Nhìn lại một chặng đường
Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/06/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới tính đến nay đã tròn 15 năm. Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng là để nhìn lại những nỗ lực cố gắng của Ban chấp hành qua các kỳ Đại hội; sự cống hiến, tâm huyết và những sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô với trên 4000 hội viên đến từ 9 hội chuyên ngành. Người Hà Nội ghi lại những chia sẻ, đánh giá, cũng như trăn trở của một số hội viên các hội chuyên ngành về hành trình đồng hành cùng Nghị quyết này.
Họa sĩ Khánh Châm (Hội Mỹ thuật Hà Nội)
Những nét nổi bật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, nhất là qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) là đội ngũ văn nghệ sĩ ngày một đông đảo và chất lượng, với trên 4000 người ở 9 hội chuyên ngành, bao gồm nhiều thế hệ. Một đội ngũ văn nghệ sĩ tài hoa và tâm huyết gắn bó với Thủ đô, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần với văn hóa dân tộc, văn hóa Tràng An, xứ Đoài cổ kính và thanh lịch, không ngừng đổi mới, sáng tạo để cống hiến có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hiến đất kinh kỳ Thăng Long hơn một nghìn năm tuổi.
15 năm qua, văn học nghệ thuật Thủ đô đã không ngừng đổi mới, luôn bám sát hiện thực sôi động của thành phố, cổ vũ kịp thời những nhân tố mới, thành tựu mới. Văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú cả về số lượng và chất lượng, xu hướng chuyên nghiệp hoá ngày càng được chú trọng và đề cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước.
Nhà báo Đinh Mạnh Cường (Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội)
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã quán triệt, thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về VHNT. Hội luôn duy trì bầu không khí dân chủ, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, văn hóa, làm nên nhiều kết quả trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình, xây dựng và phát triển đội ngũ nghệ sĩ, giao lưu, hợp tác, xây dựng và phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng…
Với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo các chương trình hành động của thành phố nhằm tập trung sức vào việc xây dựng chủ thể sáng tạo là con người Hà Nội hiện đại phải đạt tiêu chí Thanh lịch - Văn minh. Những yêu cầu đó đã thúc đẩy các nghệ sĩ múa Hà Nội sáng tạo có định hướng, có tính thẩm mỹ cao hơn, có nội dung và hình thức nghệ thuật làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật múa của công chúng, có tác động đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Điểm nhấn trong các hoạt động chuyên môn của Hội đó là chương trình dài hơi Sưu tầm, phục hồi và biểu diễn múa cổ truyền; Thi sáng tác tác phẩm Múa về đề tài “Thăng Long - Hà Nội” và biểu diễn phục vụ kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô; Tổ chức thi Tìm kiếm và sáng tác Điệu nhảy Việt Nam; Thi biểu diễn “Tài năng múa thiếu niên, nhi đồng”; Nghiên cứu, lý luận, tuyên truyền, xuất bản, hội thảo và quảng bá múa Cổ truyền…
Tác giả Lê Quý Hiền (Hội Sân khấu Hà Nội)
Nghị quyết 23 đã nâng cao nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà quản lý, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho phát triển văn học nghệ thuật. Trong 15 năm ấy có không ít khó khăn song đội ngũ sân khấu cũng như văn nghệ sĩ Thủ đô vẫn kiên cường và linh hoạt, sáng tạo để vượt qua và tồn tại. Rất nhiều vở diễn sân khấu được đánh giá cao qua các kỳ Liên hoan sân khấu Quốc gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hoan Sân khấu Quốc tế, Liên hoan Sân khấu Thủ đô của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hay Liên hoan Sân khấu do Bộ Công an tổ chức. Đặc biệt, sự xuất hiện của Sân khấu Lệ Ngọc là một hiện tượng mới với kịch mục 2-3 vở diễn/ năm bằng kinh phí xã hội hóa. Hoặc Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng bắt đầu lấy lại phong độ của đơn vị giữ kỷ lục số suất diễn trong năm…
Những thành tựu trong 15 năm qua khó có thể liệt kê ra hết. Tuy nhiên, công chúng vẫn mong sân khấu Thủ đô có nhiều hơn những vở diễn nóng bỏng về hôm nay, nói những điều dân nghĩ, dân mong một cách nghệ thuật mà không phải là dạng sân khấu thời sự… Hằng năm, Hội đồng Nghệ thuật của Thành phố cần xét chọn tác giả, tác phẩm, đơn vị sân khấu để trao giải cho các tác phẩm đặt hàng hay tự chủ với tiêu chí công tâm, đặt chất lượng tác phẩm lên hàng đầu, không nể nang, dễ dãi. Nên chăng có giải thưởng hàng năm mang tên danh nhân hay địa danh nổi tiếng của đất Hà Thành? Thành phố cũng nên đứng ra tổ chức và kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho sân khấu nói riêng và VHNT nói chung nhiều hơn như bên thể thao…
Hà Nội là Thủ đô cả nước, Sân khấu Thủ đô thuận hơn nhiều địa phương khác có nhiều lợi thế để phát triển, góp sức đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu cả nước. Để sự chuyển động của sân khấu Thủ đô tiếp tục phát triển rực rỡ hơn, thiết nghĩ, bên cạnh với những cơ chế, chính sách khuyến khích, các đơn vị và người hoạt động nghệ thuật cần mạnh dạn đổi mới, có những đột phá cần thiết để sân khấu Thủ đô phát triển, hiện thực hóa được những mục tiêu đề ra.
NSNA Vũ Đức Tân (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội)
Đời sống VHNT Thủ đô từ khi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ra đời đã có nhiều đổi mới. Một trong những nét đổi mới đó là việc đã hình thành thị trường văn hóa thị giác trong cả nước và riêng với Thủ đô ta. Trong hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố, tôi hết sức ấn tượng với hoạt động nhiều năm qua của Hội đồng nghệ thuật thành phố. Phần lớn các hoạt động triển lãm, biểu diễn, công bố các tác phẩm tạo hình thường được diễn ra suôn sẻ và không có điều tiếng gì lớn. Có rất nhiều triển lãm vui tạo ra sự đa dạng. Tuy nhiên, cũng phải nói thật lòng rằng những tác giả thật sự lớn, thực sự có tầm cỡ mới về tạo hình cũng không thấy xuất hiện trong những năm qua.
Trước khi có Nghị quyết 23-NQ/TW, chúng ta đã bắt đầu chú ý hơn vào công tác lý luận phê bình nhưng phải sau Nghị quyết thì hoạt động này mới dần dần có quy mô và tổ chức tốt, gắn liền hơn với thực tiễn của văn nghệ. Trong các Hội văn học nghệ thuật, lực lượng lý luận phê bình không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng. Việc trao đổi có tính học thuật về văn nghệ thường ít được diễn ra và ít có tác dụng tích cực với phong trào. Sự khen chê theo cảm tính hoặc tư tưởng dĩ hòa vi quý biến công tác phê bình thành sự giới thiệu nhạt nhẽo và nhàm chán. Giai đoạn sau này tính phản biện dần được đề cao và lý luận phê bình dần trở lại đúng vị trí của nó như một quá trình tự ý thức của văn nghệ. Việc chú trọng tới học thuật trong văn nghệ sẽ giúp cho sự chín muồi của những tài năng góp phần nâng cao các giá trị của tác phẩm./.