Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, chùa Tương Mai (quận Hoàng Mai)

Sơn Dương (t/h) 27/07/2023 15:50

Đình Tương Mai ở làng Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, hiện nay ở số nhà 13 phố Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

dinh-tuong-mai-hm.jpg
Đình Tương Mai
chua-tuong-mai-hm.jpg
Chùa Tương Mai

Đây là vùng đất cổ của Thăng Long xưa thường gọi là phường Cổ Mai (tục gọi Kẻ Mơ). Khi cư dân phát triển ngày một đông đúc thêm thì hương Cổ Mai được tách thành nhiều làng riêng, nhưng vẫn giữ chữ Mai làm gốc, đó là Hoàng Mai, Tương Mai, Bạch Mai, Mai Động.

Đình Tương Mai được dựng lên vào khoảng đầu thế kỷ XV để thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân (1370 - 1399). Trần Khát Chân là một dũng tướng trẻ thời Trần có công lớn bảo vệ vương triều Trần, bảo vệ đất nước chống quân Chiêm Thành xâm lấn quấy phá kinh thành Thăng Long. Mùa xuân năm Canh Ngọ (1390), Trần Khát Chân đã lập chiến công lớn, đánh tan chiến thuyền của quân Chiêm, giết chết chủ tướng giặc là Chế Bổng Nga. Sau chiến thắng này, vua Trần đã phong Trần Khát Chân làm Thượng tướng quân và lấy đất Cổ Mai cấp cho Trần Khát Chân làm thái ấp.

Cuối thời Trần, Hồ Quý Ly chuyên quyền. Trần Khát Chân cùng một số quý tộc, tướng sĩ nhà Trần, trong hội thề ở núi Đốn, đã lập mưu giết Hồ Quý Ly nhưng việc không thành. Trần Khát Chân đã bị giết năm 1399.

Ở hương Cổ Mai, sau khi Trần Khát Chân mất, nhân dân thương xót, lập đền, tạc tượng Trần Khát Chân và em Trần Khát Chân là Trần Hãng (còn gọi là Trần Hương) cũng là một tướng giỏi để thờ.

Trước đây, làng Tương Mai có hai ngôi đình. Đình Trong xây ở giữa làng, đình Ngoài ở xóm Nam. Đầu năm 1947, đình Trong bị phá huỷ hoàn toàn, đình ngoài cũng bị đốt, chỉ còn lại Hậu cung và tượng thánh.

Sau đó, nhân dân địa phương đã xây dựng lại 4 gian Hậu cung, nhà khách. Đầu thế kỷ XXI, đình Tương Mai được nhà nước đầu tư và sự đóng góp của nhân dân đã trùng tu xây dựng lại khang trang, đảm bảo dáng vẻ của một ngôi đình làng truyền thống.

Ngoài những giá trị về lịch sử, trong đình còn giữ được nhiều di vật quý như hai pho tượng đá Trần Khát Chân và Phạm Ngưu Tất, một quả chuông Thành Thái (1898), 10 đạo sắc phong thần của các triều đại, sắc phong xưa nhất thuộc niên hiệu Cảnh Hưng (1740) cùng nhiều đồ thờ tự khác.

Hội làng Tương Mai hàng năm được tổ chức vào ngày 24 tháng tư âm lịch, cùng với hội làng Hoàng Mai. Trong lễ hội có rước kiệu, đấu vật, thả chim bồ câu và nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ.

Chùa Tương Mai được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVI), có tên chữ là Linh Ứng tự. Chùa có cùng địa chỉ với đình: số nhà 23, phố Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai.

Kiến trúc chùa bao gồm Tam quan, gác chuông, khu chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, vườn tháp... Tam quan gồm 2 tầng, tầng trên để trống 4 mặt, phía trong dùng làm gác chuông, tầng dưới gồm 3 cửa võng, mái đắp giả ngói ống. Khu chùa chính hướng tây, kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm 5 gian Tiền đường và 6 gian nhỏ Hậu cung, tường hồi xây bít đốc liền trụ, mái lợp ngói mũi hài. Tiền đường gồm 5 gian với 6 bộ vì kèo, có chạm nổi hoa lớn, văn triện. Thượng điện kiểu chồng rường và kèo suốt, trang trí trên cốn mê hình ảnh rồng vờn mây, cá chép vượt vũ môn, tứ linh..

Hệ thống tượng Phật của chùa được sắp xếp theo nhiều lớp, đặc biệt có bộ tượng Tam thế, tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tượng Văn Thù, Phổ Hiền là những pho tượng đẹp, độc đáo, có niên đại sớm (thế kỷ XVII, XVIII).

Chùa Tương Mai còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh (1800), bia đá ghi việc trùng tu chùa vào thời Lê, bia Hậu tạo pho tượng Hậu bằng đá, 55 pho tượng tròn, mỗi pho mang một phong cách riêng, cùng hoành phi, câu đối, bát hương bằng đá... được tạo tác tỷ mỷ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao là những di vật quý của chùa.

Đình, chùa Tương Mai đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1984./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)