Thế giới điện ảnh

Phim “Bác sĩ hạnh phúc” không như kỳ vọng, nên vui hay buồn?

Hoa Quỳnh 08:36 27/05/2023

Vừa công chiếu trên nền tảng trực tuyến Netflix, tuy nhiên phim “Bác sĩ hạnh phúc” phiên bản Việt gây chú ý bởi những hạn chế chứ không phải ưu điểm.

“Bác sĩ hạnh phúc” là bộ phim được remake từ phim truyền hình ăn khách “Good Doctor” (Bác sĩ thiên tài) từng gây sốt ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Phiên bản Việt lần này do Danny Đỗ đạo diễn, cùng sự tham gia của dàn diễn viên trẻ được khán giả quan tâm như Trần Phong, Khả Ngân, Trương Mỹ Nhân, Lâm Thanh Nhã, Huy Cường, Khương Lê, Bảo Kun, La Thành, Mlee, Chí Tâm,...

bs-hpu.jpg
“Bác sĩ hạnh phúc” làm lại từ phim truyền hình ăn khách “Good Doctor” (Bác sĩ thiên tài), vừa công chiếu trên nền tảng số.

Theo nhà sản xuất, “Bác sĩ hạnh phúc” phiên bản Việt kể câu chuyện về hành trình vượt qua những nghi ngờ, định kiến từ xã hội để có thể trở thành bác sĩ thiên tài của một chàng trai trẻ mắc bệnh tự kỷ Phạm Hoàng Nam (Trần Phong thủ vai). Mượn hình ảnh của Hoàng Nam cùng tuyến nhân vật khác khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, ê-kíp sản xuất mong muốn tri ân sự cống hiến, hy sinh vất vả của các thầy thuốc tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 vừa qua, đồng thời khắc họa chuyện đời, chuyện nghề của các y bác sĩ tại Việt Nam.

Bộ phim đã chính thức phát sóng từ ngày 18/5. Qua các tập đã lên sóng, khán giả đã có những đánh giá về “Bác sĩ hạnh phúc” phiên bản Việt. Một số người cho rằng nhà sản xuất, đạo diễn rất chịu chơi và đầu tư cho các cảnh phim, từ đó đem đến hình ảnh chân thực nhất về các thầy thuốc ở nước ta. Phim có dàn diễn viên toàn “trai xinh gái đẹp” dễ gây thiện cảm, đạo diễn cũng nỗ lực tạo nên màu sắc Việt trong tác phẩm làm lại của nước ngoài.

Song cũng có không ít khán giả, trong đó có các thầy thuốc phản ánh phim có những cảnh sai về kiến thức y khoa. Chẳng hạn trong cảnh cứu đứa bé bất tỉnh vì tấm bảng quảng cáo rơi trúng, miếng thủy tinh ghim vào cổ, bụng chảy máu, các thầy thuốc lại thực hiện cấp cứu tràn khí màng phổi chỉ có ở… trong phim. Chưa hết, “Bác sĩ hạnh phúc” còn vướng lỗi chuyên môn khi gặp tình huống bệnh nhân tim ngừng đập, nếu đúng phải thì ép tim và bóp bóng, nhưng trong phim lại thực hiện shock điện không đúng với thực tế và có trong ngành y.

large_image_e01ac9091e.jpg
Một cảnh trong phim.

Cùng với những “sạn” về yếu tố chuyên môn ngành y, không ít khán giả cho rằng diễn xuất của các diễn viên đình đám ở “Bác sĩ hạnh phúc” bộc lộ hạn chế. Là một chàng trai tự kỷ, tuy nhiên Hoàng Nam trong sự thể hiện của Trần Phong không làm ra được tính cách, cảm xúc, hành động của nhân vật này. Bên cạnh Trần Phong, nữ diễn viên Trương Mỹ Nhân vai Kim Dung cũng bị mất điểm vì diễn như bình hoa di động, giọng thoại thiếu cảm xúc. Đó là chưa kể, phim có những hình ảnh quảng cáo sản phẩm được cài cắm khá thô.

Thực ra, làm phim về ngành nghề, nhất là nghề y không dễ. Bởi để làm ra câu chuyện, đúng về chuyên môn của ngành cần có sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia trong nghề. Thêm nữa, bản thân diễn viên cũng phải tự tìm tòi, học hỏi thực tế trong môi trường bệnh viện, trường y hoặc học các y bác sĩ để bổ trợ cho quá trình diễn xuất. Trước phim “Bác sĩ hạnh phúc”, nhiều phim Việt cũng để xảy ra lỗi chuyên môn về ngành y như phim “Lửa ấm”, “Hậu duệ mặt trời”, thậm chí là bom tấn “Bố già” của Trấn Thành cũng từng gây tranh cãi về việc thể hiện một lát cắt nhỏ về y khoa.

Việc khán giả chê nhiều hơn khen đối với một tác phẩm nghệ thuật như “Bác sĩ hạnh phúc” cũng dễ hiểu bởi khán giả đặt nhiều kỳ vọng vào đạo diễn, diễn viên tham gia bộ phim. Đây là một điều tốt, nhất là khi ê-kíp làm phim đều là những người trẻ tài năng và đang trên đà trở thành những “ngọc nữ”, “nam thần” của điện ảnh Việt. Thành công chỉ đến với những người biết lắng nghe, có tinh thần cầu thị để hoàn thiện bản thân hoặc nỗ lực làm tác phẩm ấy tốt hơn.

Hoa Quỳnh