36 phố phường

Chuyện ít ai biết về cây đại phong cầm nặng 9 tấn tại Nhà thờ lớn Hà Nội

Ngân Hà (t/h) 08:02 06/06/2023

Cây đại phong cầm (pipe organ) nặng 9 tấn, cao 7m, rộng 6,5m, dày 4m được sản xuất bởi một công ty của Bỉ, vừa từ Nhật Bản chuyển tới Việt Nam khiến biết bao người trầm trồ.

Nhờ sự kết nối của những người yêu Việt Nam, yêu Hà Nội, mà cây đại phong cầm này đã rời bến từ tỉnh Itami Nhật Bản để cập bến tại Thủ đô Hà Nội. 

Cây đại quản cầm này được sản xuất năm 1993, tại Trung tâm Sun City Hall, thành phố Itami, tỉnh Hyogo (Nhật Bản), dành cho người cao tuổi. Cây đàn là kết quả cuộc giao lưu văn hóa giữa 2 thành phố Itami (Nhật Bản) và Hansen (Bỉ).

Cây đàn được chế tác bởi bàn tay nghệ nhân sản xuất nhạc cụ người Bỉ - Guido Schumacher, với 1.696 ống. Cây đàn có chiều cao 7m, rộng 6,5m, dày 4m và nặng 9 tấn. Chất liệu từng bộ phận của cây đàn được lựa chọn cho phù hợp với khí hậu ở Itami nói riêng cũng như khu vực châu Á nói chung. Cây đàn được thành phố Itami mua lúc bấy giờ với giá 70 triệu Yên tương đương khoảng 17 tỷ đồng Việt Nam.

Theo linh mục An tôn Nguyễn Văn Thắng, Chính xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội, cây đại quản cầm này đã trải qua trận động đất Kobe vào năm 1995 nên đã bị hư hại nhiều. Hội người cao tuổi thành phố Itami cũng có ý định trùng tu lại cây đàn. Năm 2018, một công ty tại Nhật đã sửa chữa lại những phần bị hư hỏng, nhưng âm thanh của cây đàn không còn chuẩn như đánh giá của công ty sản xuất ra nó (Công ty Schumacher). Sau đó, hãng Schumacher có đề nghị việc phục dựng lại cây đàn.

Tuy nhiên để phục dựng lại cây đại quản cầm này phải chi phí khoảng 250.000 Euro nên Hội người cao tuổi ở thành phố Itami không đáp ứng được. Theo thời gian, chi phí bảo trì và sửa chữa cây đàn này quá cao, vượt ngân sách dành cho các chương trình phúc lợi của người cao tuổi. 

Chính vì thế, toà thị chính thành phố Itami có ý định thanh lý và muốn tặng cây đàn cho một nhà thờ Công giáo. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thờ Công giáo ở Nhật đều nhỏ và thấp nên không tương xứng với cây đàn này. 

dai-phong-cam-duc.jpg

Tình cờ, ông Chikara Maruyama (75 tuổi), chuyên gia sửa đàn Piano biết được câu chuyện này đã liên hệ với thành phố đề nghị giúp đỡ. Ông gửi email cho 100 cơ sở, trong đó có các nhà thờ nhưng vẫn không nhận được câu trả lời mong muốn. Không nản chí, Maruyama sử dụng Google Maps để tìm những nhà thờ có kiến trúc phù hợp với loại đàn này trên khắp thế giới và ông tìm thấy điều mình muốn ở Việt Nam, nơi có những nhà thờ Công giáo được xây dựng theo kiến trúc Gothic.

Biết được thông tin này, linh mục Phê rô Phạm Hoàng Trinh đang mục vụ tại Oita (Nhật Bản) đã đề nghị tặng cho một nhà thờ tại Việt Nam. Linh mục Phê rô chia sẻ, đây là duyên, tình cờ khi đi dâng lễ cho các em người Việt Nam tại Giáo xứ Tetorit ở thành phố Sumato (Nhật Bản) và tình cờ gặp Chikara Maruyama chuyên gia sửa đàn Piano. Ông có nói chuyện với tôi về thành phố Itami có cây đại phong cầm Pipe Piano vì nhiều lý do không dùng nữa đồng thời hỏi bên Việt Nam có nhà thờ nào muốn nhận cây đàn này về sử dụng?

Ông cũng cho tôi website về thành phố. Và tôi về mở ra và thấy đó là 1 cây đàn thật tuyệt vời, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. “Sau đó, tôi xem và chụp lại cây đàn đăng trên Facebook được 7 nhà thờ chính tòa, 3 dòng tu quan tâm. Sau khi suy xét, Nhà thờ Chính tòa Hà Nội mang kiến trúc Gothic, ở Thủ đô là trung tâm văn hóa, tôn giáo, nên Tòa thị chính Itami đã quyết định tặng cây đàn cho nhà thờ này”, linh mục Phê rô nói.

Sau đó, linh mục An tôn và Phê rô cùng tìm công ty sản xuất cây đàn nhờ họ giúp đỡ việc tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt. Sau nhiều nỗ lực, hai linh mục đã liên lạc được với Công ty Schumacher, hãng sản xuất ra cây đàn này. Ông Giám đốc Schumacher đã tỏ ra vui mừng, sẵn sàng cộng tác tháo dỡ cây đàn từ Itami đưa về lắp đặt tại thủ đô Hà Nội.

dai-phong-cam.jpg

Tất cả các linh, phụ kiện của cây đàn đều được tháo dỡ cẩn trọng, xếp vào các thùng gỗ đóng lại đưa lên container rồi chuyển về Việt Nam. Cây đàn cập cảng Hải Phòng và làm thủ tục thông quan ngày 19/7/2022. Tối 21/7, chiếc container chở cây đại phong cầm về tới Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Khi cây đàn chuyển về tới Nhà thờ Lớn Hà Nội, hãng Schumacher đã làm sạch toàn bộ bề mặt và làm mới 300 chiếc ống. Chi phí tháo gỡ, trùng tu đều do Nhà thờ Chính tòa Hà Nội chi trả với khoảng 200.000 Euro./.

Ngân Hà (t/h)