Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, chùa thôn Vàng (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 24/07/2023 19:44

Đình, chùa thôn Vàng thuộc địa phận xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

chua-vang.jpg
Chùa Vàng

Xã Cổ Bi nằm ở bờ nam sông Đuống. Đây nguyên là đất xã Cổ Bi, tổng Đăng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước 1945. Sau này được đặt gọi là xã Trung Thành, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, đến 1961 thuộc đất Hà Nội, năm 1965 xã Trung Thành đổi tên là xã Cổ Bi.

Đình - chùa thôn Vàng nằm sát cạnh nhau ngay ở đầu thôn Vàng là một trong 3 thôn của xã Cổ Bi.

Theo văn tự hiện còn lưu giữ được ở di tích và theo lời truyền kể của dân làng thì chùa thôn Vàng được dựng để thờ Phật, đình thờ một vị tướng võ thuộc thời kỳ Hùng Vương. Người được dân làng suy tôn thành hoàng làng là “Đô Hồ Dương Võ Phù Tộ đại vương”, một vị tướng có công lớn trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lúc sinh thời, Người đã tung hoành mang võ công của mình giữ gìn giang sơn. Khi mất lại thường hiển linh giúp vua các đời sau chống giặc. Vì những công tích đó mà các triều đình phong kiến đã sắc phong mỹ tự và do dân Cổ Bi được hưởng lửa muôn đời thờ phụng.

Đình hiện tại quay hướng tây nam, trước đình có ngũ môn, tảo mạc, bình phong. Nhìn tổng thể, đình thôn Vàng có kiến trúc lớn, khang trang mặt bằng bao gồm: Sân đình, Đại đình, Trung đường và Hậu cung.

Có thể nói, mọi chạm khắc của kiến trúc được tập trung ở gian giữa Đại đình với 4 đầu dư chạm rồng mang phong cách cuối Lê đầu Nguyễn đỡ lấy quá giang, hệ thống cốn trong và ngoài Đại đình được chạm cầu kỳ với đề tài hoa lá, long, ly, quy, phượng, trúc diều, hòm sách, cá hoá rồng... Gian giữa Đại đình đặt một nhang án lớn, phía trên là bức cửa võng sơn son thiếp vàng với 4 chữ lớn “Thánh cung vạn tuế”, hai bên là hai bộ bát bửu và một đôi câu đối lòng máng chạm văn triện.

Nằm sát cạnh đình là chùa Vàng cũng ngoảnh mặt ra một sân rộng, mặt bằng gồm Tiền đường, Hậu cung và nhà Tổ.

Tiền đường gồm 6 gian có kết cấu vì chồng rường, 2 đầu dư phía ngoài chạm rồng đỡ quá giang, phía trong không chạm rồng mà tạo thành 2 con nghê. Qua bốn cánh cửa bức bàn chấn song con tiện là bước vào gian Hậu cung của chùa.

Đình và chùa Vàng đã bảo lưu được nét đẹp trong nghệ thuật xây dựng đình - chùa và nghệ thuật tạc tượng của cha ông ta xưa. Hệ thống tượng của chùa có đủ các bộ tượng chính với 21 pho tượng Phật. Đáng ý là bộ tượng Tam thế gồm 3 pho ngồi thiền định trên toà sen, tóc bụt ốc nổi giữa đỉnh đầu, tai chảy dài. Sau đó phải kể đến pho tượng A Di Đà ngồi trên bệ cao được chạm khá kỹ lưỡng mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Đặc biệt, những tấm bia đá khắc chữ Hán mang những niên đại tạo tác khác nhau hiện còn ở di tích là những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ cao.

Căn cứ vào hệ thống 37 tấm bia, sớm nhất có niên đại Long Đức 3 (1734) trong di tích, có thể thấy rằng di tích được khởi dựng từ khá sớm. Nhưng do địa hình sát ngay cạnh sông nên những năm nước to cụm di tích cũng bị ngập lụt làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của kiến trúc và những hiện vật. Thời Tự Đức đình - chùa đã phải di chuyển lớn một lần, cách đây 70 năm do sông lở đã phải di chuyển một lần nữa vào vị trí hiện nay, nhìn chung các bộ phận kiến trúc và hiện vật còn giữ nguyên gốc cũ.

Đình, chùa thôn Vàng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)