"Cõi người dưng": Sự thích ứng phi thường và tình hữu ái trước nghịch cảnh
“Cõi người dưng: Đời du dân Mỹ thế kỷ 21” là cuốn bút ký của nhà báo nổi tiếng người Mỹ, Jessica Bruder. Cuốn sách viết về tầng lớp thu nhập thấp ở Mỹ, những “nomad” – du dân. Bắt đầu từ một đặt hàng cho bài viết trên tạp chí Harper’s, Jessica Bruder đã bị hấp dẫn và cuốn vào cuộc sống của những du dân, cô bỏ ra 3 năm để chu du trên khắp các nẻo nước Mỹ để sống cùng và sống như một du dân. Sách do Y Khương dịch – Phạm Ngọc Thạch hiệu đính, vừa được Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành vào tháng 4/2023.
Khi tổng kết lại cuộc đời của những “du dân” sống nổi trôi trên khắp các đại lộ, các bãi đỗ dọc ngang nước Mỹ, Jessica Bruder đã không khỏi liên tưởng tới một hình ảnh hết sức thú vị: “Tôi lại nghĩ về cuộc nói chuyện ấy khi Linda dẫn link một video mới trên trang Facebook của bà. Đoạn phim quay một chú bạch tuộc bơi dưới đáy đại dương. Dáng điệu của nó rất dị thường và dòng phụ đề chỉ ra lý do vì sao – bạch tuộc ta đang lôi theo hai nửa gáo dừa rỗng đã tách ra. Bất chợt nó nhảy tòm vào trong. Kéo hai nửa gáo dừa sát vào cơ thể, chú bạch tuộc tiếp tục cuộc hành trình, lăn lông lốc về phía trước như một quả bóng bowling có xúc tu. Con bạch tuộc đã tạo ra một công cụ vừa để di chuyển vừa để bảo vệ – một ngôi nhà di động làm từ gáo dừa”.
Bạch tuộc là loài thông minh, có khả năng thích ứng tốt với những sự thay đổi lớn lao tới từ môi trường sống. Chính bởi vậy, hình ảnh con bạch tuộc với cái gáo dừa – thứ vật phẩm tự chế nhưng đầy hiệu năng đã được nó tận dụng triệt để – cũng chẳng khác mấy khi so sánh với hình ảnh của những nomad – những người “không nhà” sống trong các cỗ xe được cải biến để trở thành nơi ở, di chuyển hàng ngàn kilomet dọc ngang nước Mỹ, nhận đảm đương các công việc full-time theo mùa. Cũng giống như loài bạch tuộc, buộc phải lượm lặt những vật phẩm cần thiết để thích nghi với con nước mới, những “du dân” của “xứ không nhà” cũng phải vật lộn sinh tồn bằng tất cả những gì họ có, đặc biệt là trước những biến động phức tạp của làn sóng suy thoái kinh tế và sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản.
Sự tàn lụi của “giấc mơ Mỹ”
Không giống với hình dung của phần lớn nhiều người, nơi mà nước Mỹ luôn được nhắc tới với hàng loạt những danh xưng mỹ miều như “xứ cờ hoa”, “xứ thiên đường”, “giấc mơ giữa trần gian”, nơi sở hữu hệ thống dịch vụ công và chất lượng cuộc sống thuộc vào nhóm tốp đầu thế giới, nước Mỹ hiện lên trong Cõi người dưng lại là một nước Mỹ được soi chiếu qua lăng kính của bộ phận dân cư có thu nhập thấp, được khắc họa thông qua mô tả của những nhân chứng đã sống sót sau khi bị chủ nghĩa tư bản đánh gục: một nước Mỹ với đầy rẫy bất cập và ngập chìm trong vô số những hầm tối, dường như không thể tìm thấy nổi một con đường đào thoát.
Thuộc thế hệ “baby boomers”, nhóm nhân khẩu được sinh ra trong khoảng sau Thế chiến thứ II, đã sớm được đặt vào đỉnh tháp trong phân cấp cơ cấu dân số theo nhóm tuổi, tuy nhiên, những Linda May, LaVonne Ellis, Silvianne Delmars, Bob Wells, Charlene Swankie và rất nhiều những nhân vật khác nữa – những con người “phi thường” được đề cập tới trong cuốn sách này, lại không được sống một cuộc đời hưu trí an nhàn đúng như chính xác những gì mà họ xứng đáng được hưởng. Sau cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008, 2009, hàng triệu những người lao động Mỹ đã ngay lập tức phải đối diện với cảnh khốn đốn: quỹ tiết kiệm bốc hơi và thậm chí còn không đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ căn bản nhất cho quá trình tồn tại như ăn uống hay nhà ở. Sau những năm tháng quần quật lao động, tất cả vốn liếng mà họ dành dụm được đã sớm đổ bể trước cơn lốc của sự sụp đổ tài chính. Chẳng chóng thì chầy, từ chỗ thuộc tầng lớp trung lưu, với việc làm và bất động sản ổn định, họ sớm bị đẩy vào cảnh thất nghiệp, mất nơi cư ngụ. Những sang chấn khủng khiếp mang tính thế hệ đồng thời cũng đặt họ vào một trạng huống đi-hay-ở: hoặc tiếp tục bấu víu vào một giấc mơ đang giãy chết, hoặc tạm dừng việc than khóc và bắt đầu vun đắp một giấc mơ mới nơi quyền làm chủ hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay của họ.
Giữa tình cảnh đó, nhiều người đã chọn trở thành những “kẻ không nhà” (nomad). Vừa nằm ở bên ngoài dòng chủ lưu của văn hóa cộng đồng nước Mỹ, vừa là những đại diện cho tinh thần tự do rất đậm chất “Hoa Kỳ”, những nomad của Cõi người dưng đã tự mình kiến tạo nên một lối sống hết sức độc đáo, hình thành nên một bộ phận dân cư với cấu trúc văn hóa, xã hội khó có thể lẫn vào đâu được. Bằng chính sức sáng tạo của mình, họ đã tự cải biến những phương tiện giao thông thông thường: những chiếc xe van, xe thùng, xe RV, thậm chí xe buýt chuyên chở học sinh – để trở thành những căn nhà “di động” với đầy đủ những tiện nghi cơ bản. Rong ruổi dọc ngang khắp mọi nẻo đường nước Mỹ, họ tự trang bị cho mình những kỹ năng sinh tồn cần thiết, di chuyển thành từng dòng để tìm tới những địa điểm có tuyển nhân công theo mùa, hay cùng tụ họp ở những nơi chốn cố định để hình thành các trại vận tải có mục đích hỗ trợ, giúp đỡ nhau tiếp tục lay lắt sống.
Giữa đống đổ nát của một thứ phế tích hoang tàn, những con người bất hạnh ấy đã tự mình tìm cách đứng lên, tự thu nhặt những mảnh vụn từ cuộc đời trước và tự vượt thoát khỏi những chuẩn mực thông thường để đi tới một cuộc đời mới – một cuộc đời tự do, lồng lộng gió phiêu lưu và chan chứa tình hữu ái đồng đội.
Thước phim tài liệu theo sát bánh xe của những “con người mới”
Để có thể hoàn thiện Cõi người dưng: Đời du dân Mỹ thế kỷ 21, nữ nhà báo Jessica Bruder đã phải mất gần 3 năm “thực chiến”, cũng như phải di chuyển tổng cộng hơn hai vạn cây số khắp nội vi nước Mỹ, thậm chí tiến tới sát biên giới nước bạn mới có thể mang tới cho độc giả những câu chuyện chân thật nhất về cuộc đời của những “du dân”.
Những con người ấy nhất quyết không để ai xem mình là những người “vô gia cư” (homeless), mà họ tự mặc định mình là những kẻ “không nhà” (houseless), với sự khác biệt rõ rệt nhất có thể tự phân định đó chính là sự chủ động. Nếu như những người vô gia cư bị đẩy khỏi lề lối sinh hoạt bình thường của xã hội, song luôn luôn mong muốn được trở lại với cuộc sống ngày trước, thì những kẻ “không nhà” được khắc họa trong cuốn sách lại luôn giữ cho mình ngọn lửa của một ý chí tự do, khi mà họ cho rằng cách sống của mình cũng hệt như một thứ vũ khí bất bại để phản kháng lại xã hội – một xã hội nô lệ bị bó mình dưới sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, sự bóc lột lao động và sự sùng bái vật chất.
Trong cuốn sách này, trung thành với đặc trưng thể loại bút ký và đạo đức nghề nghiệp của một người làm báo, Jessica Bruder đã không quản thời gian và tiền bạc, trực tiếp lăn xả vào đời sống du dân của những con người mà cô thực sự xem như gia đình. Ở đó, cô mô tả lại một cách trần trụi cuộc sống lang bạt của những người du dân, với vô số những trở lực tới từ điều kiện thiên nhiên, định kiến xã hội cũng như những góc khuất khủng khiếp trong vấn đề sử dụng lao động và môi trường làm việc điển hình kiểu tư bản.
Những nomad, khác hoàn toàn với hình dung của độc giả về một cuộc sống phiêu du, lãng tử, ngày ngày rong ruổi trên những “căn nhà di động” hiện đại để thưởng ngoạn hết thảy mọi tinh túy từ thắng cảnh đất nước, lại hiện lên với vẻ khắc khổ của những lao động chân tay thu nhập thấp, phải sinh hoạt trong những điều kiện sống vô cùng tồi tệ, phải làm việc trong những môi trường lao động đậm vẻ phỉnh lừa và bóc lột. Họ phải làm việc không ngơi nghỉ từ 10 - 12 tiếng một ngày mà không hề nhận được duy chỉ là một đồng bảo hiểm, những bảo đảm về mặt sức khỏe cùng quỹ hưu trí. Bất chấp những ngày hè bỏng rát hay những đêm đông với nhiệt độ xuống dưới mức 0, mái ấm duy nhất có khả năng chở che cho họ vẫn chỉ là cỗ xe được vá chằng vá đụp – mà nhiều lúc, bồn chứa chất thải vệ sinh thậm chí còn được tận dụng thành bàn ăn, với mà hệ thống sưởi ấm có thể dễ dàng biến thành một cỗ quan tài chứa đầy khí độc chết người.
Tuy nhiên, mặc cho những thiếu thốn, khổ sở họ phải đối diện, những con người ấy vẫn luôn vững tin vào tương lai. Cùng với nhau, họ hình thành nên những sợi dây liên kết bền chặt. Cùng bám vào nhau, họ vun đắp một kiểu tiểu nhóm văn hóa đầy độc đáo và màu sắc. Cùng nương tựa lấy nhau, họ tạm quên đi đau thương và sống tiếp vì hy vọng. Như hình ảnh đại bàng đầu trắng – biểu tượng của nước Mỹ, họ vừa độc hành tự do, lại vừa nương nhờ nơi sự tử tế nơi nhau, tiếp thêm cho nhau niềm tin và động viên nhau vượt qua gian khó. Bằng cách đó, những “kẻ không nhà” – dù dường như luôn thiếu thốn những dịch vụ sinh tồn căn bản, nhưng bằng cách nào đó, lại luôn không bao giờ quên trang bị cho mình lòng tốt và tinh thần đoàn kết đầy nhân ái.
Cũng chính bởi lý do này, nên Cõi người dưng: Đời du dân Mỹ thế kỷ 21 không đơn thuần chỉ là một tập tư liệu ngồn ngộn thông tin về cuộc đời của những nomad trong thế kỷ mới, nó còn có vai trò như một cuốn cẩm nang sinh tồn, một minh chứng ngời sáng cho nghị lực thích ứng phi thường và tình hữu ái anh em giàu sức lay động của con người trước nghịch cảnh. Bằng tấm lòng trắc ẩn đáng trân trọng, sự quan sát tinh tế cùng lối hành văn chân thực nhưng không kém phần cuốn hút, Jessica Bruder đã truyền tải hết sức sống động bức tranh cuộc sống của bộ phận dân cư có-một-không-hai trong lịch sử văn hóa, xã hội nước Mỹ hiện đại, đồng thời, thông qua đó, cô cũng bày tỏ những mối quan ngại sâu sắc trước hàng loạt những vấn đề nhức nhối của xã hội, đặc biệt được đặt trong bối cảnh kinh tế tư bản thống trị, tương lai khó đoán của công nghệ, máy móc cũng như những căng thẳng không ngừng leo thang trong các vấn đề giới tính, chủng tộc – điều sẽ không bao giờ là một chủ đề nguội lạnh trong lòng xã hội Hoa Kỳ./.