Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thượng (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 17/07/2023 16:30

Đình Thượng thuộc địa phận xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Đình Thượng thuộc thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương. Đây là một xã nằm trên vùng bán sơn địa của huyện Chương Mỹ, giáp với dòng sông Bùi. Theo các nhà quân sự thì vùng đất này rất thuận lợi cho việc giao thông đường bộ, đường thuỷ và lập căn cứ cho việc khởi nghĩa chống giặc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Xưa, Mỹ Lương thuộc tổng Mỹ Lương, huyện Mỹ Lương, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Trong quá trình hình thành và phát triển, người Mỹ Lương đã gắn bó với nhau trong cộng đồng làng xã từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay, xã Mỹ Lương có 3 thôn là: Khôn Duy, Mỹ Lương và xóm 11 núi Sáo.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, thì đình Thượng thờ vị nhân thần là ngài Đổng Môn San đã được các triều đại ban sắc phong thần. Nhưng hiện nay, sự tích về ngài không còn tư liệu cụ thể nhưng dân làng Mỹ Lương vẫn phụng thờ ngài, thể hiện tấm lòng thành kính đối với tiền nhân. Ngoài ra, đình Thượng còn là nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương đã được lịch sử nghi nhận vào thời Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa này nổ ra vào năm 1854 do Cao Bá Quát (một danh nho có tài thơ đã được nhân dân đương thời suy tôn là bậc thánh) lãnh đạo. Cao Bá Quát đã lấy đình Thượng làm căn cứ địa khởi nghĩa. Đương thời, Cao Bá Quát chán ghét chế độ vua quan thối nát nhà Nguyễn. Năm 1853, ông từ chức để có thời gian đi vận động khởi nghĩa. Năm ấy, khắp một vùng Sơn Tây, Hà Nội, Bắc Ninh châu chấu bay mù trời, cắn phá mùa màng tàn tệ, nạn đói kém lan tràn, trong khi sưu vẫn cao, thuế vẫn nặng, lòng dân vô cùng căm phẫn bọn vua quan. Trước tình cảnh đó, Cao Bá Quát quyết định khởi nghĩa, lực lượng của cuộc khởi nghĩa là tầng lớp bình dân, bao gồm nông dân và các tầng lớp dân nghèo khác ở các vùng miền Tây sông Đáy, sông Tích, chủ chốt là vùng Mỹ Lương nên sử sách gọi đây là khởi nghĩa Mỹ Lương. Sở dĩ Cao Bá Quát chọn Mỹ Lương làm căn cứ địa vì so với thực tế tổ chức quân đội và vũ khí như phương thức tác chiến đương thời, thì đây là dải đất có thể dụng binh thuận tiện

Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương đã thu hút được đông đảo nhân dân thuộc nhiều dân tộc tham gia, nhưng có kẻ phản bội đã mật báo với triều đình nhà Nguyễn nên kế hoạch của cuộc khởi nghĩa bị lộ, ông và nhiều người đứng đầu cuộc khởi nghĩa bị truy lùng ráo riết. Đêm tháng chạp năm 1854, Cao Bá Quát lại xuất quân đánh Yên Sơn. Giữa cuộc chiến, ông không may bị trúng đạn, chết ngay tại chiến trận. Đến tháng 10 năm 1856, khi Đinh Công Mỹ, một tướng của Cao Bá Quát bị bắt, cuộc khởi nghĩa mới thực sự chấm dứt.

Đình Thượng toạ lạc trên một đồi gò cao rộng ở ngoài làng nhìn về hướng đông nam, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” bao gồm Đại bái, Hậu cung, xung quanh được trồng cây ăn quả, cây cổ thụ, bãi sắn toả bóng mát cho di tích. Đại bái được làm 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, tường xây hồi bít đốc. Nhìn bên ngoài bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng Makara cách điệu, chính giữa đắp lưỡng long chầu nguyệt, bốn mái đao được đắp đầu phượng cong vút mềm mại làm cho phần mái bớt đi sự nặng nề. Vào bên trong, bộ vì đỡ mái được làm khác nhau. Bốn bộ vì giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ cốn, kẻ” trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Nối từ thân cột cái vươn ra đầu cột quân là xà nách, trên lưng xà nách đỡ một bức cốn hình tam giác vuông được cắt khấc đỡ các hoành hạ, trong lòng bức cốn được chạm các tích dân gian như long cuốn thuỷ, tứ linh, tứ quý. Gian giữa toà Đại bái có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán: “Đơn tâm báo quốc”. Nối từ gian giữa Đại bái vào là toà Hậu cung. Hậu cung được làm đơn giản, tường xây hồi bít đốc. Vào bên trong, bộ vì kiểu “kèo kẻ quá giang”. Bên dưới xây bệ thờ tam cấp, cấp trên cùng đặt long ngai bài vị Thành hoàng làng, tiếp đến cấp dưới đặt một số đồ thờ tự như bát hương, đài nước, hòm sắc...

Đình Thượng là một công trình kiến trúc không đồ sộ nhưng đã hội tụ đầy đủ những giá trị của một kiến trúc cổ truyền thống. Nơi đây còn là đại bản doanh và bộ chỉ huy nghĩa quân đã họp bàn luyện tập và sinh hoạt của khởi nghĩa Mỹ Lương. Xung quanh ngôi đình là các cánh đồi gò rộng lớn, nơi nghĩa quân Mỹ Lương ngày đêm luyện tập. Bên cạnh đình còn có một hồ nước rộng lớn trong vắt, tương truyền là nơi nghĩa quân tắm giặt và giếng cổ là nguồn nước sinh hoạt của nghĩa quân.

Đình Thượng đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)