Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Trong, đình Ngoài và đền Dục Anh (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 31/07/2023 14:45

Đình Trong, đình Ngoài, đền Dục Anh nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội về phía Tây khoảng 5km, trong địa phận cụm dân cư Hoà Mục, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Đình Trong, đình Ngoài, đền Dục Anh là cụm di tích thờ chung 3 vị Thần hoàng là 3 chị em ruột: Phạm Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy là những người có công giúp Phùng Hưng đánh đuổi giặc Cao Chính Bình, giải phóng Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay).

Lịch sử và truyền thuyết dân gian kể lại rằng: ở trang Thọ Xương, quận Nam Xương có người họ Phạm, tên huý là Khuyên, hiệu là Minh Dực. Ông có vợ là bà Phùng Thị Thảo, hiệu Diệu Hoa. Hai vợ chồng giàu có nhưng không có con, thường sống tu thân, tích đức, giúp đỡ những người nghèo khó. Một đêm, cả hai vợ chồng đều mộng thấy một vị thần mặc áo sắt, đội mũ đồng, lưng đeo giáp sắt, chân đi giày sắt, tay cầm long bài, quỳ trước sân mà nói rằng, Ngọc hoàng Thượng Đế ban sắc xuống cõi Nam, giao cho nhà ông giúp đỡ một gái, hai trai nuôi nấng cho họ trưởng thành.

Nói xong người đó biến mất. Tỉnh dậy hai vợ chồng kể chuyện nằm mộng, lấy làm ngạc nhiên, vui mừng. Một năm sau, vào giờ Ngọ ngày 12, bà sinh hạ được một bọc, bọc đó nở ra một gái, hai trai. Ông bà và dân làng ai cũng vui mừng và cho đó là điềm lạ. Nuôi được một trăm ngày, ông bà đặt tên cho các con, con gái cả tên là Phạm Uyển, con thứ 2 là Phạm Huy, con út là Phạm Miễn. Khi còn nhỏ cả ba chị em đều rất thông minh, ngoan ngoãn, suốt ngày chỉ ở nhà học chữ, xem sách, không đợi người chỉ bảo. Trưởng thành, văn võ song toàn, tinh thông âm luật. Vào năm Khai nguyên nhà Đường, ở đất Đường Lâm có một người dòng dõi hào phú, sức khoẻ hơn người, bẻ sừng trâu, bắt được hổ. Khi Cao Chính Bình xâm lược nước ta, Phùng Hưng cùng em là Hải đi chiêu mộ anh tài để dẹp loạn, Phạm Huy và Phạm Miễn đưa quân sĩ của mình gia nhập nghĩa quân Phùng Hưng. Sau một thời gian tập luyện, Phùng Hưng kéo quân sĩ đi bao vây, đánh chiếm phủ thành. Cao Chính Bình hoảng sợ, quân lính một số bị chết, một số sống sót bỏ chạy về phương Bắc. Phùng Hưng thắng trận, kéo quân vào phủ, mở tiệc khao quân, phong tặng công thần. Hai anh em Phạm Huy và Phạm Miễn được phong làm thần tướng và ban cấp đất đai ở vùng Tây Đạo làm “ấp thang bộc”. Một hôm, hai ông đi tuần du trong đạo, khi đến trang Nhân Mục (Hoà Mục), thấy có mạch đất nổi lên, địa hình tú dị, liền cho dựng hành cung để làm nơi du ngoạn, lại tăng thêm công điền, công thổ để hàng năm người dân nơi đây đèn hương thờ cúng. Trở về Tây Đạo, đêm đó (25 tháng 10) hai ông đều nằm mộng thấy “sứ giả nhà trời” quỳ trước sân, nói rằng: “Thượng Đế ban sắc xuống triệu hai ông về trầu Thượng Để”. Chẳng bao lâu (ngày mùng 1 tháng 2), hai ông thấy trong người khác lạ và ngay ngày hôm sau (mùng 2 tháng 2) không bệnh mà hoá.

Còn Phạm Uyển là chị gái của hai ông, lúc lớn lên hình dáng yểu điệu, đẹp tới mức “chim sa, cá lặn”. Cũng như hai người em, bà ra nhập nghĩa quân Phùng Hưng đánh giặc. Một lần, bà dẫn quân đi dẹp loạn Dương Thúc, nhưng thế giặc quá mạnh, bà bèn đưa quân đến địa phận trang Nhân Mục (cạnh sông Tô Lịch) lánh nạn. Quân giặc đuổi kịp, biết không thể thắng được, bà liền nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn, hôm đó là ngày 15 tháng 7. Xác của bà trôi dạt vào xóm Thượng rồi dừng lại, dân làng thấy vậy vớt lên và dựng miếu thờ cúng. Thời Lê, một lần vua Lê Lợi đem quân đánh giặc Minh trên sông Nhị bị thua, nhà vua cho quân lui về huyện Từ Liêm. Khi đi qua trang Nhân Mục (ven sông Tô Lịch), thấy ngôi miếu thiêng, nhà vua cho dừng quân để nghỉ. Đêm đó, vua mộng thấy ba vị thần tự xưng là võ tướng xin được phù giúp đánh giặc, biết là có thần ngầm giúp. Sáng hôm sau, nhà vua dẫn quân đi giao chiến với giặc Minh, đánh đến đâu giặc thua đến đó. Thắng trận trở về, nhà vua liền phong sắc ban tặng cho cả ba vị thần và lệnh cho dân địa phương hương khói, thờ cúng muôn đời. Ngày nay, để tưởng nhớ ba vị thần hoàng được thờ tại đình đền, cứ đến ngày 12 tháng hai (âm lịch) dân làng Hoà Mục lại tổ chức lễ hội long trọng trong một ngày, nhân dân các địa phương lân cận cũng đến tham dự lễ hội rất đông.

Đình Trong

Đình Trong được xây dựng dưới triều Lê, trên một địa hình bằng phẳng, thoáng rộng, cảnh quan đẹp, theo hướng tây nam. Trước mặt đình là một hồ nước lớn (hồ của đình), vị trí trung tâm là khu kiến trúc thờ chính. Phía trước là sân lát gạch rộng, hai bên có hai dãy tả vụ. Nằm trên đường thần đạo còn có bộ Nghi môn khá đồ sộ. Nghi môn của đình được xây dựng theo kiểu trụ biểu. Hệ thống tứ trụ được họp thành một cổng chính và 2 cổng phụ.

dinh-trong-hoa-muc.jpg
Đình Trong

Kết cấu kiến trúc: theo phân cách không gian bên trong thì Đại đình gồm 5 gian 6 bộ vì kèo, Hậu cung gồm 4 gian là nơi đặt ngai và bài vị thờ ba vị thần Phạm Uyển, Phạm Miễn và Phạm Huy.

Đình Trong hiện còn bảo lưu được nhiều di vật quý, như: 12 đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn; 2 cuốn thần phả; 14 tấm bia đá cổ ghi lại việc trùng tu sửa chữa đình; 3 bộ ngai bài vị thờ; 3 bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án

Đình Ngoài

Đình Ngoài nằm cách đình Trong về phía tây chừng 800m. Căn cứ tấm bia đá cổ có niên hiệu Chính Hoà 17 (1696), đình Ngoài có từ thời Lê. Đình được xây dựng theo kiểu “chuôi về”, quay theo hướng đông nam, trên một nền cao 0,50m.

dinh-ngoai(1).jpg
Đình Ngoài

Điều làm ta chú ý là việc sắp xếp các đồ thờ tế tự ở đình Ngoài có nét khác biệt với các ngôi đình khác, đình không chỉ dành riêng cho việc thờ thành hoàng của làng, mà còn thờ Mẫu. Theo phong tục của người Việt thì hình thức thờ Mẫu chỉ gắn với những ngôi chùa thờ Phật. Có lẽ, đây là những dấu ấn nặng nề của một thời chiến tranh loạn lạc, vì vậy cần xem xét, tìm hiểu kỹ để trả lại chức năng vốn có của một ngôi đình làng truyền thống.

Các di vật, đồ thờ còn bảo lưu được ở đình không nhiều, tiêu biểu nhất là 2 tấm bia đá cổ, trong đó có tấm bia được tạo tác vào năm Chính Hoà thứ 17 (1696); 1 cuốn thần phả; 3 bộ ngai bài vị thờ thời Nguyễn; 1 quả chuông đồng, 5 pho tượng Mẫu (phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX).

Đền Dục Anh

Đền Dục Anh là nơi thờ 3 vị thần Phạm Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy và còn thờ Mẫu, một tín ngưỡng dân gian của người Việt. Đền toạ lạc ngay cạnh bờ sông Tô Lịch, một dòng sông đã đi vào lịch sử đất nước hàng nghìn năm qua.

den-duc-anh.jpg
Đền Dục Anh

Đền Dục Anh có quy mô kiến trúc như hiện nay, là sản phẩm của lần trùng tu vào cuối thời nhà Nguyễn.

Đền Dục Anh hiện còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như: 5 đạo sắc phong (sắc có niên đại sớm nhất được phong vào năm 1889, muộn nhất vào năm 1924); 6 bia đá cổ thời Nguyễn ghi lại việc trùng tu sửa chữa và việc hậu ở đền; 4 chiếc khảm gỗ được chạm thủng các chủ đề tứ linh, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; 13 pho tượng mẫu mang nhiều nét dân dã của người Việt; 1 quả chuông đồng thời Nguyễn..

Di tích đình Trong, đình Ngoài và đền Dục Anh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)