Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Nét đẹp người Hà Nội

Nguyễn Văn Cự 11:28 29/05/2023

Khi Hà Tây còn chưa sáp nhập vào Hà Nội, tuy chỉ là công dân “cửa ngõ Thủ đô”* nhưng từ những ngày ấy, tôi đã rất ngưỡng mộ nét đẹp của người Hà Nội, qua hai câu chuyện nhỏ sau đây.

bbb.jpg
Nét đẹp người Hà Nội (ảnh minh hoạ)

Mẫu chuyện thứ nhất: Tân binh người Hà Nội vẽ phóng tranh Bác

Vì đã ngót nửa thế kỷ trôi qua, nên tôi không còn nhớ chính xác năm nào (trong khoảng thời gian từ 1974 đến 1976), trên quốc lộ 6, đoạn qua Nà Sản thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ngày ấy, người đi đường được chiêm ngưỡng bức tranh cổ động cỡ lớn, dựng ngay bên quốc lộ, gần đường vào doanh trại một đơn vị quân đội của quân khu Tây Bắc cũ.

 Bức tranh được vẽ phóng từ nguyên tác - tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh. Trong tranh, Bác mặc quân phục xuân hè, tay áo xắn cao, đầu để trần. Bác chắp hai tay vào ngang hông, mắt dõi nhìn về phía trước. Cạnh Bác, đằng trước, đằng sau là đoàn dài bộ đội đang hành quân, đội hình nhấp nhô, uốn lượn, chỗ xa, chỗ gần.

Hình ảnh Bác đứng, trông vừa giản dị, đời thường lại vừa lồng lộng uy nghiêm. Với bộ đội thì hình ảnh này vừa như một người chỉ huy, vừa giống người cha thân thương, trìu mến.

Thuở ấy, đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Sơn La còn nằm trong Khu Tự trị Thái Mèo (sau đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc) thì công tác tuyên truyền, cổ động bằng pan-nô, áp-phích chưa phổ biến như bây giờ. Bởi vậy, bức tranh cổ động nói trên đã gây ấn tượng sâu sắc về lòng ngưỡng mộ lãnh tụ, cũng như ý nghĩa giáo dục tinh thần chống Mỹ cứu nước mạnh mẽ trong nhân dân nói chung, bộ đội cụ Hồ nói riêng.

 Điều đáng nói, là bức tranh (phóng) cổ động cỡ lớn này, giống tranh thật như đúc, lại không phải của họa sĩ chuyên nghiệp, mà là của hai tân binh trẻ người Hà Nội, nhập ngũ vào một đơn vị (nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là Trung đoàn 572) thuộc Quân khu Tây Bắc đóng quân trên đất Nà Sản ngày ấy.

 Một lần, nhân lái xe đưa cán bộ Quân khu xuống đơn vị này làm việc, tôi tò mò hỏi: Trong thời gian hai tân binh người Hà Nội vẽ tranh, có được bồi dưỡng gì không? thì được biết: ngoài mấy tút thuốc lá ra, vẫn chế độ “đại táo” như mọi chiến sĩ khác. Thì đất nước còn nghèo, lại phải “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” mà! Vả lại, dân gian đã chẳng có câu “Nước sông, công lính” đó sao!

Mẫu chuyện thứ hai: Người phổ nhạc cho bài hát “Hành khúc 82”

Nghe vậy chắc sẽ có người cười nhạo, cho là chuyện ngược đời: thành bài hát rồi mới phổ nhạc. Dân ca, chèo chẳng nói làm gì, đằng này lại là bài hát đời mới. Nhưng sự thực đúng là như vậy! Bài hát có xuất xứ từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của tiểu đoàn thông tin 26, Quân khu Tây Bắc cũ trong những năm 1966, 1967.

Tháng 6/1966, tiểu đoàn 26 được đón 100 chiến sĩ gái quê Thái Bình vào huấn luyện báo vụ và tổng đài, khiến cho phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của tiểu đoàn vốn đã sôi nổi lại càng thêm khí thế. Trung úy, chính trị viên đại đội 82 Bùi Hữu Lân đã cùng một số cán bộ, chiến sĩ trong đại đội vừa sáng tác lời, vừa sáng tác nhạc “tự chế”. Gọi là nhạc “tự chế” là bởi vì những người sáng tác - một nốt son-phe “cắn đôi” cũng không biết. Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra. Một bài hát mà nhịp điệu không trùng, không lặp với bất cứ bài hát có tên tuổi nào, nhưng lại khỏe khoắn, hào hùng và mang hơi thở, nhịp sống riêng của 82 – đã ra đời. Mãi đến bây giờ, nhiều cựu chiến binh của 82, vẫn còn nhớ lõm bõm những câu như: “Đại đội 82 ta, có phong trào “Đi không về có, đi nhẹ về nặng**…” hoặc “Đường dây ta vươn xa qua Long Đa, Bản Pát, Búng Luông…” (3 bản người Thái nằm trên địa bàn đóng quân của D26). Bài hát được đặt tên là “Hành khúc 82” và được coi là bài hát truyền thống của đơn vị. Cứ mỗi lần đi sinh hoạt tập trung toàn tiểu đoàn, là cán bộ, chiến sĩ 82 lại cất cao bài ca truyền thống của mình với niềm tự hào có pha chút hãnh diện. Có thể nói: “Hành khúc 82” là bông hoa đẹp trong phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của tiểu đoàn 26 thông tin thuộc Quân khu Tây Bắc ngày đó.

 Nhưng như vậy thì “Hành khúc 82” vẫn không thể phổ biến rộng rãi được, và rất dễ bị “thất truyền”. May sao! Ngày ấy ở đại đội 83 (vô tuyến) có Huy Lượng, người Hà Nội, nhập ngũ năm 1965 biết nhạc lý, đã cùng với chính trị viên Bùi Hữu Lân phổ nhạc (chính xác là ký âm) cho bài hát này.

Tháng 3/1969, tôi nhận lệnh điều động đi đơn vị khác, rồi chuyển tiếp qua nhiều đơn vị nữa với nhiều vị trí công tác khác nhau, cho đến khi về hưu (10/1985).

Ngày 23/04/2015, (sau 30 năm rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường) tôi được mời đi dự cuộc “Gặp mặt truyền thống lần thứ IV - Nữ bộ đội Thái Bình đầu tiên ra trận chống Mỹ” (Sau khi viết bài “Nhớ những đồng đội nữ năm xưa” gửi đăng báo. Tôi photo bài báo được đăng, gửi đến Hội Cựu Chiến Binh tỉnh Thái Bình nhờ liên lạc giúp). Sau gần nửa thế kỷ mới được gặp lại đồng đội – nhất lại là đồng đội nữ - lòng tôi vui mừng khôn xiết. Trong lúc hàn huyên, ôn lại kỷ niệm cũ, chúng tôi không quên nhắc đến bài hát “Hành khúc 82”, nhắc đến Huy Lượng. Các nữ Cựu chiến binh D26, QKTB (cũ) quê Thái Bình đều nhớ Huy Lượng người Hà Nội, nhưng chẳng có ai biết Huy Lượng ở phố nào, số nhà bao nhiêu, và bây giờ ra sao?

Trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), những ký ức về con người Hà Nội lại ùa về trong tôi. Dù họ ở đâu, Hà Nội “đất thánh” hay những miền sơn cước xa xôi, thì nét đẹp của đất và người “nghìn năm văn hiến” vẫn luôn tỏa sáng. Họ không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô, mà còn là niềm tự hào chung của cả nước. Ghi lại những dòng này, tôi hy vọng và cầu chúc cho họ - những người con của Hà Nội có mặt trên đất Sơn La năm xưa sống khỏe mạnh và hạnh phúc bên con cháu. Nếu họ đọc được những dòng hồi ức này của tôi, thì đó là điều hạnh phúc lớn đối với tôi./.

Ghi chú: * Lời bài hát “Hà Tây quê lụa”

** Đi không về có: Đêm hành quân ra TX Sơn La nhặt những viên gạch bị bom Mỹ đánh phá về xây bếp Hoàng Cầm. Đi nhẹ về nặng: Ngày ra thao trường luyện tập, khi về dồn dây, máy lại cho một số đảm nhiệm, số còn lại vác củi về cho Hậu cần đơn vị.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Văn Cự. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Văn Cự