Mỹ thuật

Thưởng lãm gần 150 tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên

Tịnh An 05:54 17/07/2023

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố họa sĩ Trần Phúc Duyên, từ ngày 22/7 đến 6/8, Bảo tàng nghệ thuật Quang San (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) kết hợp với nhà sưu tập Phạm Lê giới thiệu tới công chúng triển lãm “Họa duyên tương ngộ”.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả. Năm 1941, ông vào học lớp dự bị của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương , đến năm 1942, ông thi đỗ vào khoa Sơn mài, khóa 16 (1942-1945). Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, ông mở xưởng vẽ tại số 146 Avenue de Grand Buddha – nay là đường Quán Thánh (Hà Nội).

chan-dung-1982-1689440454389563715716.jpg
Chân dung họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Cuối năm 1954, ông di cư sang Pháp và tiếp tục theo đuổi nghiệp vẽ tại đây. Từ năm 1968, ông chuyển sang Thụy Sỹ sống và làm việc tại đó cho đến khi qua đời (năm 1993). Sau khi họa sĩ Trần Phúc Duyên mất, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thành phố Bern (Thụy Sĩ). "Kho di sản" này bị lãng quên trong suốt 20 năm, và đã được 2 nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê ) tình cờ khám phá. Từ đây, các tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ dần được hồi hương.

ve-cho-son-mai.jpg
Tác phẩm "Về chợ" của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Xuyên suốt sự nghiệp, họa sĩ Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng "Họa duyên tương ngộ" là triển lãm có quy mô phổ quát và đồ sộ nhất, với hầu hết các tác phẩm lần đầu được ra mắt công chúng trong nước.

Đến với triển lãm công chúng sẽ được thưởng thức gần 150 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, trải dọc và tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

mua-gat-1965-40-x-65cm-16894404544631210319777.jpg
Tác phẩm "Mùa gặt" của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Thiết kế triển lãm được chia làm hai tầng, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn: Đời sống Đông Dương, phong cảnh, sinh vật cảnh, thủy mặc, trừu tượng, và phúc niệm.

Theo ông Ace Lê - giám tuyển triển lãm, cuộc đời và di sản của họa sĩ Trần Phúc Duyên dường như được ấn định bởi chữ “duyên” - là một chuỗi giao ngộ của những số phận, dòng chảy lịch sử và chiều kích tư tưởng. 

triu-men-1960-41-x-30cm-1689440454508346715839.jpg
Tác phẩm "Trìu mến" của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Giao ngộ đặc biệt nhất có lẽ được ẩn trong kết hợp Đông - Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý chỉ có trong sáng tác của Trần Phúc Duyên. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây.

Triển lãm “Họa duyên tương ngộ” là minh chứng cho “vầng trăng sáng về tài năng và lòng nghiêm cẩn với nghề” của cố họa sĩ. Và những người tổ chức triển lãm cũng hi vọng sẽ phần nào lan tỏa được vầng hào quang ấy về với cố hương./.

Tịnh An