Hà Nội xưa - nay

Nguyễn Tư Giản - Một tình yêu Hà Nội

Ngô Vĩnh Bình 09:29 08/06/2023

Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890) vốn tên là Văn Phú, tự Tuân Thúc, bút hiệu Thạch Nông, Vân Lộc là người làng Du Nội (xưa thuộc phủ Từ Sơn, nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ông là cháu nội của Nguyễn Án – một bậc danh nho, dòng dõi họ Nguyễn làng Vân Điềm nổi tiếng có nhiều ông Nghè, ông Cống bậc nhất ở xứ Đông Ngàn xưa; đồng tác giả cuốn “Thương tang ngẫu lục” viết về lịch sử, danh thắng, phong tục của đất Thăng Long – Hà Nội cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn (viết chung với Phạm Đình Hổ).

chan-dung-hoang-giap-nguyen-tu-gian.png
Chân dung danh nhân Nguyễn Tư Giản

Nguyễn Tư Giản đỗ đạt sớm (năm 22 tuổi đỗ Hoàng Giáp), làm quan to (Thượng thư bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần thời vua Tự Đức), từng đi đây đi đó (đi sứ nhà Thanh, tham biện Hải An…) và “giữ việc quốc gia một thời gian khá lâu”, văn tài “ít có người bằng” như Tự Đức đã có lần hạ dụ. Nhưng đi đâu, ở đâu tấm lòng cụ vẫn hướng về quê hương, về làng Du Nội bên sông Thiên Đức (sông Đuống) tươi đẹp bình yên. Ông tha thiết với quê nhà đến nỗi nhiều đêm trong lầu son gác tía giữa kinh thành Huế mà không sao chợp được mắt, bởi nơi quê nhà nạn lụt đương hoành hành, muôn dân đương đói rét.

Chuyện xưa kể rằng, tháng Tư, năm Tự Đức thứ 10 (1857) cụ xin phép nhà vua về quê thăm mộ ông bà, cha mẹ. Trở lại quê nhà sau nhiều năm xa, thấy nước sông Nhị Hà, Thiên Đức dựng lưng trời, dân quê bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng bỏ vườn ly tán nơi nơi cụ lại càng thấy thương dân, thương quê. Với niềm đau đáu, cụ đã dâng một tờ sớ đầy thống thiết tâu với nhà vua về tình cảnh dân chúng ngoài Bắc mùa mưa lụt; đồng thời kèm theo 10 điều về việc trị thủy, đắp đê phòng lụt. Bản điều trần (Điều trần trị hà sự nghị) đầy công phu, tâm huyết ấy của cụ đã thuyết phục được vua Tự Đức cùng các quần thần, và nhiều điều trong đó đến nay đã hơn 150 năm trôi qua vẫn còn nguyên giá trị. Ví như: đắp đê dọc biển, nạo vét cửa bể, khơi thông dòng chảy, trả công hậu hĩnh cho những người tham gia đắp đê, quyên góp cho việc hộ đê, đặt phu trông coi đê… Nhờ có những giải pháp trị thủy mang tên nhà thơ, mang tên ông quan Hiệp lý đê chính sự vụ Nguyễn Tư Giản ấy mà đến nay Hà Nội mới có “những con đê thành lối xe” vơi đầy kỷ niệm của người Hà Nội, mới có “con đường gốm sứ” mang nét vẻ rất riêng của Thăng Long – Hà Nội, mới có ý tưởng thành phố sông Hồng nặng ước mơ…

Sinh ở ngoại ô, nhưng 11 tuổi Nguyễn Tư Giản đã ra ở với ông ngoại - một vị quan về hưu và theo học cụ nghè Vũ Tông Phan ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên. Nhà ông ngoại cụ ở phía Bắc thành, gần chùa Phổ Quang, sau ra ở riêng tại phố Hàng Bồ… Dẫu phải đi xa nhiều năm, dẫu phải sống tận trời Nam xa ngái (Bắc tử nam kiều thiên lý tâm), cụ vẫn “nghìn dặm trông về Bắc”, và những kỷ niệm về Hà Nội luôn có mặt nơi trang sách của cụ.

Trong 12 tập thơ, 8 tập văn cùng rất nhiều liễn đối của Thạch Nông tiên sinh có rất nhiều bài, nhiều trang đoạn da diết thể hiện tình cảm của cụ đối với đất kinh kỳ, trong đó có những bài thơ mà mỗi khi nói về Hà Nội, về Kẻ Chợ không thể không nhắc tới. Mười năm về lại đất Thăng Long trong bài “Xuân mới đi chơi phố” cụ viết: Thập niên bất kiến cựu kinh hoa/ Xuất quách tiêu điều lão phố gia/ Bắc quyết tiểu sơn trầm tử khí/ Tây hồ xuân thủy trướng hồng sa/ Lưỡng đô cố sự Đường Thiên bảo/ Ngũ đại lưu phong Tấn Vĩnh hòa/ Trù trướng cổ kim nhân vật cảm/ Duyên đê phương cảm tịch dương tà (Mười năm trở lại kinh hoa/ Ra thành cảnh cũ vườn ta tiêu điều/ Khán Sơn màu tía phủ đều/ Tây Hồ nước lớn dâng theo cát hồng/ Hai kinh chuyện cũ Huyền Tông/ Năm đời chung một lưu phong Vĩnh hòa/ Cảm thương nhân vật đã qua/ Ven đê cỏ mọc, ánh tà tà dương).

2.-cau-dong-tru.jpg
Cầu mới Đông Trù đường sang quê Nguyễn Tư Giản.

Không chỉ là hoài niệm, nhớ thương, thơ Thạch Nông còn không giấu nổi niềm tự hào về Hà Nội, về người Hà Nội. Hà Nội có “Ngã gia Nhị Hà bắc lưu xứ” (Nhà tôi ở bắc Nhị Hà), có “nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”, có tiếng gà Thọ Xương, chùa Phổ Quang, trường học của ông nghè Tự Tháp… và miếu Trung Liệt thờ các bậc trung liệt đã tuẫn tiết vì sự trường tồn của Hà Nội như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu…: Tam nhân hạo nhiên khí/ Địa dị các thánh nhân/ Nhĩ thủy vô hàng tướng/ Nùng Sơn hữu vĩ nhân/ Di dân do thế lệ/ Vãng sự tích toan tân/ Y tịch huyền ca địa/ Trương chiêm miếu mạo tân (Ba bậc người giỏi có khí hạo nhiên/ Mỗi người một địa vị đều liều mình vì nghĩa/ Sông Nhị không có hàng tướng/ Núi Nùng có nhiều vĩ nhân/ Dân mãi về sau còn rơi lệ/ Việc đã qua thêm chua cay/ Chốn này xưa là nơi nhà học/ Nay thấy ngôi miếu mới dựng lên (Theo Thơ Hà Nội tinh tuyển, Đỗ Trung Lai biên soạn - 2008)…

Nguyễn Tư Giản thuộc lớp nhà nho đã đặt nền, đổ móng cho những tính cách tiêu biểu của người Hà Nội hôm nay. Ấy là đức tính hiếu đễ (yêu quê hương, tự hào vì là người Hà Nội, thương cha mẹ, giữ đạo Thanh bạch nho phong); hiếu học, vượt khó vươn lên (5 tuổi, mồ côi mẹ, 11 tuổi mồ côi cha thế mà 22 tuổi đỗ đại khoa); đền ơn, đáp nghĩa những người vì dân vì nước, vì Hà Nội (quý trọng thầy học, biết ơn các bậc trung liệt), đề cao tinh thần thống nhất non sông, Hà Nội vì cả nước, cả nước với Hà Nội (trong bài thơ tiễn bạn là Nguyễn Thông về Nam – nơi đang còn bị quân Pháp đô hộ, cụ ước: Bao giờ Bến Nghé lại trong/ Cho dòng sông Nhị vang lừng khải ca, và cụ hứa với bạn: Xa nhau cùng gắng lên thôi/ Lên lầu trăm thước mà coi nước nhà/ Đừng cho Hà bá cười ta/ Non sông thế ấy vậy mà gào suông (Bản dịch của Bảo Định Giang).

Với tình yêu và những đóng góp thiết thực với lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, Nguyễn Tư Giản xứng đáng được vinh danh, được đặt tên cho một con phố, một con đường. Đó là phố Nguyễn Tư Giản, dài 300m, rộng 7m bắt đầu từ phố Bảo Linh (số nhà 75) đến ngõ 3 Phúc Tân (số 36) chỗ Trường Mầm non Tuổi Hoa, chạy cạnh bờ hữu sông Hồng, ngoài bãi Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm./.

Ngô Vĩnh Bình