Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 04/07/2023 15:34

Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ nằm ở xã Minh Quang và xã Ba Vì trong quần thể núi Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội.

denthuong2.jpg
Di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ tại huyện Ba Vì.

Từ Hà Nội theo đường Láng - Hoà Lạc tới thị xã Sơn Tây, rẽ vào đường 87A (ở ngã ba Sơn Lộc đi Đá Chông) thì tới địa phận xã Tản Lĩnh, rẽ trái vào đường tỉnh lộ 12, ngược về phía đông nam là tới chân núi Ba Vì, di tích nằm ở sườn tây của núi Ba Vì.

Núi Ba Vì - Tản viên Sơn là ngọn núi cao nhất thuộc địa hình tỉnh Hà Tây (cũ). Tương truyền là nơi ngụ của vị thần núi Tản Viên Sơn Thánh - đệ nhất phúc thần, một trong “Tứ bất tử” trong tâm thức dân gian của người Việt.

Cụm di tích này có lịch sử xây dựng từ lâu đời, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, tuy không còn nguyên vẹn như ban đầu, nhưng đền vẫn còn giữ được những cốt cách, tinh hoa của một kiến trúc cổ truyền thống. Các đồ thờ tự được bài trí uy nghi, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, phản ánh trình độ tư duy và tài năng nghệ thuật của cha ông ta thế kỷ XVIII - XX.

Đền Thượng nằm trên đỉnh núi thuộc xã Ba Vì, trong quần thể vườn quốc gia Ba Vì, toạ lạc ở độ cao 1200m so với mặt nước biển. Từ cổng Tam quan, qua 424 bậc đá sẽ tới đền Thượng. Đền quay hướng nam, gồm ba gian hai chái, một nửa mái phía sau đền lấy vách đá làm mái. Kết cấu công trình bằng gạch, bê tông theo kiểu xà cột, vì kèo trông chắc khoẻ, vững chãi.

Đền Trung nằm trên độ cao 600m so với mặt nước biển, ở lưng chừng núi thuộc địa phận xã Minh Quang. Mặt bằng kiến trúc của đền hiện nay gồm: Tiền tế, Đại bái và Hậu cung, kết cấu kiểu chữ tam, phỏng theo quẻ Càn trong Kinh Dịch - biểu tượng cho sự bền vững. Ngoài ra, còn có một số công trình phụ trợ và gạch trang trí đất nung mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.

Đền Hạ nằm dưới chân núi thuộc xã Minh Quang. Trước đây, đền có quy mô kiến trúc đồ sộ gồm ba dãy nhà ngang, kết cấu kiểu chữ “tam”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đền bị tàn phá nặng nề chỉ còn hệ thống hàng chân cột. Năm 1993, đền được nhân dân xây dựng lại như ngày nay. Kiến trúc của đền hiện nay gồm: cổng Tam quan, Đại bái, Hậu cung, bên phải là gian thờ Bác Hồ, bên trái là ban thờ Mẫu. Cả ba ngôi đền đều có tên chữ là “Tản Viên linh từ.

Cụm di tích đền Thượng, đền Trung và đền Hạ đã được Tổng Công ty Vinaconex tài trợ trùng tu lại toàn bộ nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long (2010)

Căn cứ vào tư liệu Hán Nôm hiện lưu tại di tích và truyền thuyết dân gian địa phương, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thờ tam vị đại vương là Cao Sơn, Quý Minh và Tản Viên Sơn Thánh, cùng sinh dưới thời vua Hùng thứ XVII. Quê quán ở động Lăng Xương, huyện Thanh Nguyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hoá, xứ Sơn Tây (nay thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Thủa nhỏ, ba ông rất thông minh, dĩnh ngộ, khôi ngô tuấn tú và có hình dáng cao lớn lạ thường. Sau khi cha mẹ hai bên qua đời, Sơn Thánh được bà Man Thị thần nữ nhận làm con nuôi và đổi tên là Nguyễn Tùng. Lớn lên tài năng và đức độ hơn người của Sơn Thánh càng bộc lộ. Thần núi Sơn Tinh cảm động đã trao tặng Sơn Thánh cây gậy thiêng, bộ sách ước cùng lời niệm chú. Từ đó, Sơn Thánh đi chu du khắp thiên hạ, cứu sống được nhiều người, diệt trừ thú dữ. Nhân dân kính phục gọi là “Thần sư”. Và cũng nhờ có sách ước, Sơn Thánh đã có các sơn cầm thú lạ làm đồ sính lễ đến trước đón Mỵ Nương công chúa về núi Tản Viên. Thuỷ Tinh đến chậm, không đón được công chúa bèn nổi giận lôi đình, dâng nước tiến đánh Sơn Tinh. Nước dâng đến đâu, Sơn Tinh cùng dân làng gánh đá, chuyển đất, đắp núi cản đường và dùng nỏ tên bắn, gỗ đá lao xuống nước như mưa rơi, thác đổ. Quân Thuỷ Tinh tan tác, bỏ chạy. Từ đó, dân làng mới được yên ổn làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng cơ đồ như ngày nay.

Khi đất nước có giặc Thục sang xâm lăng, Sơn Thánh đã cùng Cao Sơn và Quý Minh giúp Hùng Duệ Vương đánh tan quân giặc, đem lại thái bình cho đất nước.

Uống nước nhớ nguồn, sau khi các vị ấy qua đời, nhân dân các vùng quanh chân núi Tản đều lập đình, đền, miếu thờ tự và suy tôn Tản Viên Sơn Thánh là Thành hoàng. Các triều đại sau đều gia phong mỹ tự cho các vị thần là: Cao Sơn đại vương thượng đẳng thần, Quý Minh đại vương thượng đẳng thần và Tản Viên Sơn quốc chúa kiên thượng đẳng thần, chuẩn cho nhân dân đời đời thờ tự. Chính điều này, đã trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng đất xứ Đoài. Từ buổi hồng hoang, vị thiên thần Tản Viên Sơn Thánh đã có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân Việt. Thần là người mở đầu quá trình đấu tranh bền bỉ, kiên cường để chinh phục tự nhiên và chiến thắng kẻ thù xâm lược của tổ tiên ta, dân tộc ta.

Lễ hội chính của cả ba đền được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 15 tháng giêng âm lịch (ngày hoá của đức thánh Tản). Trong các lễ vật thờ cúng, ngoài cỗ Sơn Trang (những sản vật của núi rừng như rau thơm, cua, ốc, tôm, cá nướng, cá luộc, thịt thú rừng khô), người Mường còn dâng lên Thành hoàng làng quả đu đủ xanh luộc chín, đĩa muối vừng và củ cọc rào - mong muốn đức thánh Tản bảo trợ cho gia đình an khang, thịnh vượng.

Cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2006./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)