốc, không có đao. Như vậy, Văn miếu Sơn Tây bao gồm nhiều hạng mục công trình liên hoàn, tạo nên một bức tranh đẹp nằm trong quần thể làng cổ ở Đường Lâm.

Tóm lại, về bố cục mặt bằng và cơ cấu các công trình của Văn miếu Sơn Tây, có sự tương đồng như đối với một số văn miếu hàng tỉnh khác. Đây là một công trình lớn, đồ sộ và mang phong cách kiến trúc Nguyễn, cuối thế kỷ XIX. Nhưng về chất liệu xây dựng, Văn miếu Sơn Tây được cổ nhân xây bằng chất liệu gạch đá ong, một chất liệu truyền thống của xứ Đoài nên cũng mang một vẻ đẹp riêng, hiếm có.

Đối với Văn miếu, di vật có giá trị nhất là những tấm bia đá ghi tên những vị tiến sĩ, đỗ đạt của địa phương. Tiếc rằng, trải qua năm tháng, cùng với những cuộc chiến tranh, sự tàn phá vô thức của con người, những tấm bia đá ở Văn miếu Sơn Tây đã bị phá hoại, mất, vỡ vụn. May mắn thay, nội dung một trong những tấm bia ấy đã được một cụ già địa phương ghi lại, đây là cơ sở để phục dựng lại tấm bia này. Ngày nay, ngoài chiếc khánh đồng - khánh đá và chín tấm bia còn lưu giữ tại đình Mông Phụ, những di vật khác tại Văn miếu chỉ còn lại trong tâm thức của người dân.

Văn miếu Sơn Tây hiện chỉ còn dấu tích. Địa điểm lịch sử này vẫn được bảo vệ, ghi nhớ...

Văn miếu Sơn Tây đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)