Mỹ thuật

“Cảnh mộng”: Cái đẹp bật lên từ mọi chất liệu

Lý Uyên 21/07/2023 11:39

“Cảnh mộng” là triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng, một trong những gương mặt nổi bật của hội họa trừu tượng Việt Nam với dấu ấn riêng độc đáo trong ngôn ngữ và phong cách sáng tác. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA Hà Nội) đến hết ngày 31/7/2023.

“Cảnh mộng” tập hợp 37 tác phẩm hội họa với chủ đề phong cảnh được Hà Mạnh Thắng thực hiện trong khoảng 5 năm qua. Các tác phẩm này đánh dấu bước chuyển mình của anh trong hành trình thử nghiệm với trừu tượng, thể hiện ở cách anh xử lý bề mặt của những bức tranh.

Nghệ thuật trừu tượng ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20. Các tác phẩm theo trào lưu này sử dụng ngôn ngữ thị giác từ những hình dạng, khuôn mẫu, màu sắc và đường nét để tạo nên một sáng tác độc lập. Có hai lối vẽ chính là trừu tượng hình học và trừu tượng trữ tình. Và ở triển lãm này, các tác phẩm của Hà Mạnh Thắng cho thấy lối trừu tượng trữ tình rõ nét khi tác phẩm của anh dựa trên chủ đề phong cảnh, cách đi màu, cách lựa chọn và tận dụng chất liệu, tận dụng những vết nứt cố ý hay vô tình để làm bật lên cái đẹp.

Không chỉ là những chất liệu có độ bám dính và mấp mô như sơn dầu và acrylic, anh còn sử dụng chất liệu bắt sáng, phản sáng, góc cạnh vấp váp của phiến đồng phơi để tạo nên những đứt gãy, những góc nhìn gợi đa liên tưởng. Và cả việc sắp đặt trưng bày tác phẩm tạo nên một cảm giác 3D cho các tác phẩm, tựa như sự thay đổi của mùa, của gió, của nước và thiên nhiên nói chung.

canh-mong-0.jpg
Triển lãm "Cảnh mộng" thu hút đông đảo người xem

Thoạt nhìn, đôi khi tác phẩm là những bức tranh phong cảnh mang phong cách cổ điển nhưng dưới sự sắp đặt của chất liệu và ánh sáng, bức tranh chuyển tải những nội dung hiện đại đầy bất ngờ.

Nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng chia sẻ: “Tiến trình trừu tượng hóa một tác phẩm phong cảnh dựa trên nguồn cảm hứng một phần từ thi ca cổ giúp tôi nới rộng biên độ hình ảnh, các chiều của không gian, mở ra sự vô tận đạt đến tính tuyệt đối và đa dạng hóa hình thức thể hiện. Giúp cho tác phẩm gần với trạng thái của sự tự do và tính tuyệt đối trong cổ thi [...] Cảnh, chính là đời sống như chúng ta đang sống, xảy ra trước mắt và dần trôi qua. Nhưng cuộc đời cũng tựa như một giấc mộng dài với muôn vàn cảnh/ mộng - hư/ thực”.

“Việc kết hợp cả toan dày và lụa mỏng làm nền cho chất liệu tự thân nó cũng là một thể hiện của tính cân bằng âm dương, một nét trừu tượng vốn luôn ngầm ám chỉ tới cách vạn vật trong thế gian xoay vần và tồn tại. Trong sê-ri tác phẩm sắp đặt của Hà Mạnh Thắng, việc tạo hình không xảy ra trên toan mà lại nằm ở việc tạo tác khung toan. Những bức họa căng trên khung giống như bia đá cổ, được đặt đầy nghiêm cẩn trên chiếc bàn gỗ. Thông qua sự đối lập giữa toan và lụa, giữa khung hình tạo khối tĩnh và màu sắc biến động không ngừng trên mặt tranh, nghệ sĩ đã mở ra những quang cảnh nằm ở đâu đó giữa âm và dương, giữa mộng và thực, giữa hữu hình và phi hình thể. Trừu tượng ở đây không đồng nghĩa với việc triệt tiêu hình tượng: những phần tố trong cảnh vật đã được anh nhào nặn và chuyển hoá qua chất liệu, bề mặt, cũng như cách sắp đặt để thể hiện tinh thần trừu tượng trong thi ca cổ, với những áng thơ in khắc chìm nằm lẩn khuất đằng sau khung tranh, như những chỉ dẫn đầy ý nhị về nguồn cảm hứng vô tận cho hành trình thử nghiệm của Hà Mạnh Thắng.” – trích bài viết “Trừu tượng hóa phong cảnh trong Cảnh Mộng của Hà Mạnh Thắng” của Dương Mạnh Hùng./.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

canh-mong-3.jpg
canh-mong-2.jpg
canh-mong-4.jpg

Lý Uyên