Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
Sáng ngày 25/7/2023, Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023) đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tới dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo đại biểu là văn nghệ sĩ tiêu biểu khắp cả nước.
Ngày 25/7/1948 tại Chiến khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam – tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã được thành lập. Ra đời trong thời điểm khó khăn, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khốc liệt, và luôn đồng hành với dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước ở thời kỳ mới, tiếng nói của văn nghệ sĩ đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ, tác động lớn tới tinh thần chiến đấu của nhân dân ta, để tạo nên những chiến thắng kỳ công của dân tộc cũng như góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong thời đại mới.
75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều Huân chương, giải thưởng cao quý về VHNT như một cách ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Đến nay, Liên hiệp Hội có 10 hội chuyên ngành Trung ương (Hội Nhà văn, Mỹ thuật, Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Sân khấu, Kiến trúc sư, Điện ảnh, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nghệ sĩ Múa, Văn nghệ Dân gian, VHNT các Dân tộc thiểu số), 63 hội VHNT các địa phương cùng lực lượng văn nghệ sĩ vô cùng đông đảo với hơn 40.000 hội viên thuộc các hội chuyên ngành.
Biểu dương và ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong 75 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng Chân – Thiện – Mỹ của con người…; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với VHNT và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Liên hiệp các Hội VHNT, trí thức VHNT Việt Nam tiếp tục tăng cường tham mưu Đảng và Nhà nước; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Liên hiệp hội cần có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo VHNT...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của VHNT trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động VHNT thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ...; huy động mọi nguồn lực cả về vật chất và tinh thần để VHNT phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, PGS. TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam mong muốn “Văn nghệ sĩ hôm nay phải dám đi vào những đề tài nóng của cuộc sống, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để có những tác phẩm có ích cho đời”. Đó cũng là trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước Đảng và nhân dân khi đất nước bước vào giai đoạn mới./.