Chùa Trăm Gian: lưu giữ di sản văn hóa vật thể trăm năm của dân tộc
Không chỉ là một điểm đến tâm linh nức tiếng của Xứ Đoài, chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật có tuổi đời hàng trăm năm mang dấu ấn văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Tứ đại danh thắng Xứ Đoài
Từ thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) rẽ phải, đi chừng 3km qua những đoạn đường uốn lượn quanh co dọc chân núi Sở thì đến chùa Trăm Gian (còn được biết đến với tên gọi Quảng Nghiêm tự). Chùa tọa lạc tại thôn Tiên Lữ, với không gian hồ rộng phía trước, rừng thông bao quanh rất hữu tình. Trăm Gian là ngôi chùa cổ kính bậc nhất của Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia, cũng là ngôi chùa thuộc “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” cùng chùa Trầm (huyện Chương Mỹ), chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất).
Tọa lạc trên một quả đồi cao khoảng 50m thuộc dãy núi Tiên Lữ, chùa Trăm Gian được lập từ năm 1185 đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10. Qua các triều đại phong kiến Việt Nam, chùa nhiều lần được tôn tạo, trùng tu. Đi qua hơn 8 thế kỷ nhưng giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật của chùa vẫn vẹn nguyên theo dòng chảy đời sống.
Lối đi lên chùa hiện có những con rồng đá thời Trần được chạm khắc tinh xảo dùng để làm lan can, bậc thành dẫn lên chùa. Hình rồng đá tại chùa Trăm Gian có thân dài khỏe mạnh nhưng ghép đầu rồng thời Nguyễn, thể hiện sự tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật tạo hình tại Việt Nam.
Đến vãn cảnh chùa Trăm Gian, chúng tôi còn được thấy nhà Giá ngự của chùa, với nét cổ kính nằm lọt giữa những cây thông cao vút. Trước kia, nhà Giá ngự thường là nơi rước thánh ra ngự để xem trò múa rối nước ở hồ sen ngay phía trước. Trên nhà Giá ngự vài chục mét là gác chuông hai tầng mái được dựng vào năm 1693. Gác chuông chùa Trăm Gian với các vỉ, kèo gỗ được chạm khắc tinh tế, đồng thời treo một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794), do vị tướng nhà Tây Sơn - đô đốc Đặng Tiến Đông cùng con gái làm hội chủ hưng công.
Dựng theo kiến trúc đời Trần với hàng trăm cột, cứ 4 cột được tính là một gian nên chùa có tên gọi Trăm Gian. Đi qua các bậc đá có lan can chạm rồng là đến chùa chính có bái đường, nhà thiêu hương và thượng điện. Chùa hiện còn lưu giữ hơn 150 pho tượng, phần lớn bằng gỗ, một ít là tượng đất.
Tại gian giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệ đá thời Trần. Trên là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần Garuda (loài chim thần trong Ấn Độ giáo có ảnh hưởng sang Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệ này có niên đại thời Mạc. Trên bệ đặt các tượng Phật Tam thế.
Ở gian bên trái, phía dưới tượng Quan Âm tống tử là tượng đô đốc Đặng Tiến Đông - một tướng lĩnh Tây Sơn mà sự tích được ghi lại trên khối bia vuông bốn mặt đặt ở bái đường. Bài bia do Phan Huy Ích soạn và Ngô Thì Nhậm nhuận sắc. Gian bên phải là khám thờ “đức Thánh Bối” Nguyễn Bình An, vị thánh đã được thờ ở chùa Bối Khê. Tượng thánh làm bằng mây đan ngoài bọc vải phủ sơn. Hai bên chùa Trăm Gian là dãy hành lang. Trong cùng là nhà thờ Tổ. Ở giữa còn có gác trống, treo một chiếc trống lớn và một khánh đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749). Trong chùa Trăm Gian còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối… có tuổi đời cả trăm năm, nổi bật có các câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ.
Dọc gian tả và hữu hai lối lên Thượng điện chùa Trăm Gian là nơi phụng thờ các vị La Hán. Những bức phù điêu gỗ 18 vị La Hán tại chùa được chạm khắc tinh xảo hiện lên trước mắt khách hành hương. Đây là những bức phù điêu gỗ chạm nổi, mang phong cách tạo hình sáng tạo, đa dạng. Mỗi vị La Hán là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những nét cách điệu, sinh động, hài hòa của nghệ thuật tạo hình thời Lê.
Một trong những pho tượng quý ở chùa Trăm Gian là tượng Tuyết Sơn. Tượng được tạc bằng gỗ mít sơn then đen nhánh. Pho tượng đẹp sinh động bởi tài năng điêu khắc của các nghệ sĩ dân gian, thể hiện được hình ảnh Đức Phật tu khổ hạnh trong núi Tuyết Sơn. Với hơn hàng trăm pho tượng thổ và mộc, các hoành phi, câu đối được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế kỷ đã tạo nên giá trị tâm linh, cũng như giá trị lịch sử - văn hóa của chùa Trăm Gian.
Đặc sắc bộ tranh cổ bị mất cắp và “hồi hương”
Đặc biệt hơn, đặt chân đến “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” ở xã Tiên Phương, trong hành trình hành hương lễ phật, chúng tôi được tận mắt thấy 8 bức tranh cổ trong bộ tranh Thập điện Diêm vương có tuổi đời tương đương với lịch sử của chùa Trăm Gian cổ kính. Các bức tranh đi qua gần nghìn năm, được tạc bằng gỗ mít nặng hàng chục kg nay đã phủ bụi thời gian nhưng ý nghĩa vẫn còn nguyên vẹn.
Ít ai biết, khoảng năm 1989, một nửa trong số tranh cổ Thập điện Diêm vương bị kẻ gian đánh cắp. Gần 20 năm sau, khi kẻ gian đang di chuyển trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để bán các bức tranh cổ này ra nước ngoài, thì Công an Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan phát hiện sự việc, thủ phạm bị bắt giữ. 4 bức tranh cổ Thập điện Diêm Vương bị lấy cắp tại chùa Trăm Gian được Công an Thành phố Hà Nội trao trả về cho nhà chùa.
Báu vật tưởng chừng một đi không trở lại may mắn "hồi hương", nhà chùa lập tức lên phương án bảo quản cẩn thận, sau này treo 8 bức tranh Thập điện Diêm Vương tại hai bên hành lang chùa chính để người dân tới lễ phật chiêm bái và thưởng lãm.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, Việt Nam không thiếu bộ tranh Thập điện Diêm Vương được các tác giả sáng tạo dựa vào tác phẩm Thập Vương kinh, Ngục lý truyện… Tuy nhiên, bộ tranh Thập điện Diêm Vương tại chùa Trăm Gian thuộc loại cổ và quý nhất ở nước ta. Trên mỗi bức tranh thường thể hiện phần trên Phán quan ngồi giữa hai bên có người hoặc quỷ sứ đứng hầu để xét hỏi tội, phần dưới là các tầng địa ngục mà tội nhân phải nhận các án trừng phạt như đeo gông, trói, bỏ vào vạc dầu...
10 nhân vật được khắc họa trong bộ tranh Thập điện Diêm Vương là Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quang Vương, Diêm La Thiên Tử, Biện Thanh Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương. Trong đó Tần Quảng Vương chuyên điều khiển việc khỏe mạnh, ốm đau, sinh tử của trần gian, quản lý việc u minh, cát hung. Chuyển Luân Vương phụ trách việc đầu thai. Màu sắc trên tranh là nguyên bản, chủ đạo màu đen, trắng, đỏ vàng với nét vẽ gọn, rõ ràng, gây ấn tượng rất mạnh với người đối diện.
Đến chùa Trăm Gian, chúng tôi không chỉ được hòa mình với thiên nhiên, thư thái trong khung cảnh sơn thủy hữu tình của vùng thôn quê của Hà Nội, được chiêm bái, lễ Phật mà còn để được nghe những truyền tục linh thiêng về chùa. Và hơn thế, chúng tôi được chiêm ngưỡng và hiểu hơn về những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đậm văn hóa Việt như các phù điêu gỗ 18 vị La Hán, câu đối khảm trai, tượng Tuyết Sơn, bộ tranh cổ bộ tranh Thập điện Diêm Vương…đang được lưu giữ tại chùa Trăm Gian./.