Danh thắng & Di tích Hà Nội

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 10:08

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở phố Quốc Tử Giám, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

van-mieu-quoc-tu-giam.jpg
Khuê Văn Các 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thờ nhà tư tưởng, nhà giáo dục Nho học vĩ đại Khổng Tử (551 - 479 TCN) cùng những học trò xuất sắc, tiêu biểu của Khổng Tử, cũng là trung tâm giáo dục hàng đầu của Nho giáo Đại Việt.

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, sử gia thời Lê làm quan tới chức Đô ngự sử ghi: “Mùa thu tháng tám năm Canh Tuất (1070) niên hiệu Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ hình thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đã đến học tập tại đây”.

Tại Văn Miếu, tháng hai năm Ất Mão (1075) dưới thời vua Lý Nhân Tông, khoa thi có tính chất quốc gia đầu tiên, thi Minh Kinh bác học và thi Nho học tam trường đã được tổ chức.

Đến tháng tư năm Bính Thìn (1076) niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất, triều vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám để mở rộng việc học cho hoàng gia quý tộc, rồi một số quan lại được chọn lọc vào học. Sang thời Trần, Quốc Tử Giám đổi thành Quốc Học viện và Quốc Tử viện, nơi giảng dạy Nho giáo cho các nho sĩ do triều đình vời đến. Thời Lê sơ ngoài việc tuyển lựa con em quan lại của triều đình, những người thi đỗ ở các lộ, phủ cũng được tuyển về học ở đây gọi là giám sinh. Những giáo quan dạy ở Quốc Tử Giám phải qua kỳ thi tuyển và những ai có văn tài, đạo đức hơn người mới được dạy ở đây.

Dưới thời Lê Thánh Tông, nhà vua tôn sùng nho học, bản thân ông học rộng, “Văn trị vũ công” đều có. Đặc biệt vua coi trọng việc giáo dục, chăm lo bồi dưỡng tuyển chọn nhân tài, trọng dụng các bậc hiền sĩ. Tháng giêng năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483), Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tu bổ lớn. Theo đó, nhà Thái học được mở rộng thêm so với thời Trần, xây thêm giảng đường, đặt thêm kho văn sách, làm nhà cho học sinh tới học tại đây ở hai bên nhà Thái học, phía trước là khu Vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành, Đông Vũ và Tây Vũ, điện Canh Phục và kho chứa đồ tế khí. Quốc Tử Giám còn được gọi là Thái Học viện.

Việc tổ chức thi cử mang tính chất quốc gia đã bắt đầu từ thời Lý nhưng tới thời Lê thì đặc biệt được mở rộng và thường xuyên hơn. Kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm 1075 dưới thời Lý Nhân Tông tới khoa thi cuối cùng dưới thời Lê Chiêu thống (1787), trừ các khoa Đông Các và chế khoa ra, đã có 124 khoa thi Đình, trong đó có 117 khoa thi tiến sĩ. Kết quả là từ các kỳ thi ấy đã tuyển chọn được hàng nghìn nhân tài cho đất nước, trong đó có tới 1036 tiến sĩ, 46 trạng nguyên (theo danh sách các vị được ghi tên trên 82 tấm bia đá còn lại tới ngày nay tại Văn Miếu).

Khởi sự từ năm 1484, do ý tưởng của Lê Thánh Tông, việc dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tiến hành trong suốt gần 300 năm (1484 - 1780) là việc làm có ý nghĩa to lớn về giáo dục con người, động viên được hiền tài “nguyên khí của quốc gia” vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. 82 tấm bia tiến sĩ là những di vật giá trị bậc nhất của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đặc biệt là những giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Giám, đặc biệt là những giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Các tấm bia đó thực sự là những pho “sử đá” đồ sộ, có nội dung phong phú, cho ta thấy được quan điểm về giáo dục thời phong kiến, bầu không khí náo nhiệt của học hành, thi cử và họ tên các bậc danh nho cũng như các địa phương, các dòng họ có truyền thống khoa bảng. Chẳng những thế, bản thân các tấm bia với hình thức thể hiện và bằng nghệ thuật chạm khắc đá điêu luyện của các nghệ nhân đương thời, là những tác phẩm nghệ thuật mang đặc trưng trong phong cách của thời đại.

Sau khi Gia Long lên ngôi, đóng đô ở Phú Xuân (Huế) thì vai trò Quốc Tử Giám của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long không còn nữa. Trải qua thời gian và bao biến cố, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã không còn được như xưa. Tuy vậy, triều đại nào cũng quan tâm đến Văn Miếu và cho tu bổ tôn tạo. Năm thứ 4 Gia Long (1805), Khuê Văn Các được xây dựng trên nền lầu Tàng thư.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay nằm trên một khu đất rộng hình chữ nhật, chiều dài 306m, mặt trước rộng 61m là phố Quốc Tử Giám, một bên là Vườn Giám, một bên là phố Văn Miếu. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Xung quanh có tường xây bằng gạch vồ Bát Tràng, bên trong có tường xây thấp chia làm 5 khu.

Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính Văn Miếu môn. Trước và sau có hai đôi rồng đá nghệ thuật mang phong cách thời Lê sơ (thế kỷ XV). Lối đi ở giữa lát gạch dẫn đến cổng Đại Trung môn.

Khu thứ hai bắt đầu từ Đại Trung môn, có hai cổng nhỏ có tên là Thành Đức và Đạt Tài.

Khu thứ ba bắt đầu với Khuê Văn Các (gác Sao Khuê, sao chủ về văn học). Gác của Khuê Văn là lầu vuông tám mái, bốn bên là cửa sổ hình mặt trời, phía dưới gác có bốn cột đỡ bốn góc và để thoáng hai bên gác có hai cổng nhỏ một bên đề Súc Văn (Văn Chương hàm súc) và Bỉ Văn (Văn đẹp hay). Giữa khu thứ ba có một hồ vuông lớn gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) có lan can bao quanh. Hai bên hồ là hai khu vườn bia, di tích có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của Văn Miếu. Hiện nay tại khu vườn bia có 82 tấm bia của 82 khoa thi khắc tên những người đỗ tiến sĩ. Tấm bia niên đại lâu năm nhất là khoa thi 1442. Những tấm bia tiến sĩ đều được dựng trên lưng rùa đá, một trong tứ linh, tượng trưng cho sự trường tồn.

Qua cửa Đại Thành (Đại Thành môn) tới khu thứ tư với một sân gạch rộng hai bên là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu. Cuối sân là nhà Đại bái và Hậu cung có kiến trúc đẹp, hoành tráng. Hậu cung có đặt tượng Khổng Tử, tượng Tứ phối - bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử... tượng đều bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tại đây còn một số hiện vật quý như quả chuông lớn Bích Ưng đại chung đúc năm 1768, tấm khánh đá đề hai chữ Thọ Xương, các nghiên mực, rất nhiều hoành phi câu đối có giá trị văn học, triết lý...

Khu thứ năm, sau nhà Hậu cung là trường Giám (nhà Thái học), nơi học tập của các thí sinh thời Lê. Đến thời Nguyễn, Quốc Tử Giám chuyển vào Huế thì nơi này là đền Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử.

Năm Tự Đức thứ 6 (1863), những tấm bia của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vốn ở 2 bên nhà Thái học bị xiêu đổ bỏ phế, đã được quy tập lại chuyển về đặt 2 bên Thiên Quang Tỉnh và xây 2 đình bia cùng 2 dãy nhà che bia để tránh mưa gió bào mòn. Cùng năm ấy, văn từ phía trước Văn Miếu môn cũng được nạo vét sửa sang cảnh trí. Đến năm 1865 lại dựng Văn hồ đình. Năm 1946, giặc Pháp đã phá hủy toàn bộ khu Thái học, đền Khải Thánh và 2 dãy Tả, Hữu vu bên sân tòa Đại bái. Nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2000), tại khu Thái học - Khải Thánh xưa đã xây dựng 3 tòa nhà lớn, với kiến trúc cổ trên nền cũ, để phục vụ cho những hoạt động văn hóa, khoa học của Thủ đô; tại đây đã đặt tượng (bằng đồng) 4 danh nhân: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An. Trong khu nhà Thái học mới, có Đại Hồng Chung và trống cái cỡ lớn. Hồ Văn và vườn Giám cũng được tu bổ, tôn tạo.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tu sửa nhiều lần vào những năm 1484, 1511, 1536, 1762, 1785, 1805, 1863, 1888, 2000, 2009... vì vậy bóng dáng kiến trúc thời Lý, Trần không còn sót lại dấu vết. Phần lớn các kiến trúc tồn tại đều là sản phẩm thời Lê mạt và Nguyễn sơ, tòa Bái đường và Thượng điện là sản phẩm thời Lê mạt song cũng không phải cùng năm. Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, Đại Thành môn là sản phẩm kiến trúc thời Nguyễn. Nhà Tả vu và Hữu vu được dựng lại thời Pháp thuộc.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình văn hóa của Việt Nam, là một bằng chứng của sự đóng góp vào nền văn minh Nho giáo của khu vực và nền văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của toàn thế giới. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa ngày 28/4/1962./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)