Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Trung Kính Thượng (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 31/07/2023 16:31

Đình Trung Kính Thượng thuộc tổ 19 ngõ 218, đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hoà, Hà Nội.

dinh-trung-kinh-thuong.jpg
Đình làng Trung Kính Thượng

Trung Hoà là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử lâu đời. Qua thư tịch và các bản thần tích, sắc phong của Hộ Nhi hương (xã Trung Hoà) còn lưu giữ tại đình cho biết đình Trung Kính Thượng phụng thờ vị phúc thần Nộn Triết Đại vương, tục truyền sống vào đời vua Hùng thứ 18 đã từng đóng quân ở Trung Kính để chống quân của Thục Phán. Sau khi cùng Tản Viên đánh bại quân Thục Phán lần hai, quân của ngài về đến đất Hoan Châu lúc bấy giờ là ngày 12 tháng 10, đến nơi ngài không bệnh mà hoá. Vua Duệ Vương nghe tin hết lòng thương tiếc cho sắc phong mỹ tự, chỉ truyền Hộ Nhi hương và nhân dân Hoan Châu mang xa giá ra cổng thành đón sắc chỉ về phụng thờ. Sắc phong Quốc Vương Đại thần. Từ đó nhân dân xã Kính Chủ dựng miếu thờ.

Tương truyền vào thế kỷ thứ VI, vua Lê Đại Hành đem quân đi đánh giặc Tống, qua đền thờ xã Kính Chủ làm lễ mật đảo cầu thần phù hộ cứu dân, cứu nước. Sau khi thắng trận nhà vua phong mỹ tự cho thần là: Vạn Cổ phúc thần, Giữ quốc đồng hưu; lại gia phong mỹ tự: Uy Dũng đại thần nhị tự.

Đời vua Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn, khi tiến quân qua đền ngài ở làng Kính Chủ, ngài mật đảo ứng nghiệm. Sau khi thắng trận lên ngôi Hoàng đế, vua Lê Thái Tổ gia phong cho ngài là “Linh Ứng hùng lược nhị tự” và lệnh truyền các đời vua Thái Tông, Thánh Tông, Hiển Tông, Túc Tông, Chiêu Tông, Trang Tông triều hậu Lê đều ghi nhận công đức của thần. Các triều vua đều sắc phong cho thần là “Linh Ứng, Hộ quốc an dân”.

Bản thần tích do Hàn Lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Đức nguyên niên.

Đến thời Tây Sơn, nơi đây là địa bàn đóng quân của Nguyễn Huệ khi tiến quân từ Bình Định ra đại phá quân Thanh tại kinh thành Thăng Long, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Nối tiếp truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất, người dân Trung Kính trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước. Đình Trung Kính Thượng là cơ sở cách mạng, là nơi ẩn náu của cán bộ Việt Minh, nơi luyện tập của dân quân du kích, bộ đội địa phương.

Là công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, đình Trung Kính Thượng được xây dựng để phụng thờ thần thành hoàng làng. Đình toạ lạc trên một khu đất cao ráo, rộng thoáng giữa khu vực cư trú của làng. Các công trình kiến trúc của đình được bố cục theo chiều sâu, hài hoà và ăn nhập với cảnh quan thiên nhiên. Toà đình chính quay hướng tây. Từ ngoài vào gồm các hạng mục: Cổng Nghi môn, hai nhà Tả hữu mạc, nhà Tiền tế, Trung tế, Hậu cung, nhà bia.

Bộ sưu tập hiện vật trong di tích hiện còn rất phong phú đa dạng. Đặc biệt đình còn lưu giữ 12 đạo sắc phong thần của 2 triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn, là nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu tìm hiểu về địa danh lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân địa phương.

Hội làng Trung Kính Thượng được mở vào ngày 10 tháng hai âm lịch hàng năm. Do từ lâu đời làng có tục kết chạ với làng Trung Kính Hạ, vì cùng thờ chung vị thần nên kết nghĩa giao hiếu cũng chia ngọt, sẻ bùi, hoạn nạn giúp nhau. Khi vào hội, hai làng có tục rước giao hiếu, nghĩa là một năm Trung Kính Hạ lại rước sắc sang giao hiếu đáp lễ. Sau nghi lễ tế thần là lễ rước sắc giao hiếu với làng An Phú, xã Nghĩa Đô (nay là phường Nghĩa Đô). Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ, chọi gà, hát thờ cửa đình....

Từ khi khởi dựng đến nay, ngôi đình đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Năm Cảnh Hưng (1760) dân làng quyên góp công sức tiền của, trùng tu lại ngôi đình bị hư hỏng dột nát, dựng bia ghi công đức, làm một số đồ thờ như kiệu rước, hoành phi, câu đối... Năm 1875 đời vua Tự Đức, đình lại được tu sửa những hạng mục Hậu cung, Tiền tế, hai nhà tả hữu mạc. Toà đại đình hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 1997.

Đình Trung Kính Thượng đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)