Đình, đền Thượng, đền Hạ (huyện Mỹ Đức)
Đình, đền Thượng, đền Hạ thuộc địa phận xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Ngôi đình ở giữa làng Áng Hạ gồm: Nghi môn, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn được xây dựng theo hình thức Nghi môn trụ biểu với ba cửa đi. Cửa chính giữa là hai trụ biểu đồ sộ. Trên đầu trụ đắp nổi ô lồng đèn, đỉnh trụ là đôi hệ chầu. Giữa hai cột trụ lớn với hai cột trụ nhỏ về hai phía là hai cổng pháo được làm kiểu cuốn vòm lá mái giả. Trụ biểu nhỏ có mặt cắt hình vuông, bên trên là ô lồng đèn bốn mặt, đỉnh trụ được đắp hoa sen cách điệu bằng vôi vữa. Nhìn bên ngoài Đại bái đình được làm kiểu tường xây hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri. Nối từ gian giữa Đại bái vào là toà Hậu cung là ba gian nhà dọc làm theo kiểu nhà cuốn vòm gôtic.
Đền Hạ ở đầu làng, quay hướng tây nam. Theo lời kể của các cụ trong làng thì từ xưa ngôi đền được khởi dựng vào thời Hậu Lê với quy mô kiến trúc bề thế, nhưng trải qua thời gian và chiến tranh nên ngôi đền cũ không còn. Dấu tích còn lại của ngôi đền cổ là một chân đá tảng có đường kính 40cm chạm đường viền với 16 cánh sen úp, mập. Đền Hạ ngày nay có kiến trúc chữ “nhất” với 3 gian chính, nhìn từ bên ngoài Đại bái là ba gian nhà dọc với ba mái, bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đỉnh, hai đầu đao được đắp vút cong tạo vẻ mềm mại cho phần mái của di tích. Vào bên trong, kết cấu của bộ vì của Đại bái được làm theo kiểu “Thượng chồng rường, hạ cốn mê, bẩy” trên mặt bằng 6 hàng chân cột. Trong lòng cốn được chạm nổi bong kênh tứ linh, tứ quý tinh xảo. Nối liền với Đại bái là Hậu cung được làm theo kiểu 2 tầng 8 mái. Vào bên trong Hậu cung được xây kiểu cuốn vòm gôtic, tạo không gian thoáng đãng nơi thờ thánh Mẫu.
Đền Thượng ở cuối làng giáp với chùa, bố cục kiến trúc theo hình chữ “công” gồm: Đại bái, ống muống và Hậu cung. Đại bái là 3 gian nhà ngang tường xây hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói ri, vào bên trong bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang” đơn giản. Nối giữa Hậu cung và Đại bái là nhà ống muống, được xây cuốn vòm gôtic theo kiểu Tây phương. Hậu cung đền là 3 gian nhà ngang. Nhìn bên ngoài được xây 2 tầng 8 mái, vào bên trong được xây kiểu cuốn vòm gôtic đơn giản phía dưới xây bệ thờ bằng vôi vữa trên đặt long ngai bài vị và một số đồ thờ tự khác.
Đình, đền Thượng, đền Hạ qua nhiều lần tu sửa nên di tích mang dấu ấn điêu khắc của nhiều giai đoạn khác nhau.
Thành hoàng Lê Nghị Vũ được thờ tại đình, đền Thượng. Thành hoàng Ngô Trinh Tĩnh được thờ tại đền Hạ. Thân thế và sự nghiệp của các vị thành hoàng có thể được tóm tắt như sau: Ngài Lê Nghị Vũ là con của cụ Lê Cương và bà Phạm Thị Quang cùng quê và cùng thời với vua Lê Đại Hành (980 - 1005). Ông sinh ngày 09 tháng giêng, huý là Vũ, tên chữ là Hiển Liệt. Khi trưởng thành thì văn võ song toàn, ngài được vua Lê Đại Hành giao chức Võ vệ tướng quân. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, ngài đã có công lớn trong việc ngăn chặn đạo quân do Hầu Nhân Bảo và Đà Tẫn chỉ huy để vua Lê Đại Hành dùng mưu tiêu diệt. Sau khi đất nước thanh bình, ngài đứng đầu cai quản vùng Long Biên. Trong một chuyến du ngoạn cùng với cựu trấn thủ Nguyễn Hanh đến vùng Áng Hạ, thấy nơi đây đẹp đẽ nên triệu tập các vị bô lão trong trang ban cho tiền của và chỉ bảo mua ruộng đất làm của công và giao riêng cho dân để lấy đó làm cúng tế hàng năm.
Đức quốc mẫu Ngô Trinh Tĩnh, là con của cụ Ngô Quân An và bà Triệu Thị An. Bà là bậc quốc sắc thiên hương, ít ai có thể sánh được. Vài năm sau, đến tuổi trưởng thành, bà kết hôn với Lê Hoàn là tổng chỉ huy quân đội. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, con trai mới sáu tuổi là Đinh Toàn lên ngôi. Hoàng hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính và đưa Lê Hoàn lên làm vua thay nhà Đinh. Bà Ngô Trịnh Tĩnh can ngăn không được, sau đó đã bỏ trốn và mất tại trang Thanh Áng. Sau này vua Lê Thánh Tông biết câu chuyện của bà đã ban cho sắc phong là: Phu nhân đại vương” và tặng Ngô Trinh Tĩnh bốn chữ: Thiên Tiên Thánh Mẫu.
Lễ hội truyền thống thôn Áng Hạ được tổ chức từ ngày 8 đến mùng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm.
Cụm di tích đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02