Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hòa mình vào thế giới ca trù ở Thủ đô

Đinh Thành Trung 28/07/2023 11:50

Khi tiếng hát ca trù cất lên, tất cả không gian và thời gian dường như hòa lại. Du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Ai cũng mang trong lòng niềm tự hào về quê hương và dân tộc mình. Nhưng cùng với đó là sự trân trọng khi đắm mình vào bản sắc của Việt Nam.

090502164235_catru-libraryimage_viettimecom466-262.jpg
Ca trù - Một di sản đặc hữu của Việt Nam.

Ngày đó thủ đô kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Giáo phường Thăng Long biểu diễn buổi đầu tiên làm háo hức bao con tim yêu nghệ thuật dân gian. Ca trù. Ca mà như nuốt trọn từng tiếng tích tắc của thời gian. Ca mà hoà hợp một cách hoàn hảo với từng phách nhịp, tạo thành dải thanh âm tuyệt mĩ.

Một ngày bỗng thấy tâm hồn trống rỗng. Đi nhiều, đi mãi mà chưa thấy điểm dừng. Chợt vấn vương tiếng hát truyền thống cao cao thánh thót. “Em có còn ở đó nữa không nàng hát ca trù yêu dấu?” Chỉ là nói hộ tiếng lòng một người nào đó, cảm xúc đủ sâu và cảm nhận đủ lâu để hình thành trong lòng niềm cảm mến nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Đôi lần gặp du khách đến từ phương Tây, vẫn tự hào giới thiệu ca trù là opera của Việt Nam. Vị khách ngạc nhiên rồi thích thú muốn đi xem cho bằng được. Người đến từ một nền văn hoá khác, anh cảm thấy lạ lẫm và không hiểu được tính nghệ thuật của ca trù, nhưng cảm giác được sống trong không gian ngập tràn cảm xúc, thấy đồng cảm với nét văn hoá cổ xưa.

Ca trù thật đặc biệt, là môn nghệ thuật không chỉ đặc sắc mà còn thể hiện sự tỉ mỉ, chỉn chu khó ngờ. Chỉ nghe giải thích hay xem qua truyền hình thì không thể hiểu hết nét đẹp của ca trù. Thậm chí khi đã đến nghe trực tiếp, nghe đến khi giai điệu réo rắt đã trở nên quen thuộc thì vẫn chưa thể cảm được cái âm luật nghiêm khắc mà tuyệt vời ấy. Nghệ sĩ như hoà cùng khán giả, hoà cùng không gian, như muốn nói lời tâm sự trong lòng. Nhưng người nghe cũng phải hiểu nghệ thuật thơ ca, không chỉ hiểu câu từ mà còn phải có tâm hồn đồng điệu. Là người quan viên thì phải biết thưởng thức, phải biết mới rung cảm được với đào hát. Đó cũng là rào cản để người bình thường muốn hiểu tường tận nghệ thuật ca trù đầy mê hoặc này. Nhưng vậy thì sao? Ca trù vẫn có sức hút riêng của nó, sắc sảo và huyền bí, tận tình và da diết.

Ca trù. Một di sản đặc hữu của Việt Nam. Chính quốc tế đã công nhận và vẫn đang nghiên cứu về nghệ thuật của đất nước chúng ta. Nghệ thuật nhịp phách của ca trù như một đại dương sâu rộng, muốn cập bến thì người đào nương phải chèo lái con thuyền mang tên ca từ và nhịp phách. Cỗ phách không chỉ thể hiện sự tinh tế của đào nương mà còn chứa đựng tâm hồn ca nữ. Phải mất nhiều năm tập luyện nghiêm ngặt và còn phải có duyên với môn nghệ thuật này mới có thể đứng ra hát ca trù được.

Thơ nhạc như hoa, lời ca như múa. Ngày đó, một du khách người Mỹ đã thốt lên như thế khi xem xong buổi giới thiệu nghệ thuật ca trù ở Hà Nội. Anh liên tưởng đến nghệ thuật ca hát lâu đời của các dân tộc ở nước Mỹ của mình. Anh kể các cộng đồng người ở Mỹ dù có gốc gác khác nhau nhưng luôn muốn bảo tồn truyền thống văn hóa của mình. Còn nghệ thuật của Việt Nam ta thì sao? Nó luôn đặc sắc và độc đáo, mà cũng chính vì nét đặc sắc đó mà chúng ta phải ra sức lan toả mạnh mẽ.

Hát ca trù. Hát chan hoà tình cảm. Không chỉ đơn thuần là ca hát mà còn là sự sẻ chia đồng điệu. Không chỉ đơn giản là gõ phách mà còn dào dạt tinh thần nghệ sĩ. Đó cũng chính là giới thiệu một cách thi vị về tiếng Việt đến người nghe trong nước và quốc tế. Xét trên ý nghĩa đó thì ca trù hoàn toàn xứng đáng được vinh danh trên toàn nhân loại. Ca trù không phải là hát nói bình thường mà người đào nương luyến láy từng chữ từng câu để thể hiện cho người nghe thấy được cái đẹp, cái trau chuốt, mềm mại của ngôn ngữ tiếng Việt kể cả cho một người không biết tiếng Việt.

Nhớ ngày mấy anh bạn Brazil quyết tâm “bám trụ” suốt cả chục ngày ở Hà Nội chỉ để tưởng thức càng nhiều càng tốt các món ăn ở Thủ đô, rồi tối đến đi nghe ca nhạc ở quá cà phê và phòng trà. Hôm nào các bạn cũng có trải nghiệm khác nhau và đó là điều tuyệt vời nhất. Cũng vì văn hóa ở Hà Nội phong phú quá, đặc sắc quá, không thể tưởng tượng được, lại rất dễ đồng cảm với văn hóa bộ lạc lâu đời của đất nước Nam Mỹ. Tôi biết những mĩ từ nghe có vẻ khách sáo nhưng đó là lời thật lòng của các du khách phương xa. Buổi nghe ca trù hôm nay, họ nói thật là không hiểu gì nhưng nói chắc sẽ tìm hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo ấy, vậy là đủ để hình thành nên cảm xúc của bạn bè quốc tế. Chẳng phải đó là điều tuyệt vời nhất trong thời đại hội nhập ngày nay sao?

Như Tony, du khách người Anh nói, khi nghe một bài ca mà dù không hiểu tiếng nhưng vẫn thấy hay thì đó chính là nghệ thuật thuần khiết. Anh có thể cảm nhận thấy đào nương đang hát chính là một vị tiểu thư đài các, kiểu như một vị công tước quý tộc của châu Âu quê hương anh. Đoạn ca lúc trầm bổng, lúc nhẹ nhàng đưa người xem như đang dạo chơi trong một khu vườn tràn đầy ánh sáng. Mỗi cành cây, bụi cỏ trong khu vườn đó như có sinh khí dồi dào, chỉ đợi con người đến đưa bàn tay đến lay cành lá thấm đẫm sương đêm. Đó chính là dòng tự sự của thời gian.

Hà Nội về tối rực rỡ sắc màu. Nhìn từ trên tòa nhà cao tầng, phố đi bộ cứ như “suối nguồn phong cách” ào ào tuôn chảy. Từng người, từng người một ai cũng cố gắng thể hiện những gì tinh túy nhất của bản thân. Hòa cùng lặng lẽ là một bạn trẻ ngân nga những câu ca lạ lẫm. Dòng người tò mò dừng lại nghe rồi đi tiếp. Bạn trẻ nhẹ nhàng ẩn vào dòng người. Cách đó mấy con phố, ánh đèn neon soi sáng sân khấu có hai người biểu diễn.

Không lời nào có thể nghĩ ra khi nghe điệu ca cơ bản nhất của ca trù. Thính phòng Việt Nam, di sản quý của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đó là những gì người ta nghĩ và biết. Nhưng với những người ra sức lưu giữ bộ môn nghệ thuật này thì lại hướng đến việc được đưa ca trù ra khỏi danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là câu hát Hồng hồng, tuyết tuyết/Nhớ ngày nào còn chửa biết cái chi chi… mà tưởng như ai cũng có thể hát được, vậy mà đến khi hát thử lại thấy không hề đơn giản. Ca trù là một thế giới muôn màu muôn vẻ và phong phú vô cùng. Tiếng hát, tiếng đàn trông vậy mà phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt nhưng không thiếu sự sáng tạo. Môn nghệ thuật này vừa có tính đại chúng lại vừa mang tính bác học. Do đó việc tiếp cận du khách cả trong nước và quốc tế phải nhờ cả vào sự truyền cảm của người nghệ nhân, nghệ sĩ. Du khách xem mới xem ca trù thì làm sao biết được phách với đàn, tiếng phách giòn và đúng nhịp ra sao, nhưng phần nào họ cũng cảm nhận được sự nhịp nhàng và tinh tế của tiếng ngân vang trong tâm hồn.

Tất nhiên, những cảm nhận của các du khách nước ngoài không thể lột tả được cái hay của ca trù, nhưng đó cũng là một nét chấm phá vừa kỳ lạ vừa cảm xúc khi một môn nghệ thuật thuộc loại “khó nghe” được giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Đi nghe hát chứ không phải xem hát, đó là ý nghĩa và cũng là phẩm chất nguyên bản nhất của ca trù, không giống như các loại hình khác như chèo hay hát văn.

Văn hoá Việt Nam thiên biến vạn hoá, như rừng cây đua nhau đâm chồi nảy lộc, vươn cao và bén rễ. Trong đó nghệ thuật ca trù hiện ra bình dị mà sâu sắc, lững lờ mà vô lo, điều đó thể hiện qua vẻ mặt của đào nương, qua giọng hát cứ thế cất lên theo nhịp phách cứ thế tuôn ra như suối chảy mây trôi. Tiếng phách và tiếng hát ấy đại diện cho nền văn hoá dân gian giàu bản sắc của Việt Nam và thủ đô của chúng ta./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đinh Thành Trung. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Đinh Thành Trung