Lý luận - phê bình

Lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Cần sự thay đổi cả về “chất” và “lượng”

Thụy Phương 07:30 12/07/2023

Trong sự phát triển của văn học nghệ thuật (VHNT) không thể không nhắc tới lý luận phê bình (LLPB). Đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc đồng hành và thúc đẩy VHNT phát triển. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi LLPB VHNT cần có một sự chuyển động, thay đổi cả về “chất” và “lượng”.

Đồng hành cùng sáng tạo

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, VHNT là một tiến trình liên tục, song song với dòng chảy của đời sống. Những tác phẩm liên tiếp ra đời, bao gồm đủ mọi thể loại, thuộc mọi đề tài, mọi khuynh hướng và trở thành những tế bào của đời sống tinh thần xã hội. Phê bình VHNT với ưu thế áp sát, khả năng tiếp cận các hiện tượng văn nghệ, trở thành nhánh tư duy năng động nhất trong ý thức của một nền văn nghệ. Phê bình vừa thâm nhập, gắn kết với đời sống VHNT, vừa tạo ra một độ lùi, một giãn cách cần thiết để có được một tầm nhìn, một trường nghĩ nhằm phân tích và đánh giá về mỗi hiện tượng văn nghệ. Không chỉ đồng hành cùng sáng tạo, phê bình có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả; phát hiện các giá trị, các quy luật; dự báo các khuynh hướng phát triển của VHNT; tham gia điều chỉnh, định hướng sự vận động, phát triển của VHNT…

anh-1-trao-tang-giai-thuong.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng thưởng cho nhóm tác giả có tác phẩm được Tặng thưởng mức A tại lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT xuất bản năm 2021.

Đề cập tới vai trò của đội ngũ LLPB, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Đội ngũ LLPB đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn. Các nhà LLPB VHNT sẽ giúp cho các tác phẩm VHNT được đánh giá đúng chất lượng và ý nghĩa thực tiễn, từ đó giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về tinh thần, giá trị của những tác phẩm đó. Đồng thời, đội ngũ LLPB cũng sẽ phản ánh những khía cạnh xã hội, văn hóa, những vấn đề đang diễn ra trong xã hội, từ đó góp phần vào việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân”.

Đốt đuốc tìm không ra… nhà phê bình

Tuy đóng vai trò khá quan trong nhưng đội ngũ phê bình VHNT vẫn còn khan hiếm, thiếu vắng các tác phẩm phê bình VHNT tạo được ấn tượng đậm nét… Đó là thực trạng chung của LLPB VHNT hiện nay mà nhiều “người trong cuộc” đều băn khoăn, trăn trở.

Nhiều năm trước đây, ngoài lĩnh vực văn học, mỗi bộ môn nghệ thuật đều đã từng có một đội ngũ phê bình khá hùng hậu. Sân khấu có Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Hồ Thi, Tất Thắng, Đức Côn, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Trọng Thưởng…; Mỹ thuật có Nguyễn Quân, Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng…; Điện ảnh có Trần Luân Kim, Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Nam, Phạm Viết Đào…; Nhiếp ảnh có Vũ Huyến, Vũ Đức Tân… Ngoài ra, còn rất nhiều nhà báo chuyên nghiệp tham gia làm phê bình tay ngang. “Thế mà bây giờ! Đúng là đốt đuốc tìm không ra. Nhân tài vẫn mai danh ẩn tích?”, PGS. TS Phan Trọng Thưởng - nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đặt câu hỏi.

TS. Đỗ Anh Vũ minh chứng: “Năm 2022, có 12 tác phẩm của 11 tác giả được gửi về Hội đồng LLPB của Hội Nhà văn Việt Nam để tham gia xét giải thưởng thường niên. Trong 12 cuốn kể trên, chỉ có 1 cuốn duy nhất “Bày cuộc thơ” của Đinh Thanh Huyền được Hội đồng chuyên môn đề nghị gửi lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn để xét giải nhưng rồi cũng không đủ phiếu để nhận giải. Đội ngũ các cây bút trẻ làm phê bình văn học hiện nay, có thể thấy còn khá thưa thớt và mỏng, chưa có cây bút nào thuộc thế hệ 9x ra sách về lý luận phê bình”.

Nhìn từ lĩnh vực điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch VFDA, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng không khỏi trăn trở trước thực trạng LLPB điện ảnh gần như im hơi lặng tiếng, không đủ sức dẫn dắt dư luận, không có vai trò định hướng trước sự phát triển của thị trường điện ảnh. “Cơn sóng “phim thị trường” kéo theo xu hướng thương mại hóa điện ảnh, và phê bình điện ảnh cũng không thể giữ nhịp độ như trước đây. Số lượng đầu báo và tạp chí tăng lên chóng mặt, gấp hàng chục lần so với trước. Mục Điện ảnh được đưa trên nhiều trang báo, nhưng chủ yếu như một cái “mồi” để câu khách. Hiếm có những bài phê bình phim thực sự mà chủ yếu là khai thác chuyện hậu trường, chuyện đời tư, nếu có viết về phim thì thường là những bài giới thiệu qua loa và chủ yếu là lăng xê, quảng cáo”, TS. Ngô Phương Lan trăn trở.

Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cũng không khỏi đau đáu trước công thức chung trong phê bình âm nhạc hiện nay: khen là chính, còn chê là phụ, ít người đi sâu vào phân tích giai điệu, phối khí, cấu trúc tác phẩm, hoặc so sánh phát hiện ra những nét nhạc cũ, phong cách “bắt chước”… Đó là chưa nói tới lĩnh vực phê bình âm nhạc không lời còn phức tạp hơn nhiều. “Mảnh đất phê bình còn chờ các nhà lý luận chuyên nghiệp, nhưng họ đã không sẵn sàng, còn mải với những công trình luận án mang tầm vĩ mô, nghiên cứu sâu mà quên đi sự gắn mình với đời sống thực tế. Kết quả là đời sống âm nhạc của đất nước được phản ánh không toàn diện/ đầy đủ, thiên lệch, làm thị hiếu khán/ thính giả cũng mất chuẩn. Công chúng chỉ biết đến nhạc trẻ, nhạc Pop, tên các ngôi sao Diva, mà không hề biết tới những lĩnh vực khác của đời sống âm nhạc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Nguyên nhân cơ bản và sâu xa của những yếu kém trong hoạt động phê bình, theo các nhà chuyên môn, các văn nghệ sĩ là do từ sự yếu kém lạc hậu của hoạt động nghiên cứu lý luận VHNT; công tác đào tạo đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ chuyên nghiệp chưa được chú trọng; các cơ chế chính sách như: đào tạo, lương, bồi dưỡng, hỗ trợ, nhuận bút,… đối với văn nghệ sĩ nói chung và đối với phê bình VHNT nói riêng còn chưa tương xứng.

Phải gia tăng cả chất và lượng

Làm thế nào để thúc đẩy phê bình VHNT phát triển? Làm thế nào để đội ngũ người viết phê bình được gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng? Đó là những câu hỏi làm trăn trở tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của VHNT nước nhà.

Theo PGS. TS Đào Duy Quát, trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ LLPB cần có những định hướng và nội dung cần thiết để phát huy tiềm năng sáng tạo đáp ứng nhu cầu phát triển văn nghệ Việt Nam. Cụ thể, cần nâng cao trình độ chuyên môn về LLPB; khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ LLPB tham gia vào quá trình sáng tác; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, tổ chức chuyên môn liên quan đến LLPB VHNT; thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực LLPB VHNT.

“Muốn nâng cao chất lượng công tác LLPB thì LLPB phải được đầu tư đúng mức và phải thực sự coi LLPB là một nội dung quan trọng trong phát triển VHNT. LLPB phải luôn đi trước để soi sáng và chỉ đường cho công tác sáng tác, vì vậy người làm công tác LLPB phải là những người không chỉ am hiểu về lĩnh vực sáng tác mà còn phải có kiến thức sâu rộng, là người thấy trước vấn đề để dẫn dắt người sáng tác”, NSNA Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống nhấn mạnh.

Từ khoảng trống của LLPB VHNT, nhiều giải pháp cũng đã được các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn đặt ra như: đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo đội ngũ LLPB VHNT; tập trung xây dựng, nâng cấp các khoa, bộ môn LLPB VHNT trong các trường đại học; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, tổ chức chuyên môn liên quan đến LLPB VHNT; hỗ trợ cho đội ngũ LLPB tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu mới nhất trên thế giới; khuyến khích đội ngũ LLPB tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế.

Ngoài ra, cũng cần có chế độ nhuận bút hợp lý với các tác phẩm LLPB, có chế độ, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động LLPB VHNT; Đồng thời, cần tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tác phẩm VHNT và báo chí, từ quy trình sản xuất đến việc giới thiệu và quảng bá cho công chúng. Để làm điều này, Nhà nước phải có sự hỗ trợ, đầu tư về nguồn kinh phí cho Hội đồng Lý luận phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương và Hội đồng lý luận phê bình các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các hội chuyên ngành cần lập các dự án dài hơi…

Có thể nói để công tác LLPB VHNT ngày một phát triển một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng là vô cùng cần thiết bởi đây là nhân tố tác động nhiều mặt đến mảng sáng tác, sáng tạo và cả mảng tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm VHNT của công chúng./.

Thụy Phương