Làm giàu từ trang trại
Cách dải núi Ba Vì không xa, cánh đồng lúa xã Thụy An đang trong những ngày gật gù ngả chín. Thi thoảng có vài vạt đồi xanh mướt những dãy keo. Địa hình bán sơn địa này thật lý tưởng cho một giấc mơ làm trang trại chăn nuôi. Và chính tại nơi này, có một người đàn ông đã bám vào nông nghiệp, theo đuổi chăn nuôi, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đó là anh Ngô Trọng Hiển, nhà ở thôn Đông Cao, xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội.
Nếu tình cờ gặp người đàn ông ấy trong dáng vẻ giản dị, chân chất, ít ai biết rằng anh chính là tỷ phú trẻ dưới chân núi Tản, hiện đang sở hữu khu trang trại với quy mô lên đến 40.000m2, thu nhập mỗi năm gần 20 tỷ đồng. Không phải vô cớ mà anh có biệt danh là “Hiển gà”. Từ hai bàn tay trắng và bắt đầu với cây lúa, cho đến nay, anh Ngô Trọng Hiển đã làm giàu và thành công nhờ trang trại chăn nuôi gà lên đến hàng vạn con.
Trang trại của anh chăn nuôi gà là chính và một số đất dành để trồng keo, với mô hình rất quy củ và khoa học. Trong đó, khu vực nuôi gà của anh được chia ra các khu nhỏ, tách biệt gồm khu ấp trứng với hệ thống máy móc hiện đại, khu ở của gà con, khu vực cho gà trưởng thành, khu nuôi gà thương phẩm. Mỗi khu đều có hệ thống quạt thông gió, hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống nước tự độn cùng những chế phẩm sinh học độn chuồng. Riêng khu nuôi gà trưởng thành, anh đặt chuồng ở trên đồi, không gian được chia làm hai phần là chuồng kín có mái che những lúc mưa gió và vườn đồi cho gà chạy bộ những ngày nắng ráo mát trời. Giữa khoảng vườn cho gà “tập thể dục” ấy, anh trồng xen vào các loại cây ăn quả để gia đình dùng và chia cho mọi người. Chỉ tay sang khu đồi xanh mướt những hàng keo còn non, anh nói: “Còn vườn đồi bên kia, tôi dành để chuyên trồng keo, cũng mới thôi. Nhưng thu nhập chính và đáng kể lâu nay vẫn là từ chăn nuôi gà”.
Rồi giọng anh đầy tự hào khi nhắc đến chuyện anh chưa bao giờ phải vay tiền của ngân hàng để làm kinh tế. Cách đây hơn 20 năm, việc vay vốn ngân hàng không được thuận lợi và dễ dàng như bây giờ. Đó cũng là lý do mà dù quyết định mở rộng quy mô làm nông nghiệp nhưng anh Ngô Trọng Hiển vẫn kiên trì vay nhỏ từ người thân và từ tích cóp của anh. Cứ thong thả và kiên trì nhưng chắc ăn, đó là bí quyết mà anh tâm đắc.
“Mẹ tôi mất sớm, đến nay đã gần 30 năm. Tốt nghiệp phổ thông xong thì tôi cũng không có ý định theo học đại học hay trường nghề nào cả. Là con trai sức dài vai rộng, tôi còn phải phụ giúp gia đình”, anh Ngô Trọng Hiển chia sẻ. Thế rồi, dựa trên vốn liếng có sẵn là mảnh vườn, ruộng lúa của mẹ cha, anh Hiển nuôi chí làm giàu. Thời điểm ấy, anh mới có 18 tuổi, bắt đầu khởi nghiệp với 10 – 20 con gà đẻ trứng, 1 – 2 nái lợn, ngoài ra là ruộng lúa.
Kết hôn năm 20 tuổi với cô gái ở cùng làng, từ đó anh Hiển có người chung tay, sẻ chia trên con đường gắn bó với nông nghiệp. Từ mấy chục con gà, trại chăn nuôi của anh cứ lớn dần lên đến 300 con, rồi 500 con, 1000 con. Bắt đầu anh có nuôi thêm lợn nái và trồng lúa nhưng về sau anh chỉ tập trung vào đàn gà. Những con số mà anh nhớ mãi đó là 2000 con gà vào đúng năm 2000. Rồi tới năm 2003, anh đã có trung bình mỗi năm là 5000 gà con và gà thịt. Từ một mẫu ruộng, hai vợ chồng anh dần mở rộng theo hướng dồn điền đổi thửa và mua thêm và sau hơn 20 năm kiên trì, tổng diện tích trang trại của anh hiện nay đã là 40.000m2.
Tuy nhiên, con đường làm kinh tế của anh cũng đã từng gặp không ít khó khăn. “Nếu không kiên trì, lì lợm trụ lại và dễ dàng buông xuôi thì tôi đã bị các đợt dịch gia cầm đánh bại rồi”, anh Hiển nhớ lại. Trong giai đoạn đầu của hành trình nuôi gà, lần đầu tiên anh mất trắng là 7 triệu đồng đầu tư cho 100 con gà con, cả đàn cứ lớn dần đến ngày có thể xuất chuồng thì lăn ra chết hàng loạt vì dịch. Lúc ấy, cả gia đình, người thân đều khuyên nhủ anh đổi hướng làm ăn, nhưng anh Hiển vẫn không chùn bước. Anh tiếp tục nghĩ cách, xoay xở và theo đuổi đến cùng con đường mà mình đã chọn. Để có thêm kiến thức nghề chăn nuôi, anh đi học bổ túc về sơ cấp thú y, nghiền ngẫm các kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống kết hợp với tìm hiểu và học kỹ về quy trình tiêm vắc xin chống dịch cho gà từ các công ty thuốc. Tuy nhiên, khi có đủ kiến thức và tự tin về kỹ thuật chăn nuôi gà thì anh lại vướng phải bài toán đầu ra… Khó khăn cản đường, thất bại thử thách nhưng anh vẫn bám trụ đến cùng.
“Có sai mới biết mà sửa cho đúng chứ”, anh Hiển khẳng định rằng kinh nghiệm và “tay nghề” anh vững hơn cũng là nhờ những lần thất bại đó. Và số lượng đàn gà lớn dần lên là một minh chứng rõ rệt. Đến nay, số gà trung bình mỗi năm mà anh có lên đến 7 – 8 vạn con.
Và lò ấp trứng là một thành tựu đáng kể sau bao nỗ lực phát triển của anh. Bắt đầu hoạt động từ năm 2007, lò ấp trứng của anh đã góp phần lớn trong việc hỗ trợ bà con địa phương trong việc mở trang trại. Theo chia sẻ của anh, anh đã giúp đỡ được khoảng 5 – 6 xã thuộc huyện Ba Vì trong việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà. Anh trực tiếp hỗ trợ từ con giống đến vắc xin chống dịch rồi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Có nhiều gia đình được anh hỗ trợ cho vay con giống và vắc xin tới lúc nào có lãi mới trả nợ. “Có những trang trại sau hai năm mới có trả nợ tôi cũng không sao”, anh Hiển cho biết. Đến nay, lò ấp trứng của anh hoạt động với công suất lên đến 4 vạn trứng/ mẻ.
Hiện tại, trang trại của anh Ngô Trọng Hiển đang có 4 công nhân chính và 2 công nhân vụ mùa. Họ đều là người dân địa phương, đến trang trại làm việc mỗi ngày theo lịch chăm sóc đàn gà và công việc của trang trại, xong việc thì ai về nhà nấy. “Tôi đang trả 80 triệu/ năm lương cho mỗi công nhân chính. Còn công nhân thời vụ thì cũng trong khoảng 40 – 50 triệu/ năm. Năm ngoái, tổng thu nhập của trang trại tôi là 18 tỷ. Còn tính trung bình mỗi năm thì thu nhập của trang trại khoảng 15 – 16 tỷ, với trung bình mỗi năm là 150 tấn gà thịt, lợi nhuận khoảng 3 – 4 tỷ đồng”, anh Hiển tự hào kể.
Anh cũng cho biết, không tránh khỏi những giai đoạn thị trường trồi sụt như hiện nay giá cám, thức ăn cho gà đang cao, men sinh học để trộn vào thức ăn cũng không phải rẻ mà giá trứng bán buôn chỉ có 2300đ/ quả, tính từ tháng 10 năm ngoái tới nay trang trại của anh đang lỗ khoảng 60 – 70 triệu. Tuy nhiên, trang trại của anh đang trên đà hoạt động vững vàng, con đường làm kinh tế của anh đang trong tầm kiểm soát.