Ngọt ngào vùng bưởi Nam Phương Tiến

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 21:55, 15/01/2021

188ha bưởi, trong đó, khoảng 120ha đang cho thu hoạch; mỗi năm, thu nhập từ bưởi khoảng 40-50 tỷ đồng, xã Nam Phương Tiến của huyện Chương Mỹ - "vựa" bưởi mới của Hà Nội - đang vào mùa chín rộ, vừa kịp trưng Tết, đón xuân...
Ngọt ngào vùng bưởi Nam Phương Tiến
Bưởi Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vào mùa thu hoạch.

Nhờ chính sách chuyển đổi diện tích đất canh tác thiếu nước sang trồng cây ăn quả, người dân Nam Phương Tiến mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn thay thế. Không ngờ cây bưởi “tiến vua” vùng Canh - Diễn xưa kia, giờ đây “bén duyên” vùng đất bán sơn địa và trở thành sản phẩm OCOP  (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2020 của thành phố Hà Nội.

Với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, mấy năm gần đây, Nam Phương Tiến nổi lên như vùng trồng bưởi đặc sản của Hà Nội. Những trang trại bưởi trải dài dưới chân núi được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ và VietGAP nên nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tìm đến tận vườn để mua…

Ông Năm cho biết, đã có “thâm niên” 15 năm trồng bưởi, thu hoạch hơn 10 vụ, vườn bưởi của gia đình ông chưa bao giờ mất mùa. Trên một cây bưởi cũng có 3 loại quả, chất lượng khác nhau: Loại cành la, tức cành già phía dưới cho quả ngon nhất; loại cành trung; cành bổng chất lượng kém một chút. Ngoài ra, bưởi còn phụ thuộc hướng nắng. Chỉ nhìn tép là ông biết cây đó lâu năm hay mới trồng. Tép xếp thẳng là lâu năm, tép xếp thò thụt là cây còn non. Hiện ông đang thử nghiệm một số cách thức chăm sóc sao cho quả bưởi ngọt hơn.

Tương tự, anh Phùng Văn Hà, cũng là một trong những ông chủ trang trại bưởi lớn của Nam Phương Tiến, cho biết, năm 2006, khi huyện Chương Mỹ có chính sách chuyển đổi diện tích đất canh tác thiếu nước tưới sang trồng cây ăn quả, giai đoạn đầu, anh chỉ dám trồng 200m² với 20 cây bưởi Diễn. Dần dần, nhận thấy cây bưởi hợp chất đất vùng này, anh đã mạnh dạn đầu tư, nâng tổng diện tích lên 7ha như hiện nay…

Ngọt ngào vùng bưởi Nam Phương Tiến
Bưởi được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ và VietGAP nên nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tìm đến tận vườn để mua.

Đi giữa bạt ngàn những vườn bưởi chín vàng, thơm nức, sai lúc lỉu, ít ai ngờ hơn 20 năm trước, nơi đây hầu hết là đồi trọc. Đất không giữ được nước và dinh dưỡng nên cấy lúa, trồng màu cho hiệu quả rất thấp. Năm 2006, địa phương báo cáo tỉnh Hà Tây (cũ) cho chuyển đổi sang trồng cỏ, nuôi bò nhưng vẫn không hiệu quả nên đổi sang trồng bưởi. Cả huyện và ngành nông nghiệp khi đó tập trung giúp đỡ địa phương tìm hướng thoát nghèo. Cùng với việc lựa chọn cây trồng phù hợp, tập huấn cho nông dân là hàng loạt công trình giao thông nội đồng, thủy lợi từng bước hình thành.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, vùng bưởi Nam Phương Tiến được hình thành qua 2 giai đoạn: Từ năm 2006 đến 2010, toàn xã chỉ chuyển đổi được 50ha bưởi; từ năm 2010 đến 2016 là thời điểm phát triển mạnh với diện tích lớn, hơn 100ha. 

Không hài lòng với chất lượng trung bình, người trồng bưởi nơi đây luôn tìm cách làm ra những trái bưởi ngon nhất nhì Thủ đô, tương xứng quy mô diện tích. Nam Phương Tiến có 4 hợp tác xã thì có tới 3 hợp tác xã trồng bưởi, đó là: Hợp tác xã Nông nghiệp toàn xã, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ, Hợp tác xã bưởi Núi Bé. Năm 2020, trong 30 sản phẩm của huyện Chương Mỹ được đánh giá, phân hạng 3-4 sao thì bưởi của Nam Phương Tiến vinh dự đạt “4 sao” trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Như nhận xét của Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, để Nam Phương Tiến trở thành vùng bưởi tập trung lớn nhất nhì Thủ đô là hành trình nỗ lực của cả chính quyền và người dân địa phương. Ngành Nông nghiệp Hà Nội luôn sát cánh cùng các hợp tác xã trong áp dụng kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Từ khâu giám sát quá trình chăm sóc bưởi, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả, tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp đến hỗ trợ địa phương triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm... đều được ngành Nông nghiệp hỗ trợ tối đa với tinh thần “khó đâu gỡ đó”. Nhờ sự cần cù, nỗ lực trong sản xuất kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vùng bưởi Nam Phương Tiến đã có được kết quả đáng mừng…

NSHN