Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 24/07/2023 15:23

Đền Thượng Cát hay còn gọi là đền Tam Giáo, hiện nay thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

den-thuong-cat.jpg
Đền Thượng Cát thuộc địa phận phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ở nước ta, từ lâu đời, ba tôn giáo là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đã phát triển và hoà hợp. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Âu Mão (1195) vua Lý Cao Tông mở khoa thi về Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo) ai đỗ được bổ làm quan. Trong bài minh khắc trên chuông chùa Thanh Lâm (thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) đúc năm Cảnh Thịnh (1799) do ông Trần Bá Lãm đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787) làm quan tới chức Hàn lâm viện hiệu thảo đời Lê, sau theo giúp vua Quang Trung, có đoạn về “Tam giáo đồng nguyên” như sau: “Tam giáo thịnh suy, bĩ thái cũng thấy đều có từng thời. Song điều đó đáng quý đối với chúng ta là thời thế thế nào thì phải xử sự cho đúng như thế ấy...”.

Ba tôn giáo song song tồn tại hàng nghìn năm nhưng cũng hiếm có nơi cùng thờ các vị thánh cả ba tôn giáo. Đền Tam Giáo ở Thượng Cát là nơi thuộc loại hiếm thấy. Đền có tên chính là Châu Đài (Thiên Đài ở đất quân thần Châu), vì thờ cả ba tôn giáo nên còn gọi là đền Tam Giáo.

Đền xây trên một bán đảo ba mặt là hồ, nấp dưới bóng cây cổ thụ âm u. Kiến trúc nhỏ nhưng đẹp. Xưa đền chỉ là một am nhỏ, đến năm Thành Thái thứ 4 (1892) các nhà nho Đàm Văn Tuyên (Thượng Cát), Ngô Tình (Hạ Cát), Nguyễn Văn Liễn (Đông Ba) đã chủ trì dựng lại đền quy mô còn lại đến nay, được ghi lại trong tấm bia trùng tu và danh sách những người công đức xây dựng đền và lập hội thiện.

Năm 1907 ông Trần Thuý có nhà ở phố Hàng Gai tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở nội thành về làng dùng ngôi đền làm nơi hội họp các nhà nho giảng sách của các nhà yêu nước. Sau đó phong trào Đông Kinh nghĩa thục bị đàn áp, các ông Trần Thuý, Đàm Văn Tuyên, Nguyễn Văn Bảo bị Pháp bắt xuống phủ Hoài Đức. Ông Trần Thuý bị đày ra Côn Đảo, mọi người ở nhà sợ nên đốt hết kinh sách.

Về sau những người xây dựng ngôi đền củng cố hội thiện, cử ông Đàm Hiến Chương mở lớp dạy chữ Hán cho con em trong hội. Hội chuyên làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo. Di vật còn lại ngoài tấm bia trùng tu dựng năm 1892, còn có quả chuông đồng đúc năm 1891. Đặc sắc nhất là 45 pho tượng các vị thần của ba tôn giáo.

Trên cùng cao nhất là hai vị Tổ của dân tộc Việt Nam là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Phật giáo có đức Thích Ca, Quan Âm Bồ tát, Từ Đạo Hạnh. Nho giáo có tượng vị Tổ là Khổng Tử, Hưng Đạo vương và vợ là Trần Nguyên Phi. Đạo giáo có tượng Thái thượng Lão quân và 12 pho các Tiên Đồng, Ngọc Nữ, thánh Mẫu...

Nhiều đồ thờ tự có giá trị như bộ tam sự, bình hương đồng, bộ bát bửu bằng đồng, đôi hạc cao 2,30m...

Đáng chú ý Hội Thiện được lập ra đã một thế kỷ nay vẫn tồn tại và phát triển. Hiện nay có 370 hội viên ở các làng trong hai xã Thượng Cát và Liên Mạc có xây dựng quy chế hoạt động từ thiện là thành viên trong Mặt trận Tổ quốc xã, lấy ngôi đền làm trụ sở hội. Hội đã làm được rất nhiều việc tốt.

Đánh giá về di sản “Tam giáo đồng nguyên”, đồng chí Vũ Oanh, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã viết: “... Thời Trần lấy việc thực hiện dung hợp văn hoá gắn với coi trọng phát huy giá trị truyền thống dân tộc đã đưa vào giáo dục cả tinh hoa tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của đời sống chính trị, văn hoá, xã hội, kể cả nhu cầu kinh tế phức tạp của tôn giáo, tâm linh tạo ra nội lực của khối đoàn kết dân tộc...”.

Đền Thượng Cát (đền Tam Giáo) đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)