Đôi điều về văn hóa báo chí hiện nay
Nhìn lại nền báo chí cách mạng nước ta, nếu tính từ mốc ra đời Báo Thanh niên (21/6/1925) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã có lịch sử gần 100 năm. Cho đến nay, cả nước có 868 cơ quan báo chí với hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ, đa dạng và phong phú về loại hình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ hóa và truyền thông đa phương tiện như hiện nay, văn hóa báo chí là câu chuyện chưa bao giờ cũ, cần liên tục được đặt ra, nhắc nhở và suy
Ngay từ thời đất nước còn kháng chiến, Bác Hồ đã có nhiều lời khuyên dạy sâu sắc đến những người làm báo, là kim chỉ nam lâu dài cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Trong khóa đào tạo các học viên lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác đã viết: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”. Trong bài phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác lại căn dặn: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Đất nước đã hòa bình thống nhất gần nửa thế kỷ, tình hình đời sống văn hóa xã hội đã có biết bao đổi thay, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí hiện nay là giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, nâng cao dân trí hàng ngày, xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”.
Đối với mỗi nhà báo, thiết nghĩ cần phải hướng đến những tôn chỉ hàng đầu sau đây.
Phẩm chất trung thực.
Không bao giờ được phép xuyên tạc, bóp méo thông tin, lái thông tin theo ý mình để trục lợi hoặc nhằm câu view rẻ tiền. Báo chí cần khách quan, công bằng, công tâm. Bất cứ một nền báo chí nhân văn nào cũng cần đứng về phía đạo đức, lẽ phải, đứng về phía nhân dân và bênh vực cho công lý. Tình hình đôi khi sẽ khó kiểm soát hơn ở các bài báo thuộc lĩnh vực giải trí. Trong nhiều trường hợp trên nền tảng điện tử, người viết đã cố tình dùng kỹ thuật “đánh tráo khái niệm” để “lừa” độc giả, nhằm thu hút sự chú ý và tò mò của độc giả tới sự “vô lí” trong tít báo đó, khiến độc giả không thể không kích chuột. Chẳng hạn với tít báo “Diễn viên Tự Long rải đinh trên đường cao tốc”, một tư duy logic thông thường sẽ nghĩ ngay đến chuyện đây là một sự tha hóa của Tự Long nhằm trục lợi một việc gì đó. Nhưng thực chất khi đọc vào bài báo độc giả mới té ngửa biết mình bị lừa, chẳng qua đó chỉ là một cảnh trong bộ phim sắp sửa công chiếu. Trong một trường hợp khác, người viết báo giật tít: “Bán trinh 16 tỉ đồng, thiếu nữ xây nhà cho người nghèo”. Khi mới đọc tít này, tư duy logic thông thường sẽ nghĩ đây là chuyện xảy ra ở Việt Nam vì 16 tỉ đồng là mệnh giá tiền tệ thuộc hệ thống lưu thông tiền tệ của Việt Nam. Nhưng khi đọc cụ thể vào bài báo mới phát hiện ra đây là chuyện xảy ra ở nước ngoài, con số 16 tỉ là do người đặt tít tự quy đổi từ USD sang Việt Nam đồng. Rõ ràng người giật tít đã đánh lừa độc giả bởi nếu giật tít “Bán trinh 780.000 USD, thiếu nữ xây nhà cho người nghèo” thì mức độ gây sốc, gây tò mò sẽ không thể bằng với việc diễn đạt theo cách “bán trinh 16 tỉ”.
Phẩm chất cẩn thận.
Mỗi bài báo trước khi đem in cần phải được đọc đi đọc lại để rà soát và kiểm tra từ hình thức đến nội dung, tránh những lỗi không đáng có. Một nhà báo tận tâm với nghề còn phải đau đáu xem cùng một nội dung/ đề tài như vậy nhưng nên triển khai thế nào, viết thế nào cho hay, từ mở bài phải làm sao gây được ấn tượng, cho đến kết bài phải làm sao tạo được dư âm. Mỗi bài báo khi được hoàn thành không chỉ là thứ để độc giả xem một lần rồi lãng quên mà còn phải hướng đến mục tiêu để độc giả tìm đọc lại. Khi ấy, mỗi tác phẩm báo chí sẽ chạm tới những phẩm chất của một tác phẩm văn học.
Phẩm chất trau dồi nghiệp vụ.
Mỗi nhà báo cần có chí tiến thủ vươn lên, không ngừng hoàn thiện các kỹ năng báo chí tổng hợp cùng khả năng ngoại ngữ. Như chúng ta đều biết, hiện nay, có 4 loại hình báo chí cùng hoạt động, đó là báo giấy, báo nói, báo hình và báo điện tử; trong đó các trang báo điện tử/ báo mạng chính là sự tích hợp các loại hình và cũng là xu hướng lớn nhất hiện nay: truyền thông đa phương tiện. Mỗi loại hình báo chí có những điểm mạnh và sở trường riêng của mình. Người làm báo khi tham gia vào từng loại hình hoặc tham gia một cách tổng thể/ phối hợp cần có đủ sự tinh tế để nhận biết các đặc trưng của mỗi loại hình báo chí. Chẳng hạn đối với báo nói (các đài phát thanh), người làm báo cần chú ý tới kỹ năng phát âm chuẩn xác, tốc độ đọc/ nói hợp lý. Đối với báo hình, người làm báo cần chú ý tới cả các yếu tố hình thức như trang phục, hành động, tác phong cử chỉ, tư thế rồi các tương tác với khách mời.
Nền báo chí cách mạng mãi mãi là nền báo chí bảo vệ cho lợi ích của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Xin được dùng lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng để khép lại bài viết này: “Các nhà báo phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước để đối mới, tấn công và vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.