Nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc: Bài 1: “Ngôi nhà trí tuệ” thắp lửa văn hóa đọc miền quê ngoại thành Hà Nội
Gần đây, hễ cứ tan trường hoặc cuối tuần, các em nhỏ ở xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội) lại rồng rắn đến với căn nhà cạnh đình làng Thành Vật… Hóa ra ngôi nhà đó có tên gọi “Ngôi nhà trí tuệ” – không gian văn hóa đọc và khuyến học “hiếm có khó tìm” ở ngoại ô Hà Nội.
Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, với sự chung sức của cộng đồng, các cấp ngành và mỗi cá nhân, văn hóa đọc ở Thủ đô đã có sự khởi sắc và chuyển biến rõ rệt. Từ các hội sách đến các thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân… các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc đều không ngừng được “làm mới” với những cách thức độc đáo, thú vị, đặc biệt là ở các miền quê ngoại thành. Và “quả ngọt” cho những nỗ lực ấy là tình yêu sách đã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, mở lối cho các em thiếu niên, nhi đồng bước vào thế giới diệu kỳ của những trang sách. Với chùm bài viết về “Nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc”, Tạp chí Người Hà Nội hi vọng sẽ đem đến cho độc giả thêm những góc nhìn về văn hóa đọc của Thủ đô, để từ đó cùng chung sức xây dựng một xã hội học tập, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Lan tỏa văn hóa đọc cùng khuyến học
Đi dọc con đường nhựa ven đê sông Đáy đang dậy hương lúa chín, chúng tôi tìm tới “Ngôi nhà trí tuệ” trong ngày hè oi ả. Gặp một cụ bà chừng 70 tuổi đang tản bộ ở đầu thôn Thành Vật, chúng tôi hỏi cụ nơi muốn đến. Cụ cười hiền rồi chỉ tay về phía trước: “Các chú ở phố mà cũng đến đấy mượn sách hở?. Bây giờ, các chú đi dăm trăm mét nữa, rẽ trái tới đình làng, qua nhà văn hóa là đến cái nhà mà bọn trẻ ở đây thường đến đọc sách hàng ngày”.
Đi theo chỉ dẫn của bà cụ, chưa đầy 5 phút sau “Ngôi nhà trí tuệ” đã ngay trước mắt. Mở cánh cổng sắt có biển đề “Ngôi nhà trí tuệ”, bước vào khoảng chục mét, chúng tôi gặp người phụ nữ trung niên quần ống thấp ống cao, chân trần đang phơi lúa trước sân, trên mặt chị mồ hôi nhễ nhại. “Các em muốn đọc sách gì thì vào trong nhà tìm trên kệ sách ấy. Nếu mượn về đọc thì ghi vào cuốn sổ theo dõi giúp chị nhé”, người phụ nữ nói.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về “Ngôi nhà trí tuệ”, người phụ nữ dừng tay cào lúa, vào nhà rót nước tiếp chuyện. Chị tên Trần Thị Tám (49 tuổi) cùng chồng – anh Quản Ngọc Lợi (56 tuổi) làm nghề thợ mộc, là người trông coi và “gác cổng” việc đọc sách, mượn sách ở “Ngôi nhà trí tuệ” những năm qua. Theo lời chị Tám, “Ngôi nhà trí tuệ” do chị Phạm Thị Diệu, Nguyễn Thị Nguyệt – những người con của xã Đồng Tiến sáng lập và điều hành từ xa, với mong muốn phát triển phong trào khuyến học, văn hóa đọc ở quê hương .
Chính thức mở cửa từ năm 2019, “Ngôi nhà trí tuệ” tại thôn Thành Vật trở thành điểm hẹn văn hóa đọc của người dân địa phương, đặc biệt là nơi hội tụ của các em nhỏ sau giờ tan trường và những ngày cuối tuần. Đây là mô hình hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển cộng đồng học tập suốt đời miễn phí, nơi mọi người học chủ yếu vì mong muốn có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, vì niềm đam mê tri thức, sự hiểu biết, vì tình yêu vẻ đẹp trí tuệ.
Hai gian nhà rộng khoảng 100m2, bốn phía tường được các kệ sách bao quanh. Trên kệ là hàng ngàn cuốn sách đủ thể loại được gắn biển theo chủ đề, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Từ sách văn học, lịch sử, phật pháp – nội tâm đến sách danh nhân, sách phát triển bản thân – tâm lý, sách khoa học viễn tưởng, sách ngoại ngữ, kinh doanh, công nghệ... , ai muốn đọc gì đều có thể tìm thấy trong “Ngôi nhà trí tuệ”.
“Ở đây điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, vì thế các em nhỏ cũng không có điều kiện để mua, đọc được nhiều sách. Có nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý tặng sách, nhưng chúng tôi áy náy do không có chuyên môn kiểm duyệt nội dung. Vì thế sách ở đây đều do chúng tôi tự mua, chủ yếu mảng sách văn học, giáo dục nhân cách, ngoại ngữ, khoa học, kỹ năng…”. Anh Lợi tâm sự, “các em học sinh trong thôn, xã đến tham gia đọc sách và vui chơi ở đây hơn 2.000 lượt/năm. Cứ khi tan lớp ở trường, từ 17 giờ chiều, nhiều cháu đến đây ngay. Ngôi nhà “chật chội” nhất vào cuối tuần vì các cháu không phải đến trường, thay vào đó đến đây đọc sách và tham gia các hoạt động trải nghiệm hoặc học kỹ năng”.
Tiếp lời ông xã, chị Tám cho biết “Ngôi nhà trí tuệ” cũng mở các lớp trau dồi kỹ năng sống, giúp các em sớm biết cách định hướng và tự quản trị cuộc đời mình. Những lớp học này thường có các chủ đề về lòng nhân ái, học cách vệ sinh, chăm sóc thân thể, bảo vệ sức khỏe, tiêu pha tiết kiệm, kỷ luật ngay từ nhỏ… Các buổi học này được ban điều hành “Ngôi nhà trí tuệ” mời các thầy cô giáo tại địa phương hoặc từ nhiều vùng miền tới truyền đạt.
Bị cuốn vào cuộc trò chuyện, anh Lợi hồ hởi chen ngang, cho biết các em nhỏ đến với “Ngôi nhà trí tuệ” còn được học cách trồng trọt, may vá, nấu ăn, làm bánh..., chơi các môn thể thao bóng rổ, bóng đá, cầu lông, cờ tướng ngoài sân. “Chúng tôi cũng đang lên ý tưởng làm mái che ngoài khu vực sân chơi thể thao, để mùa hè này các cháu không bị nắng. Mọi hoạt động ở đây chúng tôi đều báo cáo tới chính quyền địa phương. Chúng tôi rất vui và cảm ơn vì luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã Đồng Tiến”, anh Lợi chia sẻ.
Đến trả cuốn sách vừa mượn và tìm đọc cuốn sách mới, em Quản Thị Danh Thêm, học sinh lớp 7 Trường Tiểu học Đồng Tiến, cho chúng tôi biết: “Từ ngày có Ngôi nhà trí tuệ, cháu đến đây đọc sách và mượn sách thường xuyên. Cháu đọc nhiều loại sách nhưng thích nhất là sách khoa học viễn tưởng, vì sách này giúp cháu có thêm hiểu biết, trí tưởng tượng. Cháu ước mơ sau này trở thành nhà khoa học”.
Cần nhiều hơn "Ngôi nhà trí tuệ"
Trao đổi với chúng tôi về “Ngôi nhà trí tuệ”, bà Quản Thị Băng – Chủ tịch Hội khuyến học xã Đồng Tiến, cho biết “Ngôi nhà trí tuệ” ra đời đúng thời điểm chủ trương xã hội hóa hoạt động xây dựng văn hóa đọc, góp phần vào quá trình thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ.
Theo bà Chủ tịch Hội khuyến học xã Đồng Tiến, từ ngày được tiếp cận thường xuyên với tủ sách và hoạt động thể thao, tham gia các lớp học kỹ năng ở “Ngôi nhà trí tuệ”, cuộc sống trẻ em nơi đây đổi khác theo hướng tích cực cả về tinh thần lẫn thể chất.
“Ngôi nhà trí tuệ” ngoài việc cho đọc sách, mượn sách miễn phí còn có Câu lạc bộ tiếng Anh. Tại câu lạc bộ này, 50 em nhỏ trong xã Đồng Tiến đã được học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên là người bản địa, giúp các em có cơ hội trau dồi khả năng nghe nói, diễn đạt, hùng biện. “Ngôi nhà trí tuệ” còn tổ chức nhiều sự kiện tặng quà cho trẻ em học giỏi vào các dịp 1/6, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí của những hoạt động này đều do những người sáng lập “Ngôi nhà trí tuệ” bỏ ra nhằm phát triển phong trào khuyến đọc, khuyến học của địa phương.
“Ngôi nhà trí tuệ" đã mang lại không gian thân thiện, hiệu quả, đồng thời tổ chức nhiều buổi trò chuyện để truyền cảm hứng đọc sách cho người lớn, nhất là trẻ em. Việc đưa văn hóa đọc về nông thôn, xây dựng phong trào học tập là việc làm ý nghĩa. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và có nhiều hơn "Ngôi nhà trí tuệ" ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung”./.