Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Tư Can (huyện Phú Xuyên)

Sơn Dương (t/h) 31/07/2023 11:44

Đình Tư Can thuộc địa phận xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

dinh-tu-can-px.jpg
Đình Tư Can thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Từ thành phố Hà Nội đi theo đường 70 đến ga Văn Điển rẽ phải vào Quốc lộ số 1A cũ, đến Cầu Giẽ rẽ phải là vào địa phận thôn Tư Can, xã Châu Can là tới di tích.

Đình Tư Can thờ thành hoàng làng là ngài Hùng Trấn Dực Bảo Trung Hưng Đông Bảng tôn thần. Sự tích về ngài được ghi chép như sau: Đông Bảng đại vương vốn là con của Lạc Hầu tướng Trương Công Khoa. Ông là người thông minh, nổi tiếng trên đời, văn võ song toàn. Lúc bấy giờ, dưới thời vua Hùng, giặc Ân kéo đến xâm lược. Ngài đã phù giúp Phù Đổng Thiên vương đánh giặc. Sau khi đất nước thanh bình, ngài trở về trời. Triều đình trao cho dân Tư Can phụng sự.

Đình trông hướng tây bắc, có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” với Đại bái phía trước và Hậu cung phía sau. Đại bái đình gồm 3 gian 2 dĩ, tường xây hồi bít đốc. Bộ phận chịu lực chính bên trong Đại bái là 4 bộ vì chính, hai bộ vì hồi trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Kết cấu bộ vì Đại bái được làm theo các kiểu thức như sau: Hai bộ vì gian giữa được làm theo lối “thượng giá chiêng rường nách, trung cốn, tiền kẻ hậu bẩy”. Dưới câu đầu là các đầu dư hình rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII với các đạo mác đã vát dần 2 bên phần mũi đao phía dưới, dáng đao không còn vút nhọn, thanh thoát như trước nữa. Đây là tác phẩm điêu khắc rất đẹp mắt, đầu rồng dáng thanh thoát, các đạo mác hình tia lửa bay thẳng ra sau, miệng rồng há to oai dũng, miệng ngậm ngọc. Đầu dư ăn mộng xuyên thẳng qua thân cột cái, thân cột treo câu đối chữ Hán, trang trí xung quanh hình dơi ngậm chữ phúc phía trên. Bộ vì 2 gian bên làm đơn giản hơn, theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, trung kẻ, hạ bẩy”. Các chi tiết ở bộ vì này để trơn, không trang trí các hoạ tiết, chủ yếu thiên về tạo độ bền chắc. Hai bộ vì gian hồi cũng làm đơn giản theo kiểu thượng kèo kẻ, trụ nọc, hạ kẻ chuyền. Hợp lực các bộ vì này tạo một khung chịu lực chắc chắn cho Đại bái. Ngoài ra, hàng cột hiên cũng góp phần hỗ trợ đắc lực cho bộ khung chịu lực thêm chắc chắn.

Trải qua thời gian, di tích còn lưu giữ được tại đình nhiều di vật quý như: 6 hương án có niên đại thời Nguyễn, 1 sập thờ, 1 bát hương gốm Thổ Hà, 1 cuốn ngọc phả và 5 sắc phong. Hằng năm đình Tư Can có 4 kỳ lễ hội tổ chức theo lịch âm: ngày 12 tháng giêng, 12 tháng năm, 12 tháng tám và 12 tháng mười một âm lịch. Trong đó, lễ hội chính là vào dịp 12 tháng tám âm lịch.

Đình Tư Can được Bộ Văn Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)