Tản văn

Một ly tỉnh & nhớ

Tản văn của Bùi Việt Phương 14:28 29/05/2023

Người ta có muôn vàn cách để quên một điều gì đó nhưng để nhớ về kỷ niệm thì lại chẳng có nhiều. Tôi hay chọn buổi sáng thứ Bảy trong tuần để được thư thả về phố núi quê hương, ngồi đợi giọt đắng của đất đai, mưa nắng điểm từng nhịp xuống chiếc ly sứ như đợi thời gian mở cánh cửa diệu kì của mình.

ca-phe-crop-1620637543553.png

Thực ra, ngày xưa, tôi ghét cái vị đắng của cà phê lắm. Tôi thường nghĩ, thứ đồ uống đã ít, lại đặc sánh kia chỉ thuộc về những người già đi tìm sự rầu rĩ trong đắng đót. Ly cà phê nâu hay ly cà phê đen đều như thứ “ao tù nước đọng”, giam hãm tâm hồn con người ta, khiến cho những đôi mắt, những nụ cười cũng héo hon đi cùng với nó.

Một ngày, tôi đọc được một bài viết về không gian văn hóa của ẩm thực. Tác giả có nêu ra một định đề: Cần xây dựng một không gian văn hóa gắn với thứ đồ uống này. Cà phê đã có mặt ở miền Nam từ lâu và xuất hiện ở Bắc chắc vào những năm 30 của thế kỉ trước khi có tuyến xe lửa Bắc - Nam vậy mà chưa có một không gian văn hóa cho cà phê, một thứ văn hóa cà phê thực sự.

Thời gian cứ thế trôi đi, ai cũng có một hành trình riêng cho mình với những cái đích, những cú bứt tốc rồi mệt nhoài, tức thở. Khi người này đang mải miết thì người kia lại đã đứng lại, kiệt sức, mệt mỏi, tìm tới quán vắng, góc xưa, một lối về hoa cỏ, một mái hiên mát rượi… để phục sức cho tâm hồn mình. Mùa xuân, tôi về trong màu trắng của hoa cà phê. Khi lên gác, mở cái cóng gỗ, tôi còn thấy một mùi hương thơm đậm đà của mùa cũ. Một thứ cây kỳ lạ, dáng thanh tao, một thứ quả đỏ ối chỉ có vỏ và hạt, một thứ hạt khi đã xay nhỏ như bột, lắng qua những cái lỗ phin li ti lại toát lên một mùi hương đặc trưng từ bên kia bờ đại dương… Cà phê là thế, cứ âm thầm rồi đến khi thăng hoa, dẫn lối cho ta về ký ức lúc nào đâu có hay…

Mỗi lần nâng ly, dù ở trên phố núi chiều vắng hay một sáng bên phố, trong khách sạn sang trọng… tôi đều nhận ra mùi hương viễn xứ ấy. Từ châu Âu, cà phê đến các đồn điền xứ Đông Dương, đi suốt thế kỷ, cà phê khắc sâu vào ký ức bao chàng trai từ bỏ giấc mộng làm viên chức cho chính phủ bảo hộ để lên chiến khu tham gia kháng chiến. Khi kháng chiến thành công, giành lại giang sơn nước Việt, họ lại là những người gieo trồng, chăm bẵm những vườn, những rẫy cà phê dọc từ Tây Nguyên đến Tây Bắc. Mùi thơm, vị đắng ngọt mở ra một không gian, một kiểu sống chậm, nghĩ lắng để tạo nên sự hài hòa, cân đối cho cuộc sống con người hôm nay. Dường như, những gì đã qua, những chuyện vui buồn, trong hương đậm đà ấy đều đã lắng kết. Và, bao điều hôm nay vừa mới tinh khôi sẽ được hương ấp ủ, ướp bằng thứ dư vị đặc biệt của mình để mai sau trở thành kỉ niệm.

Có người nói với tôi rằng, đời người được tính bằng những giọt lắng và chậm, bằng những ngụm ngẫm ngợi và thăng hoa bằng một đêm mất ngủ. Tôi không nghĩ nhiều đến thế, tôi chỉ hiểu một cách đơn giản là bên chiếc ly cà phê ấy tôi luôn có những người bạn. Dù có lúc về phố núi tìm họ nhưng họ đều đi vắng thì tôi vẫn cứ ngồi đây bên chiếc ghế dài, nghe một bài hát bằng chất giọng núi rừng khỏe khoắn như từng thớ gỗ và cảm nhận một sự đầm ấm.

Nếu rượu làm người ta say và quên thì cà phê lại là chất men khiến người ta tỉnh và nhớ. Ly cà phê có khi bỏ dở, có khi được uống cạn đến giọt cuối cùng nhưng đều đọng trên môi, lắng trong tâm hồn mỗi người như một phép màu mà nắng mưa, buồn vui, bận rộn của cuộc sống này cũng không thể phôi pha.../.

Tản văn của Bùi Việt Phương