Đã yên ổn chưa, sau giờ thứ chín?...
Cuốn tiểu thuyết dày dặn, mới nhất của nhà văn Nguyễn Một, vừa ra đời năm 2023 sau những tác phẩm đã có tiếng vang khá lớn trong bạn đọc như “Đất trời vần vũ”, “Ngược mặt trời”… có một cái đề khá lạ, đầy tính ẩn dụ: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”. Thời khắc ấy nói lên điều gì ? Thì đây, tác giả đã “bật mí” ngay ở đoạn văn cuối cùng trong chương kết: “Đúng lúc ấy, tiếng chuông nhà thờ cổ vang lên… (Các nhân vật chính của tác giả bỗng dưng nhớ lại) giọng trầm buồn của vị cha xứ: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa…”.
Điềm không may trong số phận họ quả thực đã xảy ra, khi “màn trong đền thờ xé ra làm đôi, ngay chính giữa!”. Một tai họa lớn, một thảm kịch lớn, một điềm báo hiệu chia ly và tang tóc lớn đã “xé ra làm đôi” số phận của toàn thể các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, những chàng trai, cô gái ở một miền quê tươi đẹp đang bước vào tuổi học sinh trung học đầy khát vọng và mộng mơ. Tai họa lớn ấy, thảm kịch mang tính định mệnh ấy, chính là cuộc chiến tranh, cuộc chiến dữ dội, tàn khốc, từ những giờ khắc khi cả đất nước cũng đã từng bị “xé ra làm đôi”, để vùi dập và nhào nặn cả thế hệ họ trở thành những người khác, những gương mặt khác, rồi hậu quả là hình thành nên những số phận hoàn toàn khác. Một cuốn tiểu thuyết muốn phủ định một cách quyết liệt tấn thảm kịch không có gì bào chữa được cho nỗi đau tột cùng ấy của con người, cho sự giằng xé đến tột cùng mọi khía cạnh tâm lý đối cực của thời đại chúng ta. Và sau những mất mát, những tổn hại, thì người phải hứng chịu mọi sự trả giá không thể nào bù đắp được ấy, lại cũng chỉ là người dân bình thường, những người có danh mà giống như bị biến thành một đám đông vô danh, những người mà nói như nhà thơ Nguyễn Duy - dẫu ở trường hợp nào đi nữa, cũng vẫn là những người phải chịu nhận tất cả mọi thất bại, phải chịu thua thiệt đủ mọi bề!
Từ thân phận những cô cậu học sinh trung học ở một thị xã nhỏ Thủ Biên, mở rộng ra tới số phận của người thân, ông bà cha mẹ họ, mà đa phần là những người dân ở một xứ đạo, được đun đẩy di cư tới đó khai phá và lập nghiệp, tác giả Nguyễn Một đã tận dụng một bút pháp mang tính biểu tượng cao, để chúng ta có thể nhìn xuyên suốt số phận ngang trái của nhiều người khác, thậm chí số phận của cả miền Nam, điểm xuyết ra cả đất nước, trong cơn bão lớn của lịch sử không chừa ra bất cứ một ai và cũng không cho phép ai được đứng ra ngoài cuộc, dù muốn hay không muốn. Cơn bão ấy cuốn tất thảy mọi người vào, lại bắt buộc từng người phải tỏ thái độ, phải biểu lộ ra bản chất và xu thế của mình, phải trả lời “có” hay “không” trước mọi diễn biến quyết liệt của thời cuộc, mọi thứ cứ tuần tự, vần vũ xoay quanh bản thân từng người. Một hiện thực khắt khe, một hoàn cảnh thắt nút cho từng nhân vật bị rơi vào vòng xoáy của số phận nghiệt ngã, đôi khi thật sự tình cờ đến vô lý, nhưng không cách nào thoát ra nổi!
Cuốn sách là một “nốt trầm” bi thương của cả một giai đoạn lịch sử, “từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, nói khác đi, là từ sớm mai đền lúc gần đứng bóng, đến giữa ban trưa của mỗi cuộc đời. Kết thúc cuốn sách, trong chừng mực nào đó, cũng có thể coi là cái kết có hậu cho các nhân vật chính, dù nhân vật nào cũng phải chịu những thử thách nghiệt ngã không bao giờ nguôi ngoai, vì những vết sẹo mãi nhức nhối tới suốt cả phần đời còn lại. Có những tình tiết ngỡ như phi lý và tình cờ, lại có những kết cục tưởng như thế này nhưng lại hóa ra thế khác, gây nên những trải nghiệm thú vị bất ngờ, đáng để độc giả suy ngẫm. Đó cũng là nét đặc sắc trong bút pháp giàu biểu tượng của tác giả. Nhưng tất thảy chúng ta, vì tấm lòng nhân bản và hướng thiện, vẫn sẵn lòng tin theo tác giả, rằng tất cả vẫn nên diễn ra như nó cần phải có, đúng như cái mạch truyện mà hư ảo và hiện thực đan cài chặt chẽ vào nhau, chi tiết thực có lúc cứ như đùa, còn cái đùa ngẫu nhiên lại hóa thành thực, mà tất cả vẫn thuyết phục được người đọc, mà càng đọc càng hấp dẫn, đến mức không thể không bám riết theo từng số phận mỗi nhân vật mà ta yêu mến và quan tâm, để muốn được cùng thể nghiệm và chia sẻ với họ!
Chúng ta cũng không thể phân ra các tuyến nhân vật tích cực và tiêu cực trải qua cuộc chiến tranh một cách công thức, dù họ ở phía bên này hay phía bên kia, vì tất cả các nhân vật của tác giả đều rất “người”, đều có cá tính rõ nét, sống cuộc sống bằng xương bằng thịt của một con người bình thường, có cái đúng và cái sai, chỗ mạnh và chỗ yếu thể hiện trong từng hoàn cảnh, để những biểu hiện tích cực với những biểu hiện tiêu cực được bộc lộ tự nhiên trong đời thường, nhất là trong cuộc chiến - một bi kịch khổng lồ, phức tạp, mà ngày hôm nay tác giả muốn nhìn lại với một con mắt mới, một sự mổ xẻ mới, một thái độ nhân văn mới.
Điều tác giả quan tâm hơn nữa, là bất cứ cuộc chiến tranh nào, sớm muộn rồi cũng sẽ phải kết thúc, nhưng điều đau đớn hơn cả là giải quyết được tận gốc hậu quả của nó, mà tấn bi kịch ghê gớm nhất là lòng người ly tán sẽ không bao giờ trở lại nguyên lành như xưa, khi hậu quả của tấn bi kịch lớn lao ấy sẽ còn đeo đẳng mãi, trong trái tim và tâm thức mỗi người thời hậu chiến. Đấy mới là điều mà khi khi đọc hết trang cuối cùng, chúng ta vẫn còn khắc khoải như chính bản thân tác giả. Cũng như hôm nay, chúng ta hay nói, nên quên quá khứ đi để hòa hợp, nói chuyện tương lai, tuy nhiên, đấy chỉ mới là cách nói. Còn phải làm thế nào để khép lại quá khứ, thì đó vẫn là một vấn đề hết sức lớn, mà cuốn sách này cũng không thể một lúc tìm ra lời giải đáp, mặc dù các nhân vật của cuốn sách đã được tác giả xếp cho có một hậu vận kiểu “happy end”, tưởng chừng có thể đã khá ổn thỏa và có thể dễ bỏ qua những đau thương và mất mát cũ. Tuy nhiên, nếu xét trên bản chất sâu xa, thì “sau giờ thứ chín”, các nhân vật vẫn chưa có được một nội tâm yên ổn, cho dù cuộc đời đã tạm thời được đưa về bến đỗ, đơn cử như đã may mắn sống sót trở về như Tầm, đã tìm lại được hạnh phúc như Trang, đã bất ngờ phát hiện ra đứa con chung của Sơn với Diễm, đã cải tạo trở về và đoàn tụ gia đình theo diện H.O. như ông Duy… Nhưng sao chúng ta vẫn cảm thấy có chút gì đó đắng đót, hẫng hụt, “vui là vui gượng kẻo là…” thế thôi. Hậu quả của cuộc đổi đời sau chiến tranh chưa hề đáp ứng được những mơ ước cao xa thời trẻ của tất cả các cậu các cô học trò tỉnh lẻ tự thuở nào. Ấy là chưa kể mối quan hệ gia đình rất tốt đẹp giữa nhà ông bà Duy với ông bà Ruộng đã bị đổ vỡ mãi mãi, gia sản và sự nghiệp của mấy dòng họ tích lũy từ bao đời, thể hiện qua các nhân vật như ông bà Danh, ông bà Duy… cũng đã hoàn toàn tan nát. Có thể nói gì thêm sau những đổ vỡ, tan nát này? Trốn tránh đi sang Mỹ đã phải là cứu cánh duy nhất cho họ chưa? Tại sao không thể xây dựng lại tất cả ngay tại quê hương mình mà phải tìm lối thoát chỉ bằng cách đi ra nước ngoài sinh sống? Đây đã phải là giải pháp tối ưu cho cả một thế hệ hay không? Chính đó mới là câu hỏi không kém phần gay cấn và chua xót cho các nhân vật của nhà văn Nguyễn Một./.
Nhà văn Nguyễn Một sinh năm 1964 tại Quảng Nam. Ông từng là giáo viên và hiện là Giám đốc truyền thông Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco), hội viện Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Một đã có gần 20 đầu sách thuộc nhiều thể loại (truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết) trong đó "Đất trời vần vũ" đã giành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010; Truyện ngắn "Trước mặt là dòng sông" được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình ; Tiểu thuyết "Ngược mặt trời" và "Đất trời vần vũ" đã được dịch sang tiếng Anh và phát hành ở Mỹ.