Hà Nội xưa - nay

Tục đánh cá tế Thành hoàng làng Trể

Vũ Quang Liễn 07:16 31/05/2023

Lời tòa soạn: Từ trước tới nay đã có nhiều cuốn sách viết về lễ hội vùng Thăng Long – Hà Nội miêu tả tỉ mỉ từ kiến trúc đình/ đền, giới thiệu sự tích các vị thần, đội hình rước sách đến các trò chơi dân gian trong lễ hội. Tuy nhiên, về lễ vật dâng các vị thần thì chưa có cuốn sách nào đề cập một cách đầy đủ và chính xác. Có thể coi đây là nghệ thuật cao nhất của ẩm thực Thăng Long – Hà Nội. Từ số tạp chí tháng 5, Người Hà Nội sẽ giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết các lễ vật dâng thần trong lễ hội Thăng Long xưa và Hà Nội nay của các cây bút là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Thân mời độc giả cùng đón đọc!

Làng Trể là tên nôm làng Tri Chỉ, trước thế kỷ XIX là xã Tri Chỉ, tổng Hòa Mỹ, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; trước năm 1945 là xã Tri Chỉ, tổng Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông; nay thuộc xã Tri Chung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

dinh-lang-tri-chi.jpg
Nghi môn đình làng Tri Chỉ: Ảnh: Nguyễn Văn Công

Đình làng Trể thờ 4 vị thần, trong đó có Thành hoàng Vũ Văn An, húy là Kiêm, sinh năm 1589, người làng Tri Chỉ. Lúc trẻ, ông học giỏi, đỗ cao, làm quan đời vua Lê Kính Tông, được vua ban tước “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thượng bảo tự khanh Mỹ thịnh bá”.

Năm 61 tuổi, ông về hưu dưỡng tại quê nhà, được vua cấp cho điền thổ, vàng bạc. Do có nhiều đóng góp trong việc trị nước yên dân, vua còn cho ông thêm khoản tiền lớn bằng giá trị ba phiên chợ Đồng Xuân.
Về sống cuộc đời bình dị nơi quê nhà, ông cấp tiền cho người nghèo, cấp tiền cho trẻ con đi học; làm lại ngôi đình quay về hướng Tây; khơi thông hồ nước cạnh đình để dân tiện sinh hoạt… Do để lại nhiều ơn đức cho dân, sau khi ông mất, được dân tôn làm Thành hoàng làng.

Hằng năm, tại ngôi đình ông dựng ngày xưa, làng mở hội từ ngày mồng một đến mồng năm tháng Tư âm lịch tri ân công đức của ông. Trong hội có nhiều trò chơi dân gian nhưng không có trò nào vui bằng trò đánh bắt cá mè to tại hồ đình vào ngày 30 tháng Ba, trước chính hội một ngày.

Theo lệ làng, mỗi năm một giáp đăng cai đánh cá thờ. Giáp này được quyền lựa chọn mỗi giáp 3 tráng sĩ, cả 6 giáp là 18 người. Những người này đầu quấn khăn đỏ, đai quấn bao xanh. Mỗi giáp có một cái nơm, một vó, một vẹ… Cuộc thi từ đầu giờ Tý đến hết giờ Sửu (từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng). Những con cá to bắt được người ta đưa vào một cái cháng. Cháng là một tấm lưới dài 5 mét, rộng 2 mét, đóng cọc chăng dây và quây trên đường cái. Những tráng sĩ thi thố tài khéo léo trong một hồ nước sâu 1,5 mét. Đến cuối giờ Sửu mà chưa bắt được cá to thì mỗi giáp được cử thêm hai tráng sĩ, tổng cộng là 30 người. Ba mươi người này, bắt cá trong một giờ nữa là kết thúc.

Tiếp đến là việc chọn cá trong cháng. Mỗi giáp cử một cô gái tân tìm những con cá lớn nhất. Cá phải đẹp màu, không mất vẩy và vây thì mới đạt yêu cầu. Sau đó là nấu cá. Nguyên liệu chính là cá, su hào thái tùy to nhỏ, hành tươi, củ vẹ, thì là, răm, nghệ, cà chua. Các gia vị này để trang trí mâm cỗ cá nên không được thái nhỏ. Cá đun chín đặt nguyên hình vào mâm thau. Chiếc mâm thau có độ uốn cong lên thành miệng. Sắp đặt lễ xong, con cá nằm trên mâm vẫn giữ nguyên hình như cá còn sống bơi trên đám rong trong hồ nước. Su hào kê kèm con cá để cá không ngả nghiêng trên mâm. Tế thần xong, hai người bê mâm cá xuống mà cá vẫn nguyên vẹn thì được giải. Mâm cá lễ này làng biếu ông Chánh tổng, ông Lý trưởng và cụ soạn văn tế. Cá loại nhì còn sống thì biếu từ Phó Tổng đến các Thủ giáp trong làng.

Vào cuối ngày 30 tháng Ba, con cháu các giáp trong làng đều nhảy xuống hồ bắt cá. Bắt cho kỳ hết, chỉ khi có tiếng trống nổi lên thì cuộc bắt cá dưới hồ mới kết thúc. Cá bắt được ở các giáp đem chia cho các gia đình trong giáp, gọi là lộc Thánh ban.

Giáp nào đánh bắt được nhiều cá nhất làng có thưởng. Giáp nào đánh bắt được ít cá nhất làng sẽ phạt. Sau đó, các giáp phải mua cá giống thả vào hồ để năm sau làng có cá to làm cỗ tế thần vào hội tháng Tư./.

Vũ Quang Liễn