Tọa đàm văn học về hai tác phẩm của Trần Thị Trâm và Nguyễn Thị Minh Bắc
Sáng ngày 26/7/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm văn học về hai tác phẩm “Văn học dân gian sau 1986” của nhà văn Trần Thị Trâm và “Nhớ người cầm lá diêu bông” của nhà văn Nguyễn Thị Minh Bắc.
Tới dự và chia sẻ tại buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội – nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan, nhà văn Trần Đăng Suyền, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn Phùng Văn Khai, PGS. TS. Nguyễn Bích Thu, PGS. TS. Vũ Nho, nhà thơ Nguyễn Thị Mai, TS. Nguyễn Thị Huệ, TS. Đỗ Anh Vũ… cùng đông đảo các văn nghệ sĩ hội viên và bạn đọc.
Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 là tập chuyên luận, đúc rút từ những nghiên cứu, tuyển chọn của PGS. TS. Trần Thị Trâm, sách do Nxb Văn học ấn hành năm 2022. Còn Nhớ người cầm lá diêu bông là tập chuyên luận, phê bình của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc, do Nxb Văn học xuất bản ấn hành năm 2023.
“Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” - những khung trời rộng mở
PGS. TS. Trần Thị Trâm là một cây bút quen thuộc trong giới nghiên cứu, phê bình văn học trong hơn 20 năm qua. Với thế mạnh vừa có chuyên môn sâu về lĩnh vực báo chí, vừa có sự am hiểu về văn học, nhiều công trình của bà cho thấy một cây bút năng động, nhạy cảm với cái mới, có sức đọc và sức viết dồi dào.
Chuyên luận Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 gồm 2 phần: Phần I - Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986 (chuyên luận) và phần II - Một số tác phẩm văn học dân gian Việt Nam chọn lọc từ sau năm 1986 (sưu tầm, tuyển chọn).
Phát biểu tại tọa đàm, nhà văn Phùng Văn Khai nhận định: “Cuốn sách là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của PGS. TS. Trần Thị Trâm. Nó vừa cho thấy người viết chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn đã công phu, nghiêm túc cũng vừa mở mang, khác biệt, thậm chí có những sự việc hiện tượng được dân gian thời 4.0 định nghĩa ngược hẳn với tiền nhân. Đọc lắm lúc cười ra nước mắt mà chiêm nghiệm sao thấy quá đúng với chính mình…” Đó là những ngôn ngữ dân gian đang hết sức thịnh hành như: Dở hơi biết bơi; Đau sờ cau; Đầu to óc quả nho; Đừng đùa với nhà chùa; Hèn con dế mèn; Ngầu như ve sầu; Ngất trên cành quất; Sát thủ đầu mưng mủ; Phê con tê tê…
TS. Nguyễn Thị Huệ cho rằng: Có thể nói công trình này của PGS. TS. Trần THị Trâm là nhát cuốc khai vỡ đầu tiên trên một vùng đất hoàn toàn mới - Vùng đất văn học dân gian Việt Nam đương đại. Do đặc thù của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu là hướng tới sinh viên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền, kiên trì theo đuổi một hướng nghiên cứu văn dụng học, nghiên cứu việc vận dụng những ưu thế của văn học dân gian trong hoạt động báo chí và truyền thông, chuyên luận đã phát hiện ra những ảnh hưởng tích cực của văn học dân gian tới các hoạt động báo chí truyền thông. Bên cạnh đó, chuyên luận cũng đề cập sâu tới sự hóa thân của văn học dân gian vào văn học viết, vào các loại hình văn hóa khác nhau như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, dù mới chỉ là những phác thảo sơ lược ban đầu…
Sau những chia sẻ của bạn văn về công trình của mình, PGS. TS. Trần Thị Trâm gửi lời cảm ơn tới các văn nghệ sĩ đã cùng chia sẻ. Bà cho biết, trong quá trình nghiên cứu và trao đổi với bạn bè văn chương về công trình này, bà đều nhận được những phản hồi bày tỏ sự bất ngờ trước sự phát triển mạnh mẽ của văn học dân gian đương đại. Cùng với đó, PGS. TS. Trần Thị Trâm cũng tiết lộ rằng bà đang nghiên cứu thêm và hi vọng trong vòng 5 năm tới có thể công bố một công trình dày dặn và đầy đủ hơn.
“Nhớ người cầm lá diêu bông” – một cách giải mã về hiện tượng thơ Hoàng Cầm
Nhớ người cầm lá diêu bông là một công trình đặc biệt của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc – bởi đây vốn là tác phẩm được phát triển từ luận văn Thạc sĩ của bà, từng được Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2008 với tên gọi Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc. Và từ công trình ra mắt năm 2008, bà đã tiếp tục đào sâu nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, tái bản có chỉnh sửa, bổ sung và đi sâu bình giải một số bài thơ hay của Hoàng Cầm, đưa công trình xuất hiện trong diện mạo Nhớ người cầm lá diêu bông.
Cuốn sách này gồm 3 chương: Chương I – Thân thế và sự nghiệp thơ văn Hoàng Cầm; Chương II – Thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hóa Kinh Bắc; Chương III – Thi pháp thơ Hoàng Cầm – Những nét độc đáo.
Trong tham luận về cuốn sách, GS. TS. Trần Đăng Suyền khẳng định: “Với sự hiểu biết văn hóa Kinh Bắc cùng với niềm say mê thơ Hoàng Cầm, từ góc nhìn văn hóa, qua sự khảo sát công phu, khoa học, tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc đã chỉ ra và phân tích làm rõ cái sâu sắc, vẻ đẹp và cái hay của thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm. […] Trong chuyên luận này, người đọc có thể tìm thấy không ít những nhận xét đúng đắn, sâu sắc, khá tinh tế; và nếu như xem xét nó vào thời điểm 2008, khi chuyên luận Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc (Nxb Hội Nhà văn, 2008); và ngược lên năm 2003, khi tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc bảo vệ luận văn Thạc sĩ về đề tài đó, thì có thể nói là táo bạo, mới mẻ.” Ông cũng cho rằng, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc có sự hiểu biết về văn hóa Kinh Bắc bởi cùng sinh ra tại quê hương Kinh Bắc với Hoàng Cầm, và hơn cả tình yêu thơ Hoàng Cầm là một tình yêu đặc biệt mà tác giả dành cho Hoàng Cầm, góp phần làm nên những thành công của tác phẩm này.
Bên cạnh đó, GS. TS. Trần Đăng Suyền cũng đề cập tới một số hạn chế của công trình, hi vọng khi có điều kiện tái bản, công trình sẽ được hoàn thiện hơn.
PGS. TS. Nguyễn Bích Thu khẳng định, công trình Nhớ người cầm lá diêu bông cho thấy tinh thần không tự bằng lòng với những gì đã có và sự bền bỉ theo đuổi đam mê nghiên cứu sự nghiệp thi ca của Hoàng Cầm của tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc.
“Cuốn chuyên luận Nhớ người cầm lá diêu bông nghiêng về lối viết nghiên cứu với văn phong đan xen khoa học và cảm thụ, không “kiễng chân” khoe chữ, làm dáng hay rào đón lý thuyết thuần túy, mà từ thực tiễn văn hóa Kinh Bắc, vùng thẩm mỹ gắn với đối tượng nghiên cứu, tác giả có ý thức hướng tới người đọc đại chúng (chả thế mà sách vừa ra lò đã có khá nhiều nơi đặt hàng) chứ không chỉ dành riêng cho giới học thuật và giảng dạy chuyên ngành. Vì vậy tính giản dị, dễ cảm, dễ hiểu nhưng không dễ dãi, chiếm ưu thế trong cách trình bày luận điểm, cảm thụ và phân tích tác phẩm, trong nhận định và lý giải của Nguyễn Thị Minh Bắc”, PGS. TS. Nguyễn Bích Thu nhận xét.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc bày tỏ sự xúc động và gửi lời cảm ơn trước những chia sẻ từ các bậc thầy cô như GS. Trần Đăng Suyền và các bạn văn. Bà cũng chân thành nhận rằng bà có nhiều thương cảm đặc biệt dành cho Hoàng Cầm cũng như gia đình thi sĩ, đó là một phần động lực lớn lao để bà theo đuổi hoàn thiện công trình này.
GS. Trần Đăng Suyền nhấn mạnh sự đóng góp của hai tác giả Trần Thị Trâm và Nguyễn Thị Minh Bắc như một mảnh ghép cần thiết vào khoảng trống nghiên cứu, lý luận phê bình của văn học nghệ thuật Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhiệt liệt chúc mừng hai tác giả với những thành công trong công trình của mình. Ông khẳng định: Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 của tác giả Trần Thị Trâm và Nhớ người cầm lá diêu bông của tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc đều là các công trình công phu, khoa học với nhiều đóng góp độc đáo, mới mẻ. Hi vọng những trao đổi, nhận định từ bạn văn trong buổi tọa đàm có thể mang đến những chia sẻ, góp ý để các tác giả khi có điều kiện tái bản sẽ làm cho công trình hoàn thiện hơn./.
PGS. TS. Trần Thị Trâm với một số công trình tiêu biểu như: Văn học và báo chí từ một góc nhìn (Tiểu luận, phê bình); Hoàng Ngọc Phách – Người đổi mới tiểu thuyết (Chuyên luận); Từ nguồn cội văn chương (Tiểu luận, phê bình); Phát huy ưu thế văn học trong sáng tạo tác phẩm báo chí (Chủ biên); Giáo trình văn học dân gian Việt Nam; Văn học dân gian trong xã hội hiện đại (Chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn); Ẩn sau từng con chữ (Tiểu luận, phê bình); Giáo trình văn học Việt Nam (Chủ biên); Tài hoa Việt Nam từ một điểm nhìn (Tiểu luận, phê bình); Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 (Chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc với các ấn bản nổi bật: Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc (Chuyên luận); 36 búp nụ không hoa (Tiểu luận, phê bình); Văn hóa Kinh Bắc qua hình ảnh cổng làng (Nghiên cứu); Khoảnh khắc đam mê (Tiểu luận, phê bình); Lễ hội làng Thổ Hà (Nghiên cứu); Nhớ người cầm lá diêu bông (Chuyên luận, phê bình). Bà đã giành được nhiều tặng thưởng, giải thưởng về văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương.