Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Trung Kính Hạ (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 31/07/2023 16:11

Di tích đình Trung Kính Hạ hiện thuộc tổ 8, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

dinh-lang-trung-kinh-ha.jpg
Đình làng Trung Kính Hạ

Trung Kính vốn là vùng đất cổ có lịch sử tạo dựng lâu đời. Trung Kính trước kia là một xã riêng gồm hai thôn Trung Kính Thượng và Trung Kính Hạ. Nhân dân Trung Kính lấy nông nghiệp đa canh làm nguồn sống. Ngoài ra nhân dân thôn Thượng, thôn Hạ còn có nghề cổ truyền làm tăm tre, đũa tre, hương đen, hương trầm, xạ, hương vòng...

Các bản thần phả của Hộ Nhi hương (xã Trung Hoà) cho biết đời Hùng Vương thứ 18, các tướng của vua Hùng như Hùng Công Nộn và Phan Tây Nhạc đã đến đóng quân ở khu vực này.

Theo cuốn ngọc phả hiện còn lưu lại tại đình do Hàn Lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên và được sao lại dưới triều vua Lê Hy Tông năm thứ 5, niên hiệu Long Đức thì đình Trung Kính Hạ thờ vị thành hoàng là Hùng Công Nộn - một nhân vật sống vào thời Hùng Vương thứ 18. Hùng Công Nộn đã cùng Tản Viên sơn thần ra trận chống giặc Phán giành thắng lợi, được vua Hùng Duệ vương phong cho Hùng Công chức Bảo Tước hầu và phong cho xã Kính Chủ là Hộ Nhi hương, ban thưởng vàng bạc, châu báu. Khi Hùng Công Nộn qua đời vua phong ông là Quốc Vương Đại thần, cho giúp dân Trung Kính Chủ lập miếu phụng thờ.

Thời vua Lê Đại Hành, đem quân đi đánh giặc, qua đền Kính Chủ làm lễ cầu đảo, thắng trận trở về vua liền phong mỹ tự cho thần là Vạn Cổ phúc thần, dữ quốc đông hưu, lại gia phong Uy Dũng đại thần. Đến thời Cao Thái Tổ hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn khi tiến quân đến Kính Chủ, mật đảo ứng nghiệm, thắng trận trở về lên ngôi hoàng đế vua gia phong thần là Linh Ứng Hùng Lược. Các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiển Tông, Tuế Tông, Chiêu Tông, Trang Tông triều Hậu Lê đều sắc phong thờ ngài.

Hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại một cách chính xác niên đại khởi dựng của di tích. Song căn cứ vào khối kiến trúc vật chất hiện còn và hệ thống di vật, đặc biệt là đạo sắc mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) có thể đoán định ngôi đình được khởi dựng vào khoảng thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn.

Người Trung Kính thờ thần Hùng Công Nộn và Lê Đại Hành ở đình, coi như một trung tâm hội tụ đoàn kết cộng đồng để bảo vệ xây dựng xóm làng. Hiện nay, đình được xây theo hướng tây trong một khuôn viên rộng thoáng. Đình có quy mô kiến trúc khang trang toạ lạc ở giữa khu trung tâm cư trú của làng. Các hạng mục kiến trúc của đình được bố cục hài hoà, đăng đối, thống nhất với nhau trong một không gian văn hóa tĩnh lặng của làng quê Việt Nam. Trước đình có ao hình bán nguyệt theo thế phong thuỷ.

Hiện nay, di tích còn bảo lưu được hệ thống các di vật phong phú về thể loại và chất liệu: sắc phong thời Lê Trung hưng, 17 đôi câu đối, 3 hương án, kiệu long đình, kiệu bát cống, đỉnh đồng, 5 tấm bia đá, một bia niên hiệu Vĩnh Trị (1676 - 1680), ba bia niên hiệu Bảo Đại 5 (1930) và một bia dựng năm niên hiệu Thành Thái 19 (1907), một chuông đồng đúc vào thời Nguyễn...

Đình Trung Kính Hạ đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)