Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc: Bài 2: Xây dựng xã hội học tập từ thư viện “cấp thôn”

Phạm Quỳnh - Hải Truyền 09/07/2023 07:19

Hơn 20 năm qua, có một thư viện cấp thôn tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân đến đọc sách, mượn sách, góp phần đẩy mạnh phong trào xã hội học tập, học tập suốt đời. Đó  là Thư viện thôn Bình Vọng.

Một buổi chiều mùa hè đầu tháng 6, từ trung tâm Thành phố Hà Nội, chúng tôi di chuyển theo quốc lộ 1A cũ hơn 20km, tìm về xã Văn Bình và hỏi người dân đến thư viện thôn Bình Vọng. Đặt chân đến đầu xã, hỏi từ cụ già đến các em nhỏ ở xã Văn Bình, ai ai cũng biết thư viện cấp thôn có ở quê hương.

Bí quyết “sống khỏe” của thư viện cấp thôn

“Chào mừng các anh đến thư viện thôn Bình Vọng - một trong những thư viện cấp thôn lâu đời nhất của Hà Nội”, ông Dương Văn Phi, 83 tuổi, Chủ nhiệm thư viện thôn Bình Vọng, có mái tóc bạc trắng, giọng hào sảng chào đón chúng tôi.

thu-vien-2.jpg
Ông Dương Văn Phi, 83 tuổi, Chủ nhiệm Thư viện thôn Bình Vọng đang "số hóa" tài liệu.

Người thủ thư tuổi xưa nay hiếm kể trên là một trong những người gắn bó với thư viện từ thuở sơ khai tới hôm nay. Ông kể, những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống tinh thần người dân nơi đây còn khó khăn, nhất là đói…sách. Lúc này, ông Phi cùng các cụ cao niên trong Chi hội Người cao tuổi thôn lên ý tưởng xây dựng tủ sách cho dân. Lãnh đạo thôn cho họp dân tuyên truyền, giải thích lợi ích của việc lập tủ sách dùng chung. Không lâu sau, người dân mang sách đến ủng hộ tủ sách với số lượng lớn, mới có, cũ có, đủ loại báo, tạp chí.

Đến tháng 1/1999, UBND xã Văn Bình ra quyết định thành lập thư viện thôn Bình Vọng, đồng thời có thư gửi tới các gia đình người Bình Vọng đang sinh sống, công tác, học tập, làm ăn ở Hà Nội và các địa phương khác kêu gọi ủng hộ, đóng góp cho thư viện. Kể từ đó, nguồn sách của thư viện tăng lên theo cấp số nhân, từ vài trăm cuốn đến hàng ngàn, với đủ thể loại, phục vụ đa dạng đối tượng độc giả. Người dân thôn Bình Vọng nói riêng và xã Văn Bình nói chung từ lúc này đã có không gian văn hóa đọc đúng nghĩa.

img_0114.jpg
Góc nhỏ Thư viện thôn Bình Vọng.

Gần 10 năm, thư viện thôn Bình Vọng hoạt động ở đình làng với một tủ sách nhỏ, thường rơi vào tình trạng quá tải do nhu cầu đọc sách, mượn sách của người dân quá lớn. Khi nhà văn hóa thôn Bình Vọng khánh thành, từ tháng 6/2008, thư viện thôn được chuyển về đây với không gian lớn hơn, đầy đủ tiện nghi với 14 tủ đựng sách; có quạt mát, đèn chiếu sáng, máy điều hòa, máy vi tính, phòng đọc tại chỗ hơn 40m2…, xứng tầm với một thư viện lớn ở một làng quê ngoại thành Hà Nội.

Đến thư viện thôn Bình Vọng hôm nay, người dân có thể tìm đọc hầu hết các thể loại, gồm: Sách chính trị xã hội, giáo dục tư tưởng – đạo đức, phong cách sống; tôn giáo, văn học, khoa học kỹ thuật... Hiện thư viện có 15.117 bản sách, đáp ứng tối đa nhu cầu đọc sách của nhân dân. 24 năm đã qua, thư viện cấp thôn này đã tiếp, phục vụ gần 152.000 lượt bạn đọc, cho 76.700 lượt bạn đọc mượn sách với 258.400 lượt bản sách. Các tủ sách trong thư viện được sắp xếp rất khoa học, dễ nhìn, được ghi chú cẩn thận về từng lĩnh vực, giúp bạn đọc tiện tra cứu.

“Trung bình hàng năm, thư viện đón gần 3.000 lượt người trong thôn, xã và người dân địa phương khác đến đọc và mượn sách. Có cán bộ ở huyện cũng tới thư viện mượn sách để nghiên cứu, các cháu học sinh lớp 12 đến đọc sách tham khảo để ôn thi. Mừng hơn có đến 50% các độc giả cao niên, 40% thanh thiếu nhi đến với thư viện. Người cao tuổi đọc sách làm thư thái tâm hồn, tăng tuổi thọ, hiểu biết thêm về phương pháp phòng chữa bệnh. Các cháu nhỏ ham đọc sách sẽ hạn chế chơi điện tử trên điện thoại, máy tính. Còn gì vui hơn thế!”, ông Dương Văn Phi chia sẻ.

img_0013.jpg

Trong hành trình phát triển của mình, thư viện thôn Bình Vọng vinh dự được đón tiếp đoàn thư viện Hoàng gia Thụy Điển, hàng chục đoàn ở các tỉnh Thái Bình, Thành phố Hải Phòng, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đến thăm quan trao đổi kinh nghiệm xây dựng và hoạt động. Tháng 1/2008, từ hiệu quả hoạt động của thư viện thôn Bình Vọng, Hội khuyến học Việt Nam đã chọn thư viện làm điểm để rút kinh nghiệm về đề tài: “Xây dựng xã hội hóa học tập thông qua con đường hoạt động thư viện cơ sở”.

Để có được sự phát triển và ngày càng lớn mạnh, trở thành không gian văn hóa đọc, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xã hội học tập, đó là thư viện hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Người dân Bình Vọng rất nhiệt tình tham gia ủng hộ sách báo cho thư viện, thường xuyên đến thư viện đọc sách để mở rộng kiến thức, hiểu biết. Khi thư viện có hoạt động nào đó thì chính quyền xã, thôn và nhân dân đều quan tâm ủng hộ, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Những người tham gia quản lý thư viện là các “viên chức không lương”, họ đa phần đã lớn tuổi và đến thư viện theo tinh thần tự nguyện song hoạt động theo nguyên tắc, quy định đã đề ra.

Nhằm lan tỏa sách tới mọi người, thư viện thành lập hệ thống “màng lưới viên” với hơn 100 người. Ngoài việc hàng ngày đến đọc sách tại thư viện, “màng lưới viên” thực hiện tuyên truyền tới người dân về những lợi ích của việc đọc sách, qua đó thu hút được đông đảo người dân trong thôn cũng như địa phương khác tham gia, góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhân dân. “Chính lực lượng này, trong suốt 24 năm qua đã tạo nên một nếp sống mới, nếp sống rất văn hóa, rất đáng trân trọng ở địa phương”, ông Phi chia sẻ.

img_0093.jpg
Tủ sách pháp luật tại thư viện để người dân đọc tại chỗ.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Văn Bình Dương Quyết Thắng đánh giá, ở một làng quê vùng nông thôn mà có được một thư viện hoạt động nền nếp, khoa học, có hiệu quả như ở Bình Vọng là hiếm thấy, đó là niềm tự hào của địa phương. Từ thư viện thôn Bình Vọng, nhân dân được nhận biết về khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, về phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa. Sách giúp dân hiểu biết về pháp luật, trên cơ sở đó, làm tròn nghĩa vụ công dân; giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm công dân của mình mà sống tốt đẹp hơn.

Hành trình đổi mới

Thành quả có được của thư viện thôn Bình Vọng bao năm qua là do sự chỉ đạo, giúp đỡ hết lòng của các cấp chính quyền xã Văn Bình, các phòng ban chuyên môn huyện Thường Tín và các đơn vị chức năng liên quan... của cả nhân dân Bình Vọng đang học tập, sinh sống và làm việc trên cả nước. Ông Dương Văn Phi khẳng định, thư viện thôn Bình Vọng là niềm tự hào của nhân dân Bình Vọng nói riêng, Hà Nội nói chung.

img_0033.jpg
Bà Dương Thị Lộ - Phó Chủ nhiệm thư viện thôn Bình Vọng đang dán nhãn ký hiệu sách.

Tuy đã gặt hái được nhiều thành tựu nhưng Ban Chủ nhiệm thư viện cho biết, thư viện thôn cũng có một số hạn chế. Bởi vậy, thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, cũng như bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật là việc làm bắt buộc của thư viện trong hiện tại và tương lai.

Thư viện thôn Bình Vọng thời gian qua đã thực hiện phân loại sách – công việc vô cùng vất vả, nhất là đối với những người lớn tuổi làm công tác thư viện của thôn, thêm nữa lượng sách lên tới cả vạn bản. Nhưng bằng sự quyết tâm và kiên trì, thư viện đã phân loại lại toàn bộ sách theo 6 môn loại chính vào “sổ đăng ký cá biệt”, vào phần mềm máy tính 4.865 bản sách Chính trị xã hội, 1.312 bản sách Pháp luật, 2. 756 bản sách khoa học giáo dục, 2. 017 bản sách Thiếu nhi, 4.068 bản sách Văn học nghệ thuật.

Trong năm 2023, thư viện thôn Bình Vọng sẽ hoàn thiện việc sắp xếp sách theo chuẩn môn loại phù hợp với điều kiện và khả năng của một thư viện cơ sở. Đồng thời, được sự giúp đỡ hỗ trợ chuyên môn của các cấp huyện Thường Tín, thư viện làm lại toàn bộ nhãn ký hiệu sách theo môn loại mới, lập bảng danh mục sách nhằm thuận tiện cho việc tìm chọn sách của bạn đọc.

ong-thi2.jpg
Ông Phi khoe với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội về việc dán nhãn ký hiệu sách theo môn loại mới, lập bảng danh mục sách để người dân đến tìm đọc, mượn sách thuận lợi hơn trước.

 Ban Chủ nhiệm thư viện thôn Bình Vọng sẽ tích cực tuyên truyền giới thiệu sách trên phương tiện thông tin đại chúng, kết nối với các trường học trên địa bàn để giới thiệu sách của thư viện, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong các trường tìm đọc sách. Với tôn chỉ “lập ra không phải chỉ là để trưng bày, phải thu hút được nhiều người đến đọc” nên hàng năm, thư viện thôn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Từ hiệu quả thiết thực cũng như những kết quả đạt được, thư viện thôn Bình Vọng đã góp phần vào việc thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 của Chính phủ về việc “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”. Thư viện “cấp thôn” này cũng góp phần thực hiện kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 16/12/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”./.

Phạm Quỳnh - Hải Truyền