Chính sách & Quản lý

Kiểm tra, xử lý các vi phạm hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương

Hà Oai 15:44 14/07/2023

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương (TP Huế) để lấy lại hình ảnh sản phẩm du lịch đặc sắc của Cố đô Huế.

z4513175569599_540e5b06bb59e43fc6d391a6ee9d6c8f.jpg
Hội nghị phổ biến, quán triệt các nội dung về quản lý hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

Ngày 13/7, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt các nội dung về quản lý hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. Hội nghị có sự tham gia của những người làm công tác quản lý, đại diện các doanh nghiệp, các chủ thuyền đang tham gia phục vụ hoạt động Ca Huế trên sông Hương.

Ca Huế là loại hình nghệ thuật đặc thù của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm văn hóa không thể thiếu để phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi đến Huế và là hoạt động văn hóa sôi nổi về đêm của Huế. Đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên và người lao động, góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

“Nghe Ca Huế là một thú tao nhã vì không gian trình diễn là trên một con thuyền rồng to và dài, đầu rồng như muốn bay lên; sàn gỗ bào nhẵn, mui vòm trang trí lộng lẫy. Đêm xuống, màn sương dày lên. Trăng lên, gió mát. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông Hương gợn sóng. Con thuyền bồng bềnh”. Đó là một trong những đoạn trong bài viết “Ca Huế trên sông Hương” đăng trên báo Người Hà Nội của tác giả Hà Ánh Minh và được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7.

Theo ông Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay công tác bảo tồn giá trị di sản Ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có thể khẳng định là khá tốt thông qua các hoạt động nghiên cứu, xuất bản sách, thực hiện đề tài, dự án, đưa Ca Huế vào trường học... Tuy nhiên, việc tổ chức dịch vụ biểu diễn Ca Huế trên sông Hương phục vụ du lịch vẫn còn tồn tại một số vấn đề và hạn chế như một số chương trình Ca Huế chưa đảm bảo thời lượng, số lượng người tham gia biểu diễn, chương trình biểu diễn không đúng theo Văn bản chấp thuận đã được cấp, nội dung bị rút ngắn, lời ca bị cắt xén.

Ngoài ra, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, hạ giá xuất diễn, bớt thù lao của diễn viên và nhạc công dẫn đến chất lượng bị giảm sút. Còn tồn tại tình trạng các nghệ sĩ thiếu tôn trọng khách, phát ngôn phản cảm, nói chuyện, sử dụng điện thoại trong quá trình tham gia biểu diễn.

Bên cạnh đó, không gian trình diễn trang trí, bày biện hàng lưu niệm tại vị trí chưa được phù hợp...

z4515042774293_706ae8c15350d5c8cbe278bf0d9a1043-1-.jpg
Hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thiên Bình, thời gian tới sẽ tổ chức các đợt kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các chủ thuyền, các diễn viên và nhạc công không đảm bảo chất lượng tham gia biểu diễn. Từ đó lấy lại hình ảnh Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và là nền tảng đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Tổ Liên ngành kiểm tra hoạt động Ca Huế đã thực hiện 11 đợt kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất đối với hơn 380 suất diễn và thuyền tham gia hoạt động ca Huế trên sông Hương. Qua đó, đã lập biên bản vi phạm và tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm với số tiền hơn 58 triệu đồng.

Hà Oai