Tác giả - tác phẩm

Góp thêm những trang viết đậm tình yêu Hà Nội

Tịnh An 07:00 05/06/2023

Phố Hàng Bột có lịch sử như thế nào; vì sao người Hà Nội, nhất là người từng sống ở đó lại nhớ thương nhiều đến thế? Cuốn sách “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” của tác giả Hồ Công Thiết chính là lời đáp cho những băn khoăn ấy. Ấn phẩm do Chibooks và NXB Lao động ấn hành năm 2023.

Hàng Bột (từ năm 1988 đổi tên thành phố Tôn Đức Thắng) vốn là đất thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Hàng Bột là tên thôn hay còn gọi là Miến Thôn, xưa nơi đây có nghề làm bột, bán khắp kinh thành… Tuy là con phố có từ khi mới lập Thăng Long thành nhưng phố Hàng Bột vừa giống vừa khác với khu vực phố cổ. Nơi đây không chỉ có các phường buôn bán lương thực, các loại bột và sản phẩm từ bột, mà còn là con đường thiên lý xuôi về cửa hướng Nam qua ngả Ô Chợ Dừa. Ao hồ đất ruộng nằm xen nhà dân khiến phố Hàng Bột vừa mang nét phố phường vừa có cảnh quan của một thôn quê.

tinh-an-1.jpg

Với tác giả Hồ Công Thiết, phố Hàng Bột tuy nhỏ nhưng mang đủ đầy nét đặc trưng của Hà Nội, từ yếu tố lịch sử, địa lý, con người đều như một Hà Nội thu nhỏ được chắt lọc mà nên. Và trong “Hà Nội chuyện chuyện “tầm phào” mà nhớ” tác giả đã đưa bạn đọc khám phá một Hà Nội thu nhỏ ấy qua những những hồi ức chất chứa bao thương nhớ.
Hồi ức ấy trải dài trong gần 200 sách qua những câu chuyện bình dị về đất về người mà theo tác giả thì đó là “chuyện tầm phào” mà nhớ. Mỗi câu chuyện như một lát cắt về con phố với muôn nghề mưu sinh. Nào chuyện tẩm quất, giặt là, cắt tóc, sửa xe, khắc bút, đan len, ép lốp, vẽ truyền thần, dán hộp giấy, làm thú nhồi bông…; nào chuyện những món ăn bình dị đã in sâu trong ký ức như lạc rang húng lìu, bia hơi, cà phê, mì sợi, giò chả, bánh mì, cháo gà, bánh cuốn, bún chả, phở, xôi, lươn, ốc luộc…

Viết về tẩm quất Hà thành, Hồ Công Thiết đã mở ra trước mắt bạn đọc một không gian xưa cũ của Hàng Bột: “Xưa, giáo xứ Hàng Bột rộng lắm. Hai bên nhà thờ là khu vườn chạy dài nơi đặt các pho tượng tạc Chúa và Đức mẹ. Đặc biệt, phía vườn bên hông phải của nhà thờ còn được bao quanh bởi hàng rào gai đúc rất đẹp và thanh thoát….”. Viết về tổ mì sợi trong ngõ Văn Chương – Hàng Bột một thời, Hồ Công Thiết đưa người đọc trở về với những năm 60, 70 của thế kỷ trước, “nơi đây toàn là ruộng rau được trồng trên những gò đất lúp xúp” thưởng thức lại hương vị bánh quy gai xốp mà Tổ sản xuất mì sợi gia công thêm mỗi mùa Tết.
Viết về cà phê Trục 162 Hàng Bột, tác giả giúp bạn đọc hiểu thêm về một thương hiệu cà phê nức tiếng một thời của Hà Nội bên cạnh cà phê Giảng, cà phê Lâm, cà phê Nhân (tập trung ở mạn Bờ Hồ).

tinh-an-2.jpg
Một tấm Postcard trong cuốn sách.

Viết về bia hơi Hà Nội, tác giả khiến người đọc đầy bâng khuâng khi nhắc tới xưởng thủy tinh của ông Ích, nằm sát hồ Văn của Văn Miếu năm xưa: “Các ông thợ cầm chiếc ống dài, gạt lớp thủy tinh mới đổ để cuốn một cục thủy tinh đã nóng chảy vào đầu ống, lôi ra chiếc khuôn đặt bên cạnh rồi thổi. Vừa thổi vừa xoay. Thủy tinh đang chờ nguội, các ông đã bẻ ngang đầu ống và thợ phụ dùng con dao dài gọt sát mép khuôn cho tròn thành cốc, rồi tách khuôn dỡ chiếc cốc đã định hình”.
Có một điều khá thú vị trong những trang viết về “muôn gánh mưu sinh” trên phố Hàng Bột đó là tác giả đã khéo léo đan cài những món ăn bình dị gắn với tên phố, tên người trong tương quan những so sánh, đối chiếu… với sự đa dạng của ẩm thực Hà Nội và một số vùng miền khác. Có thể kể tới những trang viết về cháo gà bà Bi, bánh cuốn bà Quảng, bún chả bà Ba, phở Tuyết…

Và hấp dẫn không kém là những câu chuyện của đám trẻ phố Hàng Bột được gợi nhắc qua hoài niệm một thời của tác giả. Hoài niệm ấy gắn với chuyến tàu điện leng keng, xóm nhỏ ở Hàng Bột; với kem cốc, kem que Bờ Hồ; với nhà tắm công cộng ngõ Thổ Quan; với những cầu thủ nhí say sưa với bóng đá, và cả những trò chơi dân gian một thuở như pháo ném, đánh khăng, đánh đáo, chơi bi, nhảy dây, cá chọi, đá cầu…

Đọc những trang viết về xóm nhỏ ở Hàng Bột, có lẽ những người Hà Nội sẽ không khỏi xúc động khi ông nhắc tới những ân tình nơi phố cũ. Vệt phố dày đặc nhà chung nhau con ngõ dẫn vào các hộ phía trong và trên gác nên tạo thành xóm nhỏ nơi phố thị. “Xóm nhỏ thân thiết nên bọn trẻ ngày đấy cứ thoải mái chạy xồng xộc vào nhà nhau để chơi trò đuổi bắt. Quen thuộc đến nỗi đứa nào cũng biết chỗ nấp của nhau trong nhà. Người lớn cứ làm việc riêng, mặc lũ trẻ chơi chung”. Và nữa: “Ngày đó Hàng Bột chỉ có một bên đường. Bên số nhà chẵn là đường tàu điện. Sau các lần mở đường, đường tàu mới nghiễm nhiên nằm giữa tim đường. Phố nhỏ, đá đường tàu văng ra đều được các bác bảo vệ và bà con khối phố nhặt, xếp trở lại đường tàu. Phố ít tai nạn giao thông, tuyệt nhiên không xảy ra các chuyện đánh nhau, cãi nhau giữa những người cùng phố”.

Những không gian xưa cũ, những con người xưa cũ đã được tác giả nhắc nhớ trong dòng hồi ức như những thước phim quay chậm đưa bạn đọc trở về với phố Hàng Bột một thời. Một con phố chất chứa bao cuộc đời, chất chứa bao kỷ niệm, bao ân tình cũng đủ để tác giả Hồ Công Thiết “dành trọn cuộc đời tìm hiểu và yêu nó”.

Từng có tuổi thơ gắn bó với phố Hàng Bột, nhà văn Châu La Việt bộc bạch trong lời tựa cuốn sách rằng ông rất yêu những trang viết của Hồ Công Thiết bởi gợi dậy trong ông một vùng ký ức Hà Nội. “Hồ Công Thiết gắn bó suốt từ tuổi thơ với Hàng Bột, yêu con phố ấy đến mê man từng nóc nhà, từng ngõ hẻm để viết nên tập sách này. Anh hiểu về Hà Nội rất chi tiết, kỹ càng, và viết ra cũng chi tiết, kỹ càng, cuốn hút, ăm ắp những điều ai cũng yêu thích, cũng tò mò mà chưa mấy người viết ra… Hồ Công Thiết có nhiều trang viết tài hoa uyên bác, lại cũng có nhiều trang viết mộc mạc chân thành, cứ thế đan xen vào nhau trong tập sách này, lúc làm ta khoái cảm, lúc lại làm ta reo vui như đứa trẻ được khám phá thêm nhiều điều”./.

Tịnh An