Kho tàng Văn học Việt Nam giữa lòng Thủ đô
Nằm trên mảnh đất trước kia là Trường viết văn Quảng Bá thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (ngõ 275 Âu Cơ, Hà Nội), Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam.
Bảo tàng Văn học Việt Nam trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 2011. Bảo tàng Văn học Việt Nam được xây dựng khá bề thế trên diện tích 3.600m2 (ngõ 275 Âu cơ, Hà Nội) với 3 tầng trưng bày chính nhằm cho công chúng cái nhìn khái quát nhất lịch sử văn học Việt Nam qua các thời kỳ và chân dung, tác phẩm của các nhà văn Việt Nam.
Đặt chân đến Bảo tàng Văn học Việt Nam, du khách sẽ cảm thấy thích thú bởi không gian bảo tàng rộng tới 3.600m2, trưng bày hơn 4000 hiện vật, tư liệu quý giá về lịch sử văn học Việt Nam.
Trong 3 tầng trưng bày của bảo tàng, tầng 1 là nơi ấn tượng nhất với các hiện vật, tư liệu văn học Việt Nam thời cổ, trung đại. Đập vào mắt du khách ở vị trí trung tâm gian trưng bày là một câu kinh điển trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” được khắc trên tường, phía trước là hòn đá hình ngòi bút mang từ Đền Hùng về.
Dạo một vòng quanh khu trưng bày tầng 1, du khách sẽ có được cái nhìn khái quát về 10 thế kỉ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19): lịch sử chữ viết của dân tộc trên các loại chất liệu: từ giấy dó, vải, kim loại, gỗ cây… không gian tái hiện cảnh sĩ tử lều chõng đi thi, cảnh trạng nguyên về làng vinh quy bái tổ…
Không chỉ trưng bày các hiện vật quý, bảo tàng còn bố trí hệ thống máy tính, màn hình cảm ứng tự động, giới thiệu về các hiện vật khi khách tham quan bước vào bảo tàng như những thước phim giới thiệu nền văn học từ thời xa xưa.
Bước lên tầng 2 của bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu về những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20: Phan Bội Châu, Tản Đà… và các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tế Hanh…
Tầng 3 của bảo tàng là nơi trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền bắc, miền nam. Đây cũng là nơi đặt bức tượng của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941), đại diện tiêu biểu của văn hóa Ấn Độ, được tôn vinh là một trong “Tam vị nhất thể” của Ấn Độ hiện đại, cùng với Mahatma Gandhi và Jawarharlal Nehru.
Trong tổng số gần 4000 tài liệu, hiện vật được sưu tầm và trưng bày tại bảo tàng có những hiện vật “độc nhất vô nhị”: chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết; bức tượng Vua Trần Nhân Tông khi ông vừa xuống tóc bắt đầu hành trình lên Yên Tử vào thế kỉ 13, bộ bàn ghế làm bằng gỗ gụ Bác Hồ từng tiếp vua Bảo Đại năm 1946…
Với không gian văn hóa đặc sắc, chứa đựng những tư liệu lịch sử quý giá, Bảo tàng Văn học Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn đối với những độc giả yêu văn thơ mà còn là điểm du lịch lý tưởng dành cho bất cứ du khách nào có dịp đến khám phá mảnh đất nghìn năm văn hiến./.