Văn hóa - Xã hội

Nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại Thư viện Quốc gia

Trung Kiên 09:05 24/07/2023

Thư viện Quốc gia phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội).

Theo đó, Bộ VH-TT&DL vừa ban hành quyết định cho phép Thư viện Quốc gia và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức sự kiện trên vào các ngày 28/7, 4/8 và 12/8 cùng các hoạt động trải nghiệm văn hóa: đọc truyện thiếu nhi, gấp giấy Hanji, múa mặt nạ, tô tranh dân gian Hàn Quốc. Các hoạt động đều hoàn toàn miễn phí.

15111118_10154689567364085_6910177886474353245_o.jpg
Cửa tiệm thời gian - tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của tác giả Lee Na Young (Hàn Quốc) đã được phát hành tại Việt Nam.

Đến với hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại Thư viện Quốc gia, người dân, nhất là các em nhỏ Thủ đô Hà Nội sẽ có cơ hội được nghe những câu chuyện cổ tích, đồng thời được tìm hiểu các tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc đến từ xứ sở kim chi. Mặc dù mới du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây nhưng với ngôn ngữ giản dị, cách hành văn mộc mạc, các tình huống truyện thân thuộc với các em nhỏ, đặc biệt là cách vẽ tranh minh họa hài hước, tự nhiên, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc đã thu hút độc giả nhí Việt.

Trong số này phải kể đến các tác phẩm văn học đặc sắc của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam: Cô gà mái xổng chuồng, Phiếu bé hư, Cửa tiệm thời gian, Cá hồi, Cá gai, Cá voi đỉnh núi, Chó xanh lông dài… Kết thúc mỗi tác phẩm trên thường để lại cho độc giả phút giây lắng đọng, cảm giác trầm buồn man mác và ẩn trong đó là câu chuyện mang đậm tính giáo dục.

1428324592-giay-thu-cong-han-quoc-1-.jpg
Người dân chăm chú xem tác phẩm làm từ giấy Hanji của nghệ sĩ Yang Sang Hoon trong một triển lãm tại Hà Nội  (Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức).

Hàn Quốc cũng nổi tiếng với nghệ thuật gấp giấy Hanji - loại giấy truyền thống ra đời từ hơn 1.000 năm trước ở quốc gia này. Ngày nay, nhiều nghệ nhân của Hàn Quốc sử dụng giấy Hanji để sáng tác nghệ thuật. Hơn nữa, nghệ thuật gấp giấy truyền thống cũng đã được Chính phủ Hàn Quốc đưa vào trường học và đây là môn học bắt buộc phải có.

Có hai chiều hướng sáng tác nghệ thuật sử dụng giấy Hanji. Đó là sử dụng giấy Hanji làm đồ thủ công mỹ nghệ ứng dụng trong đời sống như hộp nhỏ, đồ vật dụng nhỏ, búp bê, đồ trang trí nội thất. Hướng sáng tác thứ hai là sử dụng giấy Hanji để làm những tác phẩm mang tính kỹ thuật hiện đại. Vì thế, hoạt động trải nghiệm gấp giấy Hanji tại Thư viện Quốc gia mở ra cơ hội để nhiều người dân được gặp gỡ các nghệ nhân Hàn Quốc, từ đó tạo nên những sản phẩm từ giấy Hanji như đèn lồng, quạt trúc, hình các con vật (mèo, ngựa, hổ), hoa lá, bình hoa, túi xách, …

Hoạt động trải nghiệm múa mặt nạ Hàn Quốc cũng rất đáng chú ý. Theo đó, múa mặt nạ của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại xứ sở kim chi, nghệ thuật múa mặt nạ được gọi là Talchum. Ra đời vào đầu thế kỷ thứ VII, nghệ thuật múa mặt nạ Hàn Quốc có liên quan mật thiết và được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo. Đây được coi là báu vật trong nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc bao gồm cả giá trị di sản văn hóa phi vật thể (âm nhạc, múa, biểu diễn mặt nạ) và di sản văn hóa vật thể (nhạc cụ, mặt nạ và trang phục). Múa mặt nạ Hàn Quốc chứa đựng giá trị của sự bình đẳng, giải quyết các vấn đề xã hội một cách hài hước.

screenshot-2022-11-01-172223.png
Múa mặt nạ của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hoạt động trải nghiệm tô tranh dân gian Hàn Quốc cũng nhiều hứa hẹn, tạo sức hút với nhiều người. Bởi công chúng sẽ được khám phá và hoàn thiện những bức tranh dân gian Hàn Quốc có ý nghĩa phản ánh đời sống tinh thần, ước mơ, khát vọng của mỗi người dân qua mỗi thời kỳ thông qua những chủ đề không giới hạn từ cây cỏ, động vật, chim muông, hoa lá, vật dụng trong gia đình, thiếu nữ…

Trung Kiên