Văn hóa – Di sản

Diễn xướng dân gian - tập quán xã hội bất biến trong đời sống văn hóa Thủ đô: Bài 1: Nghi thức kéo mỏ - khi di sản "thức giấc" cùng đời sống văn hóa người dân Thủ đô

Hải Hoa 17/07/2023 11:25

“Chúng tôi không lo nghi thức thực hành kéo mỏ bị thất truyền hoặc mai một mà nó sẽ đồng hành với đời sống văn hóa của Hà Nội”, cụ Ngô Văn Dong, 91 tuổi, thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) chia sẻ về nghi thức kéo mỏ - “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đã được UNESCO ghi danh.

Lời tòa soạn: Kho tàng diễn xướng dân gian cùng với các tập quán xã hội và tín ngưỡng phong phú đã góp đã góp phần không nhỏ tạo nên dấu ấn văn hóa đất Kinh kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mà công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa làm nhạt nhòa đi nhiều bản sắc thì việc lưu giữ và lan tỏa kho di sản này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết…Từ việc chọn lọc các diễn xướng dân gian đặc sắc bậc nhất của Thủ đô, Tạp chí Người Hà Nội giới thiệu đến độc giả loạt phóng sự/ký sự “Diễn xướng dân gian: tập quán xã hội bất biến trong đời sống văn hóa Thủ đô”; để đem đến những câu chuyện còn ít người biết về nghi thức kéo mỏ đã được UNESCO ghi danh, hò cửa đình và múa hát Bài Bông mang dáng dấp nghi thức cung đình - “vàng ròng” văn hóa Việt của Thủ đô; hát trống quân Khánh Hà thuộc diện “hiếm có khó tìm”, văn hóa cồng chiêng người Mường đậm đà bản sắc dân tộc cùng hát ví Hàm Rồng ngân lên bên bến sông Tích... Từ đó để thấy, diễn xướng dân gian vẫn luôn tỏa sáng trên “sân khấu đại chúng” đương thời, cho thấy sự trường tồn của tập quán truyền thống và hơn hết khẳng định diễn xướng dân gian đã, đang và sẽ bất biến trong đời sống văn hóa, dòng chảy văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Hằng năm, ngày mồng Bốn tháng Giêng, hội đền Vua Bà tại thôn Xuân Lai được tổ chức. Các xóm rước kiệu và dâng lễ vật gồm xôi, gà, hoa quả, hương, trầu cau… vào đền. Sau các nghi thức tế lễ sẽ đến phần hội với các trò trình diễn dân gian truyền thống: chạy thi lấy nước nấu cơm, chạy cờ, kéo mỏ và vật thờ. Đối với trò kéo mỏ, Ban Khánh tiết, Ban Hương lão (các cụ từ 60 tuổi trở lên) tại thôn Xuân Lai lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo trước nhiều tháng, cốt đảm bảo tính truyền thống và nét đẹp văn hóa dân tộc.

20230711_155536(2).jpg
Trình diễn kéo mỏ tại thôn Xuân Lai vào hội đền Vua Bà hằng năm. 

Thông qua chính quyền xã Xuân Thu, chúng tôi may mắn kết nối được với 4 cụ cao niên tại thôn Xuân Lai. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng 4 cụ vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, giọng nói đầy hào sảng. “Các con muốn tìm hiểu về trò kéo mỏ ở thôn mình có được không các cụ?” – chúng tôi mở lời. Nở nụ cười hiền từ, các cụ hồ hởi đáp lại: “Chúng tôi sẵn sàng. Nhiều người biết về kéo mỏ cũng là điều tốt cho quê hương Xuân Lai, để thấy Hà Nội có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc”.

Dứt lời, các cụ kể về di sản văn hóa phi vật thể có tại quê hương một cách hào hứng, say sưa và đầy tự hào. “Từ bé tôi đã được xem người dân trong làng chơi trò kéo mỏ rất sôi động ở đền Vua Bà. Đi bộ đội, trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc đến ngày đất nước thống nhất, rồi trở về đến tận hôm nay, vẫn thấy kéo mỏ hiện diện ở quê hương”, cụ Ngô Văn Dong giọng hào sảng, chia sẻ.

z4520189073804_f72392780344db523af22fcf7db7cb4b.jpg
4 cụ cao niên trong thôn Xuân Lai say sưa kể về trò kéo mỏ - “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” với PV Tạp chí Người Hà Nội (hàng đầu tiên bên trái).

Tiếp mạch chuyện, cụ Nguyễn Văn Chính (86 tuổi) ngồi cạnh bên đánh giá, kéo mỏ rất hay và độc đáo. So với kéo co thì kéo mỏ lịch sự và có nét đặc trưng hơn vì người tham gia kéo mỏ phải ngồi. Gọi là “kéo mỏ” bởi hàng trăm năm qua người dân thôn Xuân Lai dùng ngọn hai cây tre tạo thành hình lưỡi câu móc vào nhau, sau đó bệt chặt để hai đội trai làng dùng để kéo.

Theo tục lệ, tre dùng để làm mỏ phải là tre bánh tẻ, có màu xanh biếc, đủ ngọn, đủ lá, trong thân cây tre không được có tổ kiến, thưa đốt, dài từ 7 - 8m. Trước ngày diễn ra nghi lễ và trò kéo mỏ, tre được các gia đình trong làng cung tiến và Ban Hương lão sẽ tuyển chọn cây tre phù hợp. Người đi chặt tre phải là người song toàn (còn cả ông cả bà), tre chặt về phải được cụ từ đền Vua Bà làm lễ kính báo với Đức Thánh Bà và xin phép được làm mỏ kéo chứ không thể tùy tiện.

Khi làm tre để thực hành nghi lễ kéo mỏ thì phải tính đốt, thường các cụ đếm từ đốt thứ nhất: Thịnh, Suy, Bựu (Bĩ), Thái. Cây tre chỉ được phép lấy đến đốt có chữ Thịnh hoặc chữ Thái. Chữ Bựu, chữ Suy không được lấy. Khi đếm các cụ đếm từ dưới gốc lên, cây tre thường nhiều đốt nhưng các cụ thường chỉ lấy 9 đốt (chữ Thịnh). Đến đoạn ngọn ở đốt thứ 9 tính thêm 3 đốt nữa thì đập dập, bẻ quặt lại làm mỏ. “Khi cây tre được chọn để kéo mỏ, thành viên ban tổ chức hội đền Vua Bà cũng như tất cả mọi người không được bước qua nhằm đảm bảo tính linh thiêng. Ngọn và gốc tre thừa sẽ trả lại ngay cho người cung tiến”, cụ từ Nguyễn Văn Sơn trông coi đền Vua Bà, cho biết thêm.

keo-mo-2.jpg
 So với kéo co thì kéo mỏ lịch sự và đặc trưng hơn vì người tham gia kéo mỏ phải ngồi. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa).

Người tham gia kéo mỏ phải là trai đinh trong làng, tuổi từ 18-35 có sức khỏe và gia đình không vướng tang, từ trước đến nay đều không thay đổi. Thôn Xuân Lai hiện có 24 xóm, mỗi năm có 2 xóm được tham gia trình diễn tại hội đền Vua Bà. Lần lượt hết các xóm thì lại quay lại từ đầu. Mỗi xóm chọn ra một đội, có thể là 5 hoặc 7 người tùy từng năm. Số người trong đội luôn phải là số lẻ, không được là số chẵn. Mỗi đội có một đội trưởng và một người hướng dẫn kỹ thuật. Trong đó, người hướng dẫn thường lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm tham gia kéo mỏ trước đây, hướng dẫn và hô hiệu lệnh cho đội trong quá trình tham gia kéo mỏ để đảm bảo thắng lợi.

Sau khi làm lễ trình Đức Thánh là Vua Bà, hai đội đứng vào hai đầu mỏ. Khi thi đấu, các cụ trong Ban Hương lão thường kẻ 3 điểm vạch: 1 vạch trung tâm và 2 vạch thắng - thua, nếu bên này sang bên kia chừng nửa mét được tính là thua. Trò kéo mỏ thường kéo dài trong 3 hiệp. Hiệp đầu gọi là kéo “dẹp đám”, hai hiệp sau mới phân thắng bại. Song điểm độc đáo ở trò kéo mỏ từ xưa đến nay Ban tổ chức không tuyên bố bên thắng bên thua mà chỉ tuyên bố đồng giải. Việc phân định thắng – thua do người xem phán đoán và quyết định. Theo cụ Nguyễn Văn Dong, đội đàng trong thuộc hướng Nam, đàng ngoài là hướng Bắc. Nếu đội đàng trong thắng thì năm đó được mùa, mưa gió thuận hòa. Đội đàng ngoài thắng thì chỉ được mùa đỗ trắng (cây đậu trắng), còn các thứ khác đều kém.

Các cụ trong Ban Hương lão thôn Xuân Lai đều khẳng định, tất cả những gì có trong nghi thức thực hành, trình diễn kéo mỏ đều mang tính tâm linh, với quan niệm đây là trò diễn hầu Thánh đầu năm lấy may nên mọi thứ đều phải làm theo ý Thánh, không được thay đổi. Điều này thể hiện đức tin vào vị Thánh mà người dân thờ phụng. Những người được tham gia trò diễn nghi lễ đều cảm thấy đó là niềm vinh dự và trách nhiệm.

Mặt trời lấp sau bóng núi. Trước lúc chia tay, cụ Nguyễn Văn Dong thông tin thêm, việc gìn giữ, bảo tồn trò kéo mỏ thời gian qua được Bộ VH-TT&DL, Thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn và chính quyền địa phương luôn quan tâm. Để lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể kéo mỏ tới cộng đồng, người dân thôn Xuân Lai đã trình diễn kéo mỏ tại Lễ hội Gióng, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam...

img_0659.jpg
Đền Vua Bà - nơi diễn ra lễ hội  đền Vua Bà vào ngày mồng Bốn tháng Giêng hàng năm. Phần hội có nghi lễ thực hành kéo mỏ.

“Trước đây chiến tranh, điều kiện khó khăn, vất vả mà kéo mỏ còn giữ được huống hồ bây giờ mọi thứ đã tốt hơn, các cơ quan ban ngành quan tâm hơn. Bao đời nay chúng tôi đã bảo tồn được trò kéo mỏ thì chắc chắn con cháu, thế hệ nối tiếp nhau thôn Xuân Lai cũng làm được. Di sản kéo mỏ sẽ luôn đồng hành với đời sống văn hóa Thủ đô và cả nước”, cụ Nguyễn Văn Chính khẳng định, cùng lời hẹn chúng tôi đến hội Đền Bà năm 2024 để xem trình diễn kéo mỏ.

Thông qua nghi lễ và trò chơi kéo co, kéo mỏ; cộng đồng cư dân ở các địa phương gửi gắm khát vọng, niềm tin và nguyện ước đến với thần linh và các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của con người Việt Nam. 

Năm 2015, nghi lễ thực hành kéo mỏ tại thôn Xuân Lai - vùng đất ngoại thành Hà Nội, cùng với các trò chơi kéo co khác có tại các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Trong số hàng nghìn si sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô, di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh di sản nhân loại không nhiều.  Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có nghi lễ thực hành kéo mỏ, không chỉ là trách nhiệm của riêng người dân Xuân Lai mà cần cả sự chung tay và trách nhiệm của cả chính quyền địa phương cũng như ngành văn hóa Thủ đô, để di sản có sức sống bền vững, trở thành điểm tựa vững chắc trong đời sống tinh thần của người dân./.

Hải Hoa