Đánh thức di sản Thủ đô: Bảo tồn, tái tạo và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống:Bài 2: Múa rối cạn Tế Tiêu - tinh hoa “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật truyền thống
Thủ đô ngàn năm văn hiến có 6 phường múa rối nổi tiếng nhưng duy nhất thôn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) có múa rối cạn, còn lại là nghệ thuật múa rối nước. Múa rối cạn Tế Tiêu đang có sức sống bền vững và lưu giữ vẹn nguyên những nét tinh hoa "độc nhất vô nhị".
Nét tinh hoa chỉ có ở múa rối cạn Tế Tiêu
Từ trung tâm Thành phố Hà Nội, di chuyển hơn 40km theo Quốc lộ 21B, chúng tôi có mặt tại phường múa rối Tế Tiêu trong một buổi chiều mưa. Vừa rót ly trà mời khách cùng nét mặt đầy tự hào, nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng say sưa kể về sự hình thành và ra đời múa rối cạn Tế Tiêu. Vào thời Lê Trung Hưng, ông Trần Triều Đông sau khi về Tế Tiêu khai hoang, lập làng, dạy người dân trồng lúa đã sáng tạo ra múa rối cạn và truyền lại cho dân làng. Từ đây, trò rối cạn phát triển, trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân.
Bước vào thời kỳ kháng chiến, múa rối cạn phường rối Tế Tiêu bị gián đoạn. Sau ngày Giải phóng Thủ đô, ông Phạm Văn Bể (đã mất và cũng là cha của nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng – PV) đã nỗ lực tiếp nối, phục hồi rối cạn Tế Tiêu, đồng thời truyền nghề cho con cháu. Sau này phường rối Tế Tiêu hưng thịnh trở lại.
“Rối cạn Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các thành phần khác nhau như sân khấu, quân rối, trò và tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại... Để điều khiển con rối một cách tròn vai, nghệ nhân phải thật khéo, hóa thân vào nhân vật và có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau”, Trưởng phường múa rối Tế Tiêu, chia sẻ.
Múa rối cạn Tế Tiêu sở hữu nhiều nét đặc sắc riêng có, không thể lẫn với bất kỳ nơi nào. Trước tiên, nhân vật rối cạn Tế Tiêu khác biệt bởi nét tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc, màu sắc rực rỡ và đậm chất dân gian được làm từ gỗ sung. Đó có thể là một Lý Thông nham hiểm, một chàng Thạch Sanh tốt bụng, chính trực hoặc người nông dân nhỏ bé, khôn ngoan cùng chú hổ ngốc nghếch.
Không những vậy, rối cạn Tế Tiêu còn đem đến sự hứng thú đặc biệt cho người xem bởi đã tích hợp được những trích đoạn tuồng kinh điển Việt Nam, chuyển hóa chất tuồng vào trong nghệ thuật rối một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên (rối “Tuồng Sơn Hậu” trong trích đoạn Chém tá). Hiện phường múa rối Tế Tiêu còn lưu giữ được hơn 20 tích trò là rối tuồng như Thoát Hoan chui ống đồng, Thạch Sanh chém trăn tinh, Thánh Gióng đánh giặc Ân…
Nhạc cụ phục vụ các tích trò rối cạn Tế Tiêu cũng thuần Việt với nhị, đàn tam, trống cái, trống con, não bạt... Lời hát trong sân khấu múa rối cạn Tế Tiêu không chỉ là các làn điệu dân ca, hát nói, hát ngâm mà còn được chắt lọc từ nhiều thể loại kịch hát dân tộc gồm tuồng chèo, hát văn, quan họ. Cùng đó, sân khấu rối cạn có thể cố định dưới dạng thủy đình hoặc sân khấu di động để phục vụ việc lưu diễn của phường rối ở bất cứ đâu.
Qua hàng trăm năm bảo tồn và phát triển, phường múa rối Tế Tiêu đã xây dựng và diễn thành công khoảng cả trăm trò, tích trò rối cạn. Ngoài trò rối cổ, phường múa rối cạn đã xây dựng thêm một số tiết mục mang tính chất xã hội lên án lối sống không lành mạnh, các tệ nạn xã hội và một số vở dựa theo các câu chuyện dân gian, văn học, lịch sử.
Các trò diễn Lỗi tại ai, Phòng chống phá rừng được các nghệ nhân phường múa rối cạn Tế Tiêu sáng tác thời gian gần đây, đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống đương đại, lan tỏa thông điệp người người, nhà nhà hãy chung tay bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, trong trình diễn rối cạn Tế Tiêu, Lão Trượng là nhân vật dẫn chuyện. Đây là hình ảnh của một cụ già phúc hậu, đại diện cho lớp người già cả, uy tín trong làng, phản ánh truyền thống trọng lão của người Việt.
Bởi mang những giá trị nghệ thuật đặc biệt, năm 2020, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ghi danh múa rối cạn Tế Tiêu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng rất đặc biệt vì năm 2019, anh Phạm Công Bằng ở tuổi 43 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, trở thành người trẻ nhất Việt Nam đến nay nhận danh hiệu này.
Sức sống bền vững
Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng chia sẻ, múa rối cạn Tế Tiêu vẫn đang được gìn giữ và phát triển, lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng. Hiện tại, phường múa rối Tế Tiêu có 22 thành viên, mặc dù thu nhập không ổn định và tất cả phải làm nghề khác để mưu sinh, nhưng mọi người vẫn hoạt động nhiệt huyết bởi múa rối cạn đã trở thành một phần cuộc sống của họ.
Nhiều năm qua, phường múa rối Tế Tiêu đã mang di sản văn hóa phi vật thể của quê hương đến với nhiều chương trình, liên hoan văn hóa nghệ thuật, trình diễn tại một số bảo tàng, điểm du lịch làng nghề, các trường học trên địa bàn Hà Nội; tham gia các kì Festival Huế. Những tích trò rối cạn của các “nghệ nhân nông dân” Tế Tiêu luôn nhận được sự đón nhận, tình cảm của công chúng nhất là các em học sinh. Khu thủy đình, nhà truyền thống phường rối Tế Tiêu cũng thường xuyên đón tiếp những đoàn khách trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Đức… tới tham quan, tìm hiểu về nghệ thuật rối cạn.
Được sự quan tâm của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức cùng chính quyền thị trấn Đại Nghĩa, phường rối Tế Tiêu đã mở các lớp truyền dạy, lớp trải nghiệm múa rối cạn cho học sinh trên địa bàn để tìm người kế cận giữ nghề. Hơn thế, UBND thị trấn Đại Nghĩa luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị múa rối cạn Tế Tiêu trong nhịp sống hiện đại.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, ông Nguyễn Văn Ninh – Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa cho biết, địa phương tới đây sẽ khởi công nâng cấp khu nhà thủy đình của phường múa rối Tế Tiêu. Khuôn viên được mở rộng thêm khoảng 700m2 với khoảng đất ngay cạnh nơi sinh hoạt của các nghệ nhân phường rối hiện nay. Dự kiến khi nâng cấp sẽ có xây dựng nhà trưng bày giới thiệu quân trò, tích trò rối cạn Tế Tiêu; khu vực dành cho du khách trải nghiệm, tương tác với nghệ nhân trong kỹ thuật làm rối và điều khiển rối, gian hàng bán đồ lưu niệm là các quân trò rối cạn với kích thước nhỏ do nghệ nhân phường rối chế tác. Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng thông tin thêm, phường rối hướng tới đưa rối cạn Tế Tiêu thành sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự chắt lọc và kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã làm nên sức sống trường tồn của nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu. Nhữn tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng trống; những câu hát dân gian... sẽ mãi mà những tham âm vang vọng, là mạch ngầm chảy mãi dưỡng nuôi tâm hồn người dân phường rối Tế Tiêu./.