Văn hóa – Di sản

Lễ hội chùa Thầy trong ký ức

Phan Hằng 07:23 02/06/2023

Chùa Thầy không chỉ là điểm đến của du khách muôn phương, mà còn là nơi linh thiêng cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc, nhất là trong ngày hội chùa Thầy. Và riêng tôi, đây còn là nơi mang đầy kỷ niệm tuổi thơ với màu sắc quê hương.

Chùa Thầy thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 cây số. Đây là ngôi chùa nổi tiếng gắn liền với câu chuyện về nửa sau cuộc đời và cũng là một đoạn tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chuyện rằng, sau một thời gian tu hành ở núi Sài Sơn, ngài đã thoát xác đầu thai thành con trai của Sùng Hiền Hầu, về sau là vua Lý Thần Tông.

le-hoi-chua-thay.jpg
Thủy đình trước chùa Cả. Ảnh: Đoàn Đức Thành

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, trước kia chùa vốn là một am nhỏ mang tên Hương Hải am trên núi Sài Sơn và có từ thời Đinh. Tới thời Lý, chùa Thầy được xây dựng lại thành hai cụm chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) ở trên núi và chùa Dưới (chùa Cả, Thiên Phúc Tự) ở chân núi. Trải qua các triều đại, chùa được trùng tu nhiều lần và các bức tượng, điêu khắc ở chùa đều mang bóng dáng kiến trúc qua từng thời kỳ. Chùa không có nghi môn, tam quan và có kiến trúc theo lối tiền Phật hậu Thánh - phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh (Thánh). Thiền sư là người có công lớn trong việc dạy học và chữa bệnh cho dân. Tương truyền, ngài cũng là người đã tổ chức và dạy người dân nơi đây chơi đá cầu, đánh vật, múa rối nước.

Lễ hội chùa Thầy là một trong những lễ hội được kết hợp khéo léo, sinh động giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Ngày khai hội là ngày 5/3 và kéo dài đến 8/3 âm lịch. Bước vào khai hội, các phật tử cùng nhà sư và nhân dân làm lễ tắm tượng, lau dọn khám thờ. Một năm chỉ được mở khám thờ ra một lần.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, cứ đến dịp này là cả làng háo hức kéo nhau đến xem lễ tắm tượng. Bà ngoại tôi thường đi chùa, nên luôn tới nhắc mẹ tôi chuẩn bị chiếc khăn nhỏ, hoặc một cái lọ nhỏ để xin nước tắm tượng. Người dân địa phương tôi còn gọi đó là nước Thánh. Mọi người cho rằng phải thật may mắn lắm mới xin được nước tắm thánh này, vì thường lễ tắm tượng diễn ra từ 5 giờ sáng, lúc còn tinh mơ. Còn những năm gần đây, lễ tắm tượng đã chuyển sang giờ Ngọ, và chỉ những ai đức cao vọng trọng, sống tu dưỡng tốt mới được dự phần tham gia. Nước tắm tượng sẽ được vẩy khắp nơi cho người khang vật thịnh. Chiếc khăn tắm thánh sẽ được chia cho trẻ em để tránh tà khí. Còn nhớ, khi sinh con đầu lòng đúng vào tháng Hai, tôi cũng đã háo hức chờ đến ngày khai hội tháng Ba để xin nước tắm Thánh cho bé.

Sau lễ tắm Thánh là lễ cúng Phật và chạy đàn, một nghi thức diễn xướng, mang đậm chất tôn giáo. Trong khung cảnh “sương khói mờ nhân ảnh”, các nhà sư với bộ áo cà sa trang nghiêm, tay cầm gậy hoa múa lượn vòng tròn, vừa đi vừa múa hát theo đàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh, chân bước nhịp nhanh nhịp chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp nhân sinh luân hồi để vươn tới điều Chân, Thiện, Mỹ. Du khách và người dự hội như bị hút vào cõi vô lo vô âu, như lạc vào chốn Tây Thiên ngay giữa đời thường.

Sức hút khó cưỡng của lễ hội chùa Thầy còn là cuộc hành trình đi thăm quần thể núi non hùng vĩ của núi Thầy (Sài Sơn) cùng hang động và chùa chiền: Từ chùa Cao, chùa Một Mái tới hang Bụt Mọc rồi thăm hang Bác Hồ, hang Thánh Hóa tới hang Cắc Cớ sâu thẳm với dấu tích và truyền thuyết ẩn theo động Gió Lùa với làn sương mờ tỏ. Giây phút tận hưởng thiên nhiên trong lành trong không khí ngày hội là khi đứng trên chợ Trời nhìn xuống những dòng người tấp nập đi lễ chùa. Đường xuống núi dẫn về trung tâm sân ao Rồng, nhà Rối, ngay trước chùa chính (chùa Cả).

Lễ hội chùa Thầy đặc sắc với những trò chơi, cảnh các thầy đồ viết thư pháp ở trên hai cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều. Đặc biệt là trò múa rối nước, diễn ra ngay trước thủy đình. Nội dung của các vở múa rối là những câu chuyện thần tiên hay chuyện đời thường ý nhị. Hoặc có khi là những câu chuyện cổ như “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”. Đây là một trong loại hình nghệ thuật mang đậm tính nhân văn, gắn liền với đời sống của người nông dân Việt Nam xưa.

Ngày bé, cứ mỗi lần tiếng chuông chùa vang vọng là lũ học trò chúng tôi biết sắp đến giờ tan trường. Ngay đó, chúng tôi sẽ cùng nhau tụ tập trong sân chùa Cả rộng rãi chơi đùa, nhảy dây và nhặt hoa gạo rụng. Trước đây làng tôi có nhiều gốc gạo cổ thụ, hễ đến ngày hội là hoa nở cháy rực cả một vùng trời tháng Ba. Hồ nước, thủy đình và những bông hoa gạo soi bóng đẹp và bình yên đến nao lòng. Chỉ tiếc rằng bây giờ chỉ còn lại một cây gạo, mỗi năm đến độ nở hoa như gom cả ký ức đỏ rực của tôi năm nào ùa về. Ngày ấy, chưa có nhiều đồng hồ xem giờ và chưa có điện thoại thông minh như bây giờ. Những hôm nào cuối tuần được nghỉ học, lũ chúng tôi lại chạy ra sân chùa nhặt những vỏ lon bia, lon nước ngọt của khách thập phương để mang đi bán đồng nát kiếm tiền mua, sách, bút vở… Rồi đến mùa thi cuối năm học, những ngày ôn thi nóng nực, lũ chúng tôi rủ nhau trèo lên núi vào hang Bác Hồ, hang Gió, hay cửa hang Cắc Cớ ngồi học bài cho mát. Ngày đó, chúng tôi vẫn có một niềm tin rằng ôn thi trong hang động sẽ sớm thành… chính quả, đó là thi đỗ!

Thời ấy, lối mòn lên núi đến chùa Cao và hang động là những bậc đá tự nhiên được xếp chồng lên nhau tạo thành bậc. Đá núi có đoạn chênh vênh đến độ, trong một lần lớp chúng tôi tổ chức leo núi, chẳng may bạn đi trước vô tình làm lăn đá vào đầu bạn đi sau, khiến bạn đi sau bị chấn thương đầu phải vào viện mổ lấy máu tụ. Sau này, đường lên núi được xây thành những bậc thang, leo lên dễ hơn. Những bậc thang dẫn lên núi ấy được xây dựng bằng công sức của người dân quê tôi. Chúng tôi gọi là đi “chấp tác”. Mỗi người dân cùng góp sức chuyền tay nhau từng viên gạch theo kiểu nối dây từ chân núi tới chùa Cao, vừa vận chuyển, vừa xây. Tôi tự hào vì đã góp một phần nhỏ sức trên con đường xây bậc leo núi ấy.

Cho đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng các kiến trúc cổ thuộc quần thể khu di tích chùa Thầy vẫn còn giữ được. Không chỉ là những huyền tích, điển hình cho một không gian của làng quê Bắc bộ xưa hay là bóng dáng Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà bộ phim “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn Hải Ninh đã truyền tải như vẫn thoảng nơi đây dưới chân núi Sài./.

Phan Hằng