Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Kim Thoa 18:36 01/07/2023

Sáng 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.

ggg.jpg
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cố gắng phát huy, đóng góp nhiều cho Trung ương, trước hết là phát triển Thủ đô - Ảnh: daibieunhandan.vn

Cùng tham dự có, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội và đại biểu cử tri 3 quận.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và nhấn mạnh, các kỳ họp của Quốc hội ngày càng có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật; chất vấn và trả lời chất vấn.

Các cử tri đều chung nhận định: Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV đã thực hiện được nhiều nội dung quan trọng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề rất thiết thực với đời sống người dân và đã đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và có tính khả thi cao.

Cử tri cũng mong muốn Quốc hội tiếp tục tập trung thực hiện quyền giám sát tối cao vào những lĩnh vực còn ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân như giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và hiệu quả quản lý, kinh doanh của ngành Điện lực, ngành Dầu khí, ngành Than, khoáng sản, giám sát việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại các Tổng công ty, Tập đoàn, giám sát về lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh vàng, ngoại tệ. 

tbt-a2-1688193060346-16881999670241350842769.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri tại quận Hai Bà Trưng - Ảnh: daibieunhandan.vn

Đề cập đến việc cắt điện, một trong những điểm "nóng" nhất tại kỳ họp Quốc hội mà cử tri và người dân quan tâm, cử tri Nguyễn Đức Thuận (quận Đống Đa) đề nghị cần phải kiểm tra, xem xét vai trò độc quyền của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

"Vì sao điện gió, điện tái tạo của Việt Nam có mà phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào? Vì sao công ty con có nhiều tiền gửi ngân hàng, trong khi công ty mẹ thì thua lỗ, nợ nần?"- ông Thuận nêu ý kiến.

Cử tri Vũ Thị Thanh nêu ý kiến, từ tháng 5/2023, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng 3% giá điện, theo giải thích của đại diện EVN thì không ảnh hướng mấy, chỉ tăng khoảng 30.000đ tiền điện mỗi tháng. Nhưng thực tế không phải như vậy, nhìn chung đều chưa đồng tình về thời điểm tăng giá điện, bởi đúng vào mùa nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện của người dân cao, tiền điện cũng sẽ cao, nếu tăng giá điện nữa thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp mà lương thì chưa tăng.

Cử tri Vũ Thị Thanh cũng cho rằng, dư luận đặt câu hỏi: "Tại sao năm nào EVN cũng báo lỗ và tăng giá điện để bù lỗ? Cần xem lại hệ thống vận hành của EVN. Đề nghị EVN chọn thời điểm tăng giá điện khác để không gây bức xúc cho người dân và điều chỉnh các mức giá điện tiêu thụ hợp lý hơn".

Các cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Liên quan đến thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần theo hướng công bằng, minh bạch, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp; có quy định cụ thể giải quyết dứt điểm các dự án treo, dự án chậm, muộn, quy định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra vấn đề này.

Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn ý kiến của các cử tri nêu ra. Ông nhấn mạnh ý kiến của các cử tri ngắn gọn nhưng trúng, đúng vấn đề. Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian nhắc lại các chức năng, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Trong đó, 3 chức năng cơ bản là xây dựng luật pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những công việc này được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về mặt Nhà nước, theo Tổng Bí thư, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra Thủ tướng, phê chuẩn các thành viên Chính phủ, giám sát hoạt động của Chính phủ, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức như Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng..., đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng.

Ông cũng chỉ rõ việc Chính phủ là cơ quan thừa hành nên khi Quốc hội đã có quyết định thì Chính phủ và chính quyền các cấp phải thực hiện theo.

Nói về Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô chỉ có một. Hà Nội là Thủ đô-trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Người Hà Nội cần phải phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, hào hoa, thanh lịch, cùng những giá trị cao quý rất đáng tự hào được tôn vinh như “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cố gắng phát huy theo tinh thần đó, đóng góp nhiều cho Trung ương, trước hết là phát triển Thủ đô.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, “Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội” phải có văn hóa, trình độ, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, cái gì phải thì nhất quyết bảo vệ; cái gì không đúng phải phản đối, phê bình, nếu cần phải đấu tranh không nhân nhượng./.

Kim Thoa