Lý luận - phê bình

Tiếng lòng vô tận từ một bài thơ

Lời bình của Hoài Phương

Trong mọi hoàn cảnh, thơ luôn là tiếng nói/ tiếng lòng chứa đựng nhiều cảm xúc cũng như những ngẫm ngợi sâu xa. Bài thơ “Nhớ" của tác giả Phạm Quốc Khánh mang đến sự da diết, sâu sắc của tình bạn, tình đồng đội và suy tư về những năm tháng đáng nhớ của cuộc đời. Với sự lắng đọng, hàm súc, mỗi câu thơ vừa như nén chặt, vừa như bung trổ những tâm tư, tình cảm của người viết.

Đài tháp cao đẫm lệ
Nén hương cháy ngậm ngùi
Đón bạn về đất mẹ
Ngổn ngang buồn lấn vui

Sách đèn bao khuya sớm
Một tiếng gà thức chung
Sẻ chia từng miếng sắn
Khi gạo chạm đáy thùng

Cành củi đun vội vã
Bữa sậm sựt mấy hồi
Cùng nhau qua bao lớp
Cuộc chiến đành chia phôi

“Thêm một giọt mồ hôi
Bớt đi nhiều giọt máu”
Thao trường nắng tháng sáu
Bạc trắng áo bạn tôi

Chiến trường đi từ đấy
Tin tử trận rụng rời
Tận miền Đông xa tít
Hồi hương chiều mưa rơi

Lại thêm lần tháng bảy
Hương khói bay bồi hồi
Ôm bạn trong cờ đỏ
Như ôm đêm lạnh trời

Những buổi mưa tầm tã
Hai đứa chung áo tơi
Xiết vòng ôm lần cuối
Một tiếng lòng vỡ đôi.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1010 (đầu tháng 4/2023)

Đất nước đã được giải phóng, nhưng những mất mát, những khuyết hao do chiến tranh để lại thì dường như không thể lấp đầy. Trong không khí kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước, trong lòng chúng ta luôn có những khoảng lặng để nhớ về, để biết ơn những người có công với nước, những người đã hi sinh cho hòa bình, độc lập của dân tộc. Với tác giả Phạm Quốc Khánh, đây cũng là những ngày khiến ông nhớ nhiều hơn về người bạn thân thiết từng có cả một thời niên thiếu bên nhau. Những câu thơ mở đầu của bài thơ “Nhớ” mở ra một bối cảnh với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen: “Đài tháp cao đẫm lệ/ Nén hương cháy ngậm ngùi/ Đón bạn về đất mẹ/ Ngổn ngang buồn lấn vui”. Đó là khoảnh khắc tác giả cùng với gia đình, quê hương đón hài cốt liệt sĩ - người bạn thân của tác giả trở về đất mẹ sau nhiều năm xa cách.

Không cầu kỳ câu chữ, Phạm Quốc Khánh gây ấn tượng bởi sự dung dị, chân thành, tự nhiên trong từng câu thơ. Điều đó như thêm khẳng định, với thơ, cảm xúc vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất, bởi chỉ khi viết bằng cảm xúc thì người viết mới chạm đến được cảm xúc của người đọc. Câu thơ “Nén hương cháy ngậm ngùi” đủ nói lên được không khí tiếc thương, nhung nhớ, thương xót âm thầm của người ở lại dành cho người đã khuất. Phạm Quốc Khánh đã rất tinh tế trong cách dùng chữ. Liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh, nghĩa là nỗi đau này không còn mới, cho dẫu mất mát là không thể bù đắp nhưng dường như nỗi đau này đã ăn sâu vào tâm can mỗi người. Nay đón được liệt sĩ trở về quê hương, nỗi đau ấy như trỗi dậy trong mỗi người nhưng chính trong lòng mỗi người lại có những kìm nén nhất định, vậy nên chữ “ngậm ngùi” được sử dụng trong hoàn cảnh này rất gợi, rất đắt và nói lên được nhiều điều. Câu thơ “Ngổn ngang buồn lấn vui” cũng cho thấy được tâm trạng của tác giả giữa nỗi buồn vì bạn không còn nữa, niềm vui vì bạn đã được trở về. Niềm vui ở đây cần được đặt trong bối cảnh, đất nước ta còn có biết bao nhiêu liệt sĩ chưa thể trở về được quê hương…

Chiến tranh người lính không còn là đề tài mới trong thơ ca Việt Nam nên việc viết về đề tài này như thế nào cũng là thách thức với người cầm bút. Phạm Quốc Khánh, bằng câu chuyện thật, cảm xúc thật của mình đã kể cho bạn đọc một câu chuyện bằng thơ hết sức giản dị, xúc động và đầy chất thơ. Sự “trở về” của người bạn gợi tác giả nhớ về bao nhiêu kỷ niệm thuở học trò bên nhau, những khi sách đèn khuya sớm, những khi đói ăn sẻ san… Những kỷ niệm ấy được biểu đạt bằng những câu thơ giàu hình ảnh: “Sách đèn bao khuya sớm/ Một tiếng gà thức chung/ Sẻ chia từng miếng sắn/ Khi gạo chạm đáy thùng”. Thơ hay là khi người viết kể câu chuyện của riêng mình mà người đọc cảm thấy mình trong đó. Với những câu thơ này dường như Phạm Quốc Khánh đã chạm đến nỗi niềm của một thế hệ mà dẫu sự thiếu thốn vây quanh họ mỗi ngày nhưng niềm tin, tình yêu, lý tưởng vẫn luôn ngời lên, vượt qua tất cả. Đó cũng là câu chuyện của thế hệ những chàng trai vừa mới lớn lên đã phải rời ghế nhà trường, cầm súng lên đường chiến đấu: “Cuộc chiến đành chia phôi”…

Thơ ca tiếp cận thế giới nội tâm con người ở cách mà các hình thức nghệ thuật khác khó diễn tả. Thơ nói được những điều gần gũi với con người nhất. Chẳng hạn, chiến tranh luôn có nhiều cách nhìn, nhưng thơ là một cách nhìn trực diện và chân thực nhất: “Chiến trường đi từ đấy/ Tin tử trận rụng rời/ Tận miền Đông xa tít/ Hồi hương chiều mưa rơi”. Những câu thơ như lời tự sự, giãi bày, ai cũng có thể đọc, ai cũng có thể nghe, và ai cũng có thể hiểu và chia sẻ… Không cao siêu nhưng đầy sức nặng, đó là thế mạnh của thơ Phạm Quốc Khánh.

Thơ ca giống như một dạng cảm xúc có tiết chế và nguyên tắc. Phạm Quốc Khánh đã đi theo hướng này để duy trì bài thơ và đẩy nhịp thơ lên cao: “Hương khói bay bồi hồi/ Ôm bạn trong cờ đỏ/ Như ôm đêm lạnh trời”. Sau “nén hương cháy ngậm ngùi” thì đến “hương khói bay bồi hồi”. Với những câu thơ đầy cảm giác như thế, tác giả đã cho ta thấy một tâm hồn nhạy cảm, một khả năng biểu đạt ngôn ngữ tinh tế, cô đọng. Ở mỗi thời điểm khác nhau, cách diễn tả hình ảnh “hương khói” lại mang những trạng thái khác nhau, điều đó làm tăng sức gợi, tính liên tưởng cho bài thơ.

Khi đọc thơ là khi chúng ta dấn sâu vào thế giới nội tâm của người viết. Ở đó, ta ít nhiều thấy được diện mạo tâm hồn của chính tác giả. Từ bài thơ “Nhớ”, trong sự đan xen giữa hiện tại và ký ức, tác giả Phạm Quốc Khánh đã làm được điều mà không nhiều người viết làm được, đó là gọi tên được nỗi lòng mình trong thơ: “Những buổi mưa tầm tã/ Hai đứa chung áo tơi/ Xiết vòng ôm lần cuối/ Một tiếng lòng vỡ đôi”. Trong khoảnh khắc cuối cùng ôm bạn để tiễn bạn về đất, những giọt mưa, dù là mưa của thực tại hay mưa của tưởng tượng cũng đủ gợi về kỷ niệm cùng bạn che chung tấm áo mưa ngày xưa. Cảm xúc kìm nén đã oà vỡ ở câu thơ cuối.

Những ký ức nhỏ khi được viết vào thơ sẽ nói được những điều lớn lao, những khoảnh khắc bé nhỏ khi vào thơ sẽ trở nên bất tử. “Nhớ” của Phạm Quốc Khánh là một bài thơ nhỏ nhưng những điều mà chúng ta chạm tới và vỡ ra khi đọc sẽ là vô cùng…/.

Lời bình của Hoài Phương