Đình Thạch Cầu (quận Long Biên)
Đình Thạch Cầu nằm trên địa bàn thôn Thạch Cầu, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Tấm bia đá dựng trong quán thôn Thạch Cầu tạo năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) do Quận công Phạm Kiêm Ích soạn, ghi rõ: “Xưa kia sông Nghĩa Trụ chảy qua làng Cầu Bây. Năm đó có một bà Thái phi họ Trịnh bỏ tiền ra xây cây cầu đá bắc qua sông Nghĩa Trụ, cầu gồm 17 chân cột, nhân dân đi lại được thuận tiện. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng lập bia ghi công đức và đổi tên làng Cầu Bây thành làng Thạch Cầu”.
Theo truyền thuyết ở địa phương thì đình Thạch Cầu thờ Lã Lang Đường - một vị tướng tài ba đã giúp Ngô Quyền đánh dẹp ngoại xâm. Ngô Quyền mất, ông lại phò nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Sau khi ông mất, nhân dân thôn Thạch Cầu vô cùng thương tiếc và lập đình thờ ông làm thành hoàng làng.
Tuy nhiên, trong sách Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước của Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 1990, Nguyễn Thanh Việt dẫn truyện Độc Thị hay Nhị Đại vương, do quan Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) thì không thấy tên Lã Lang Đường, mà lại có tích truyện như sau: “... Lại nói Độc Thị hay Nhị Đại vương vốn người Quảng Năng Bắc quốc, cha họ Đỗ tên Thạc, mẹ Trần Thị Thọ, gia đình làm việc tốt... đến ngày 12 tháng 5 năm Mậu Tý sinh một cậu con trai đặt tên là Cảnh Thạc. Năm 26 tuổi, ông cùng bọn Nguyễn Thư Tiệp, Phạm Bạch Họ, Lý Khuê, Nguyễn Khoan, Kiều Công Hãn, Ngô Xương Xí, Lã Tá Đường tất cả 12 người đều tự xưng là 12 sứ quân cát cứ mỗi người một phương. Cảnh Thạc cũng tự xưng là một sứ quân, đi tới phía nam phò giúp Ngô Vương Quyền đến khi Ngô Vương qua đời, họ mỗi người một nẻo”.
Như vậy, trong thần tích Độc Thị hay Nhị Đại vương có nhắc đến Lã Tá Đường là một trong 12 sứ quân thời Đinh. Như vậy, có thể Lã Lang Đường là Lã Tá Đường được nhắc đến trong câu chuyện này. Việc thờ các sứ quân thời Đinh khá phổ biến vì khi xây dựng địa bàn cát cứ, các sứ quân rất chú ý chăm lo cho dân trong khu vực mình cai quản, từ việc mở mang làng xóm đến phát triển nông nghiệp. Do đó, việc làng Thạch Cầu thờ Lã Lang Đường (hay Lã Tá Đường) là điều dễ hiểu.
Đình Thạch Cầu toạ lạc trên một khu đất rộng cao ráo và thoáng đãng, ngay đầu làng, phía trước đình là một ao sen nhỏ, nay có dựng một cây cầu cong cong dẫn ra đài lục giác ở giữa ao. Hai bên cổng đình là cây đa và cây đề cổ thụ tạo nên vẻ đẹp thâm nghiêm cho cảnh quan di tích.
Ngoài những di vật cổ đặc trưng, đình Thạch Cầu còn có một bộ sưu tập phong phú về chất liệu và đa dạng về chủng loại như: cờ thần, bát bửu, 1 bia đá nhỏ (40 x 60cm) đã bị thời gian làm phai mờ chữ (không đọc được), 2 bức đại tự sơn son thếp vàng ghi dòng chữ: “Thánh cung vạn tuế” và “Thượng đẳng anh linh”. Đặc biệt đôi câu đối ở toà Đại đình ghi lại công ơn của vị tướng Lã Lang Đường giúp nhà Đinh dẹp loạn:
Dực bảo trung hưng thiên cổ tự,
Hoà đao mộc lạc trấn nam phương.
Tạm dịch:
Ghi nhớ công ơn người tướng xưa,
Dùng đạo gỗ trấn giặc phương nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Thạch Cầu là căn cứ của du kích, với nhiều chiến công chặn đánh địch ở đường 5, cắt đứt giao thông giữa sân bay Gia Lâm xuống Hải Phòng. Tại đây, trong trận càn năm 1947 giặc Pháp đã bị du kích địa phương đánh trả quyết liệt. Vì vậy, đình Thạch Cầu còn là một địa điểm ghi dấu những sự kiện cách mạng kháng chiến diễn ra ở địa phương.
Đình Thạch Cầu đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02