Góc nhìn

Căn cước thị dân, căn cước thành phố

Nhà văn Trần Chiến 07:29 05/07/2023

Vài năm qua, chuyện làm căn cước công dân ở ta đang có nhiều thay đổi. Chỗ làm căn cước ở công an quận, có ông bẩy mươi cố thuyết phục “Tôi đẻ trong kháng chiến lấy đâu ra giấy khai sinh. Từ nhà ra ủy ban Hành kháng xã qua mấy quả núi mà các vị ấy cũng bận đánh nhau nữa chứ có phải ngồi trụ sở như giờ đâu. À, ông kia bằng trạc tôi nhưng có khai sinh vì đẻ trong thành, làm sao so được”. Bà khác chảy cả nước mắt: “Ông tôi đi khỏi làng ra Hà Nội, bố con tôi đều đẻ ở đây, tôi khai quê ở đấy là theo chứng minh

img-2856.jpg

Giờ các chị bảo huyện này không còn xã ấy, bắt về địa phương chứng nhận thì còn ai người ta biết mình mà làm cho”. Những dãi bày dần chuyển sang tức giận rồi chán nản buông trôi. Lại có người đề nghị cho đổi quê, ghi là “Hà Nội” nó sát thực hơn, nhưng việc này có vẻ càng khó, phải đến những địa chỉ khác chóng mặt hơn nhiều.

Những “sự” trên rất hay thấy ở chỗ làm giấy tờ căn bản – căn cước gắn chíp - cho công dân. Phía công an cũng công nhận tình trạng này là phổ biến, phức tạp, không dễ giải quyết. Mới đây lại xôn xao chuyện hộ chiếu mới của ta bị Đức từ chối vì không có “nơi sinh”. Nhưng thôi, xin không bàn về khía cạnh hành chính của các hiện tượng này, để chỉ nhìn vào sự biến động trong đời sống từng con người ảnh hưởng đến đô thị Thủ đô ra sao. Và chốn ở đã vài đời thì có đáng làm quê không, hay cứ nhất thiết phải “chân lội xuống bùn tay cấy mạ non”?

anh-ve-ha-noi.jpg

Mỗi địa phương đều có câu ca, thành ngữ gì đó nêu đặc điểm nổi bật, đọc lên biết ngay là mình. Hà Nội vẫn tự hào “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Học giả Đặng Thai Mai từng “chốt hạ” tính cách Nghệ “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan…”.

Những “tổng kết” dạng phôn-kờ-lo (folklore) thì vô số. Chúng có từ xưa đến rất xưa rồi, thực tế hôm nay đang cho thấy sự thay đổi ghê gớm. Ông mới nổi gọi nhau đi nhậu rất hay đèo câu quyến rũ “Có chai Mắc-ca-lần mười tám tuổi”, như là muốn ghi dấu ấn phong lưu. Bảo cách hành xử ấy không tiêu biểu cho người Hà Nội thường đủng đỉnh, ít phô trương có vẻ đúng.

Sáng ra hòa vào dòng người đi làm thì lại ngờ ngợ, sao mà vội vã, nhiều đanh đá, hung hãn quá. Căn cước thị dân hôm nay vô vàn cá tính, phong cách, chồng chất lên nhau thành nhù nhòa. Thế thì chân dung một đô thị không dễ định dạng là phải, dù cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã đúc kết nó thành “hội tụ, kết tinh, lan tỏa”, có vẻ tích cực toàn phần.

Hà Nội, giống mọi đô thị, luôn luôn tiếp nhận người từ các nơi đổ về. Thế kỷ trước có những làn sóng nhập cư hàng loạt. Cuối những năm bốn mươi dân tản cư trở lại, người quê chạy lửa đạn kéo lên, thị trưởng cho xây loạt chợ, nhà “tạm” trên nền những ngôi bị chiến sự phá hủy. Những cuộc di cư năm 1954 đã thành dấu mốc trong lịch sử. Những năm sáu mươi Việt kiều hồi hương, người đi kinh tế mới lại trở về “kéo theo hàng tổng”. Bây giờ, khi nông thôn không còn sở cậy mấy vào đất đai, cư dân thành phố dễ có khi xấp xỉ 15 triệu người. Cấu trúc dân cư xáo trộn không ngừng, càng nhà mặt phố, biệt thự càng đổi chủ nhanh. Đến nỗi có câu chuyện tiếu lâm rằng: “Quê mi ở mô?”. “Tau Hà Nội. Còn mi?”. “Tau cũng rứa”, chả biết có phải sáng tác của “dân gốc” hay không nữa.

Tôi không có quê hương

Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam Phủ Lý

Như Nam Định

Mấy câu này của một người rất nổi tiếng, nhà thơ Văn Cao trong Những người trên cửa biển (1956) viết về Hải Phòng, cũng có thể coi là “căn cước tập thể” của nhiều thị dân vùng đồng bằng sông Hồng. Đọc nó tự nhiên kéo về câu hỏi “rất triết học”: “Ta là ai, từ đâu đến?” nhưng theo kiểu phương Đông…

Theo Ngụy Văn Đế Tào Phi đời Tam Quốc, “Trưởng giả đời thứ ba biết dùng y phục, trưởng giả đời thứ năm biết ẩm thực”. Thời ông này Trung Hoa chia nhiều “nước” nhưng đã có những trung tâm lớn với các danh gia vọng tộc. Trưởng giả rõ ràng đã biết ăn no mặc đẹp, phải vài đời bước từ lều cỏ ra mới có phẩm chất này, và chịu li loạn chạy chiến cuộc ít thôi. Các vận động văn hóa thường diễn ra trong thời bình, đứt đoạn khi bom đạn hoặc thay đổi thể chế chính trị. Áo dài không ra đời lúc phụ nữ ưa trang phục công nông binh. Chả cá Lã Vọng, cao lâu Đông Hưng Viên, giò chả Ước Lễ không thành thương hiệu khi khách ăn chỉ cốt no.

Chiến tranh, đói nghèo làm đứt các tiến trình văn hóa đang chảy. Nhạc phòng trà, thơ lãng mạn tồn tại thế nào khi thời thế cần hành khúc, đòi hỏi công nông binh hóa. Ca khúc nổi tiếng “Quảng Bình quê ta ơi” của Hoàng Vân còn bị phê trữ tình quá, không hợp với thời chiến. Cho đến sau năm 1975, nhu cầu được tồn tại như một cá thể độc lập của con người ta trở lại, dần dần “sánh ngang”, hợp lý bên các đòi hỏi làm cán bộ, công dân, thành viên gia tộc, làng mạc. Sự giải phóng này đem lại sức sáng tạo, phát triển cho xã hội, lại đặt ra những khác biệt, phân liệt trong dư luận. Trong gia đình nền nếp xuất hiện “công dân quốc tế” có vài quốc tịch hoặc chịu ảnh hưởng vài nền văn hóa. Ngôn ngữ truyền thông tràn ngập lối diễn đạt “A. đẹp hơn nhiều so với phiên bản 4.0 của mình”, kiểu câu bị động “B. được yêu bởi C.”. Vô thiên lủng bảng hiệu “Thịt chó since 2003”, “Lòng lợn tiết canh hot line 09…”. Không ít người đã lo lắng làm sao để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Tương tự thế, khi tranh biện thế nào là văn hóa Hà Nội tiêu biểu, đã có ý kiến “không mấy phấn khởi”: “Đó phải là của thị dân!”. Tức là tính chất thành thị của Thủ đô còn nhàn nhạt?

Thị dân thường độc lập, coi trọng cá tính, sự tự do của mình hơn lối sống cộng đồng kiểu gia tộc gia trưởng, đồng hương đồng khói chứ. Nhưng như thế lại can tội thoát ly truyền thống, bản sắc. Mâu thuẫn thật!

Mặc lòng, đô thị vẫn chịu sức ép di dân khủng khiếp. Nhiều lý do vô cùng: nông dân không còn tha thiết với đất, nhịp sống làng ổn định, tiêu pha không nhiều nhưng chậm chạp, ít cơ hội đổi đời. Đi, và mang theo tâm lý nơi này chỉ là chốn sinh tồn, lũy tre kia mới là nơi để nhớ, kèm theo hẳn một “dòng” văn chương “Thương nhớ đồng quê”. Một người làm nên có bao nhiêu rễ bén theo. Lớp lớp những “giáp” hình thành: quỹ khuyến học, câu lạc bộ doanh nhân dòng họ, đồng hương trong đồng hương… Trong lòng Hà Nội có những khối người, mỗi anh mang đến tập tính riêng, đóng góp, gây ảnh hưởng của mình lên “đất mới”. Người Thái Bình chăm chỉ, khá chân phương. Nam Định khôn ngoan, làm kinh tế giỏi nhưng không phô trương mà kín đáo xây cơ nghiệp. Thanh Hóa dễ thích nghi nhưng chả thiếu tố chất thủ lĩnh; dù sao cũng “Quý hương”. Cũng không thể không kể đến dân tộc ít người vì họ về sống chả hề ít, từ lao động đơn giản đến làm dâu rể, có chức tước. Tày, Thái, Mường hòa nhập dễ, trong khi Mông không nhiều, vì gốc gác trên cao và tập tính độc lập, coi trọng sinh hoạt tộc họ chăng?

anh-giang-trinh.jpeg

Dễ nhận ra nhất là ảnh hưởng xứ Nghệ, chỉ chung Nghệ An - Hà Tĩnh, dù tính cách dân đôi nơi này không hẳn giống nhau. Thời chiến ghi nhận đóng góp, hy sinh to lớn của miền quê này, lính đánh nhau dũng cảm, “chì” có tiếng. Các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia hay ở nơi thật xa xôi, mộ chí quê Nghệ nhiều quá. Và từ lâu, họ đã ghi dấu ấn ở thượng tầng: giảng viên đại học, nghiên cứu viên các viện. Vươn ra ngoài biên giới, danh sách các “soái” gốc Nghệ cực đông. Nghĩa khí, bảo vệ nhau, họ nổi bật trong đám thị dân “gốc” hay kín đáo, co mình lại do bản tính hoặc lý lịch “dính” gì đó. Mạnh mẽ, ít ý nhị, họ được coi là dễ chung sống nhờ yêu ghét rõ ràng, hết mình. 

Mới đây có tin vui, dù còn ở dạng dự thảo: sẽ không còn mục “quê quán” trong căn cước công dân, thậm chí “nơi sinh” cũng chỉ là chỗ đăng ký khai. Sẽ ít đi những khốn khổ chả giải quyết nổi ở chốn khai báo sự tồn tại của một con người. Ranh giới “dân gốc” với “người từ quê ra” mỏng đi dù chỉ là trên giấy tờ, kéo theo một “chuẩn” khác về thị dân. Gương mặt thành phố sẽ “mở” ra, khó định dạng đơn giản. Dù thế nào, đây là sự biến động tất yếu của cơ cấu dân cư, như những dòng chảy tất yếu đã qua trong lịch sử./.

Nhà văn Trần Chiến