Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền thờ Đặng Quận công (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 20/07/2023 08:33

Đền thờ Đặng Quận công thuộc xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Đền thờ Đặng Quận công còn gọi là đền Từ Vũ toạ lạc ở cuối làng, nơi thờ một vị tướng họ Đặng sống vào cuối thời Lê. Ông tên là Danh Lân mà nhân dân quen gọi là Đặng Lân người làng Lương Xá, phủ Chương Đức. Là con của Quận công Yên và bà Quận chúa Thái. Ông sinh vào ngày 09 - 04 năm Đinh Mùi (1667) và mất ngày 22 - 07 năm Tân Hợi (1731). Khi mới sinh ra, ông đã có tướng mạo khác người, được trời phú cho tư chất thông minh, học một biết mười, văn võ song toàn và có trí lớn muốn giúp dân giúp nước. Khi ngài trưởng thành, cử chỉ khoan hoà, nói năng cẩn trọng, hiếu thảo với cha mẹ. Năm Tân Dậu (1681), Tây Vương Trịnh Tạc mất, ông đã phò trợ Trịnh Căn lên ngôi chúa. Đến năm Quý Hợi (1683), ông được thăng chức Tham đốc, tước Quận công. Năm Bính Dần (1686), ông được thăng chức Đề đốc, đến năm Ất Hợi, khi ông tròn 29 tuổi được thăng chức Đô đốc. Sau đó, ông được cử làm Trấn thủ Sơn Tây và giữ thêm hai chức nữa là Cơ tả nhuệ và Cơ tả dực. Năm ông 43 tuổi được thăng chức Tả đô đốc, năm ấy Định Nam vương Trịnh Căn mất, cháu là Trịnh Cương nối ngôi. Năm Tân Mão, ông được thăng chức Tả đô đốc và bổ làm Trấn thủ Thái Nguyên, Quản cơ tả dực, phụng mệnh khai dinh quân Tả trấn: Năm ông 51 tuổi được phong chức Trấn thủ vùng Sơn Nam thay cho em là Quốc lão công chuyển về Kinh để quản Dinh quân trung dũng. Năm ông 54 tuổi (1720) được suy ân thăng Thái bảo và thăng Thái phó. Năm ông 55 tuổi được thăng chức Chưởng phủ sự. Rồi đến năm ông 58 tuổi được thăng chức Thái tể, Đại tư không, Đại tư mã. Năm 65 tuổi, tức năm Tân Hợi (1731), ông mất tại Dịch Vọng, sau mai táng ở xã Phúc Lâm (nay là thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm) và được truy phong là Đại tư đồ và ban tự là Mẫn Đạt.

Trải qua các triều, ông được mọi người mến chuộng tài năng, đức độ, được thăng nhiều chức tước và giữ nhiều vị trí quan trọng. Ông không có con nối dõi nên nuôi 3 người em ruột là Vinh quận công Đặng Đình Trứ, Kế quận công Đặng Đình Luân và Dật hải hầu Đặng Đình Khôi.

Đền Từ Vũ tọa lạc ở cuối làng Phúc Lâm trông về hướng tây nam, gồm các hạng mục chính: Đại bái, Hậu cung và hệ thống sân vườn. Đại bái đền được bố cục theo kiểu chữ “nhất”, phía trước có sân đền, nhang án đá và bức bình phong. Hai bên hồi của Đại bái là đôi voi đá nằm phục. Vào bên trong Đại bái được chia làm 3 gian chính không đều nhau. Tương ứng với các gian là các bộ vì đỡ mái được làm khác nhau: các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang trốn cột”. Các hoa văn hoạ tiết được làm đơn giản soi gờ kẻ chỉ thiên về độ bền chắc tạo không gian thoáng làm nơi nhân dẫn đến hành lễ. Nối từ gian giữa vào là Hậu cung là 3 gian nhà dọc, về mặt kiến trúc được làm tương tự như Đại bái, xuống dưới được xây bệ thờ Tam cấp. Cấp trên cùng đặt long ngai, bài vị. Cấp tiếp theo đặt các di vật của đền như mâm bồng, hòm sắc, đài nước.

Đền Từ Vũ đến nay còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: 1 quả chuông; 2 bát hương; 2 đạo sắc phong; 1 long ngai; 1 bài vị; 1 nhang án bằng đá; 1 đôi voi đá dài 2m30; cao 1m2 trong tư thế nằm phục, cổ đeo chuông nhạc; 1 bia tứ diện, bốn mái đao cong che (trán bia mặt trước chạm lưỡng long chầu nguyệt, mặt sau là phượng chầu nguyệt, hai mặt bên chạm 04 mặt trời có các diềm chạm cúc leo, cúc dây, thân bia cao 169cm, rộng 73cm. Mái bia cao 55cm, rộng 120cm); 1 đôi ngựa chiến có chiều dài 180cm, cao 100cm...

Lễ hội của làng được tổ chức vào ngày 21 và 22 tháng 07 âm lịch hằng năm.

Đền đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá dạng lưu niệm danh nhân năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)