Chính sách & Quản lý

Nghiên cứu xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn

Kim Thoa 10:57 28/05/2023

"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn, nhưng lực cản lớn nhất là giải phóng mặt bằng", theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

imager_19109.jpg
Hiện nay, Nhà hát lớn Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn.

Thông tin này được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 26/5.

Trước đó 3 tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam. Báo cáo này cần trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã làm việc với các đơn vị liên quan để nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hoá.

Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn.

“Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí đề xuất sẽ tạo ra dấu ấn riêng, thu hút khách du lịch", ông Hùng cho hay. Bên cạnh đó, khách đến Hà Nội còn có địa điểm để thưởng ngoạn, giao lưu. Như vậy, có thể giúp kinh tế của Hà Nội phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.

"Nguồn lực xây nhà hát đã có bởi Chính phủ sẵn sàng ủng hộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói. Tuy nhiên, ông thừa nhận vị trí được xem xét xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam sẽ gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng bởi đây là vị trí "đất vàng" trung tâm của Thủ đô. Vì vậy, ông mong có sự đồng thuận của các Bộ, ngành và Thành phố Hà Nội.

Nhà hát lớn Hà Nội từng có tên là Nhà hát Thành phố, được khởi công vào năm 1901. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Broyer, Harley và François Lagisquet theo phong cách tân cổ điển, dựa trên thiết kế Nhà hát Opéra Garnier (Pháp).

Đây là một công trình văn hóa tiêu biểu, có giá trị về thẩm mỹ, quy mô xây dựng lớn (khoảng 900 chỗ ngồi). Nhà hát lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói, phục vụ cho tầng lớp quan chức, thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có.

Hiện nay, Nhà hát lớn Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn. Nhà hát lớn Hà Nội cùng với Bảo tàng lịch sử quốc gia là những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, được nhiều khách du lịch yêu thích.

Kim Thoa