Văn hóa – Di sản

Làng nghề truyền thống Hà Nội: thăng hoa cùng văn hóa - sáng tạo để hội nhập: Bài 4: Mây tre đan Phú Vinh: Không ngừng sáng tạo, nâng tầm sản phẩm làng nghề truyền thống

Phạm Hải 16/07/2023 07:00

Với đôi bàn tay khéo léo, người dân làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội) đã làm ra nhiều sản phẩm mây tre đan tinh xảo, có tính thẩm mỹ và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã, đang vươn lên tầm cao mới.

Làng nghề truyền thống ngày một sôi động

Đặt chân tới đầu làng Phú Vinh, chúng tôi đã được nghe tiếng nói cười rộn rã của 4 người phụ nữ tuổi trung niên ở hiên nhà, được thấy đôi bàn tay của họ đang thoăn thoắt đan cài những sợi mây, tre thành hộp đựng bánh kẹo. Một người phụ nữ trong nhóm chia sẻ 10 tuổi đã được ông bà, cha mẹ dạy cách đan mây, tre thành những quạt tay, rổ, rá…

z4515554425493_97f564572a2d30f76751b535c82add4a-2-.jpg
Bức chân dung Bác Hồ đan bằng mây tre do nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung thực hiện.
img_0141.jpg
Người dân làng Phú Vinh đang làm nghề.

Dạo quanh làng nghề Phú Vinh, chúng tôi càng bất ngờ hơn vì thấy người tỉ mỉ chẻ nan, hộ gia đình khác lại tất bật đem sản phẩm ra phơi nắng, cụ bà ngoài 80 tuổi đang dùng kéo cắt các mối nối, nhóm người lại “gò” những đoạn lồi lõm để sản phẩm bền đẹp hơn… Đến Phú Vinh hôm nay, không chỉ được hòa mình vào không gian thanh bình với những lũy tre xanh, ngôi đình cổ kính mà còn được thấy cảnh nhà nhà quây quần ngồi đan những sợi mây, tre, giang thành rất nhiều sản phẩm, từ rổ đựng, lẵng hoa, túi xách, bàn ghế, khung ảnh...

Tìm gặp nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây tre Phú Vinh, người đã gắn bó với nghề mây tre đan hơn 60 năm, ông chia sẻ, nghề mây tre đan manh nha ở Phú Vinh từ thế kỷ XV. Hàng trăm năm trước, nơi này là vùng chiêm trũng, cứ mưa xuống là ngập lụt nên người dân lên rừng tìm tre, nứa, cây giang chẻ thành sợi, nan để đan, bện thành thuyền thúng đi lại, làm đơm bắt tôm cá. “Qua quá trình phát triển, đến thế kỷ XVII nghề mây tre đan đã hình thành, nhiều sản phẩm mây tre đan đã được sản xuất thành hàng hoá để bán, ngoài những sản phẩm cổ truyền, người dân đã sáng tạo ra các loại sản phẩm khác như cái túi, khay, đĩa để đựng hoa quả”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết.

img_0174.jpg
Sản phẩm dùng để trang trí từ mây tre đan của làng nghề Phú Vinh.

Để tạo thành một sản phẩm mây tre hoàn chỉnh, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết phải trải qua “120 chi tiết”, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến chế tác sản phẩm. Mây, tre, giang người dân Phú Vinh mua về từ các địa phương khác phải phơi, tuốt, chẻ nan, sấy khói rơm hoặc phơi nắng để có màu đẹp tự nhiên, chống mối mọt. Đối với màu sắc sản phẩm, người dân Phú Vinh phải đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun. Hoặc sau khi sấy sợi mây, sẽ nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã nấu sôi. Cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên này giúp cho sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh không gây hại cho sức khỏe người làm lẫn người sử dụng, đồng thời đem lại độ bền cao của màu có thể lên tới 30 – 40 năm.

Khác với nhiều làng nghề mây tre đan tại Việt Nam, làng nghề mây tre đan Phú Vinh nổi danh với nhiều kỹ thuật đan tinh tế. Người dân làng nghề này nổi danh với kỹ thuật xâu xiên độc đáo với những đường mây nhỏ xíu được quấn quanh các ruột song tròn tạo nên những lọ hoa, rổ đựng. Sự tài hoa của người dân làng nghề Phú Vinh còn được thể hiện bởi qua đôi tay khéo léo, họ tạo thành những bức tranh từ những sợi tre chỉ bằng sợi tóc.

img_0155.jpg
Hiện Phú Vinh có hơn 2.000 lao động sống bằng nghề mây tre đan.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã có 52 sản phẩm được công nhận 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện cơ sở sản xuất mây tre đan của nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh mỗi cơ sở có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao; cơ sở sản xuất của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Trải qua thăng trầm lịch sử, đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc nhưng nghề mây tre đan ở Phú Vinh vẫn tồn tại, thậm chí đang phát triển mạnh mẽ. Hiện Phú Vinh có hơn 2.000 lao động sống bằng nghề mây tre đan. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mây tre tại Phú Vinh được thành lập nhiều hơn, giải quyết công ăn việc làm cho người dân và giúp nhiều lao động tại địa phương có thêm thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vươn tầm cao mới

Theo nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh (Cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh), trước đây, sản phẩm từ mây tre đan làng nghề Phú Vinh chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp. Đến nay, người dân nơi đây đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng như đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; các sản phẩm mỹ nghệ gồm đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế và đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc.

img_0105.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung là người có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề mây tre đan Phú Vinh nói riêng, Hà Nội nói chung.

Các sản phẩm mây tre đan của cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh có nguyên liệu chính từ cây mây trắng, với độ dẻo, bền và tính thẩm mỹ cao. Những sản phẩm mây tre đan dùng trong gia đình hay các nơi công cộng có ưu điểm mà các sản phẩm từ gỗ quý không có được đó là tính nhẹ khi di dời, vẻ thanh thoát phù hợp với nét thẩm mỹ, sắc màu tươi mát và phù hợp với mọi không gian nội thất hiện đại. Tuy hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng sản phẩm mây tre đan của cơ sở Hân Hạnh đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc. “Nhiều năm nay, sản phẩm mây tre đan của chúng tôi đã xuất sang Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu”, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh chia sẻ.

Tham quan cơ sở sản xuất mây tre đan của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung thì được biết, hơn 15 năm nay ông đã dạy nghề miễn phí cho trên 500 lao động là người khuyết tật và tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Bằng đôi tay khéo léo, các nghệ nhân tại cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã sáng tạo ra hàng trăm mẫu mã sản phẩm khác nhau từ đĩa khay, lọ hoa, túi xách... cho đến những bức tranh đan bằng mây, bàn ghế, giường, tủ, khung ảnh để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… Ngoài ra, cơ sở sản xuất mây tre đan của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cũng là một điểm du lịch làng nghề thu hút được lượng du khách quốc tế đến học tập, trải nghiệm đông lên từng ngày.

img_0070.jpg
Đèn ngủ bằng mây tre đan có tính thẩm mỹ và độ tinh xảo cao.

Đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh mà không tới cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh sẽ là một thiếu sót. Hầu hết các sản phẩm mây tre đan của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh làm ra đều bằng phương pháp thủ công, có màu sắc tự nhiên. Hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc. Các sản phẩm đèn treo mây cánh Sen, khay bát giác đan tết hoa văn, thùng đựng đồ khách sạn đan mây… và nhiều sản phẩm mây tre đan tại cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

img_0088.jpg

“Nghề mây tre đan sẽ không ngừng phát triển, vì khi ra nước ngoài, tôi nhận thấy nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng không sử dụng những đồ dùng bằng nhựa, sắt và thay thế bằng sản phẩm mây tre. Mây tre thân thiện với môi trường, không độc hại, độ bền cao và có tính thẩm mỹ nên đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung nhận định.

 Sản phẩm mây tre đan chứa đựng nét văn hoá dân tộc, đó là một tiềm năng cho sự phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu. Ngày nay lại có khoa học công nghệ để áp dụng tạo cho sản phẩm mây tre đan phát triển chất lượng cao tạo nên vẻ đẹp, phù hợp với nhịp sống hiện đại mới, góp phần quảng bá, giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. /.

Phạm Hải