Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc: Bài cuối: Văn hóa đọc nhìn từ hội sách

Lưu Linh 25/07/2023 07:35

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, với những nỗ lực từ nhiều phía, văn hóa đọc ở Thủ đô Hà Nội đã có biến chuyển rõ rệt. Trong đó, hoạt động sôi nổi từ hội sách thường niên là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sự biến chuyển đó.

Những nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 284-QĐ/TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Năm 2021, để cổ vũ, nâng tầm phát triển văn hóa đọc, Quyết định 1862-QĐ/TTg được Thủ tướng ban hành về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, vào dịp 21/4 (thay cho tên gọi Ngày Sách Việt Nam). Do tình hình đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên phải đến năm 2022, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất mới chính thức được bắt đầu, khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai được khai mạc vào ngày 21/4 tại TP. Huế với thông điệp: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn” và diễn ra trên toàn quốc, kéo dài đến 1/5/2023.

van-hoa-doc-1.jpg
Hội sách ở Phố Sách Hà Nội năm nay.

Trước năm 2021, Ngày Sách Việt Nam được triển khai đều đặn hằng năm trên cả nước, qua nhiều hình thức. Sau đại dịch Covid-19, không khí ngành sách và tinh thần lan tỏa văn hóa đọc đã náo nhiệt trở lại, thường lệ với các hội sách, nơi quy tụ gian hàng sách của hàng chục đơn vị xuất bản phát hành. Bên cạnh các hoạt động hướng tới ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cùng với Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), tháng Tư được xem như tháng sách, tháng nói về văn hóa đọc. Theo thống kê của Cục xuất bản, In và Phát hành, tính đến nay, nước ta có khoảng trên dưới 100 đơn vị bao gồm các nhà xuất bản, công ty phát hành sách trên khắp cả nước; trong đó có tới 62 nhà xuất bản.

Để nhắc nhớ về sự tồn tại và sứ mệnh của mình, “làng sách” có ít nhất 4 hội sách mỗi năm tại hội chợ (không tính thời gian trong đại dịch, chưa tính hội sách online trên internet) như: Hội sách mở kho, Hội sách chào hè, Hội sách khai trường/ mùa thu, Hội sách dọn kho. Ở Hà Nội, các hội sách này được Ban quản lý Phố Sách Hà Nội, các đơn vị xuất bản phát hành thay nhau tổ chức, có khi là một vài đơn vị cùng nhau triển khai, tại công viên/ phố sách/ khuôn viên trường học và đi theo chủ đề. Bên cạnh đó là các hội sách nhỏ lẻ, thường diễn ra trong tháng 4, tại các thư viện, trường học địa phương để hưởng ứng tháng lan tỏa văn hóa đọc. Hội sách là dịp mà các đơn vị xuất bản phát hành giới thiệu những đầu sách mới ra, những đầu sách vừa được giải thưởng, sách của tác giả nổi tiếng, sách chuyên ngành… và cả sách cũ thuộc kiểu hiếm có khó tìm tới bạn đọc. Tại hội sách, ngoài các gian hàng trưng bày giới thiệu và bán sách, các đơn vị tổ chức hội đã thêm vào các chương trình hấp dẫn nhằm kích cầu, tác động tới thói quen mua và đọc sách như ưu đãi giảm giá, tặng quà kèm theo, tọa đàm giao lưu với tác giả/ họa sĩ vẽ bìa nổi tiếng, thi viết giới thiệu sách, thi vẽ lại nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết/ truyện tranh…

van-hoa-doc-3.jpg
Tọa đàm về triết học tại Lễ hội Tri thức Nền tảng lần thứ nhất.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay cũng như tháng đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc, các đơn vị phát hành như Omega Plus, Nhã Nam, Đinh Tị, AZ Việt Nam đã tổ chức các đợt hội sách từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao quận Thanh Xuân; Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với các mức chiết khấu cao, đồng giá hấp dẫn hoặc bán sách theo cân.

Những tác động từ hội sách

Tại buổi lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai năm 2023 được tổ chức ở Phố Sách Hà Nội 19/12 mới đây, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long khẳng định: Sau 6 năm đi vào hoạt động, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, song, Phố Sách Hà Nội đã từng bước trở thành không gian văn hóa, sinh hoạt, giáo dục, phát triển văn hóa đọc, thu hút được sự quan tâm của công chúng và những người yêu sách góp phần gìn giữ, phát huy giá trị Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Chia sẻ về trải nghiệm tham gia hội sách, bạn Ngô Thùy Linh, hiện đang học tại Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, quận Đống Đa cho biết: “Em đến với hội sách trong một lần bạn thân rủ đi vì có chương trình hễ ai đăng ký tham gia mà rủ thêm được người đăng ký và cùng nhau tới hội sách check-in thì sẽ được tặng quà. Sau hai năm theo dõi các hội sách, em đã bỏ chơi game và chính thức tham gia hội mọt sách để cùng chia sẻ về những cuốn sách mà mình đã đọc và quan tâm…”
Cuối tháng 3 vừa qua, Lễ hội Tri thức Nền tảng lần thứ nhất do Omega Plus tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các đơn vị liên kết. Tại đây, lần đầu tiên có một hội sách chỉ dành cho các dòng sách kinh điển, khoa học, mỹ thuật, âm nhạc, lịch sử, văn hóa. Trong chuỗi sự kiện ấy, hội sách gắn liền tên gọi đầy tính nhận diện khiến độc giả cũng tự nhìn lại dòng sách mà mình đang đọc và cần đọc cũng như nên đọc.

Có thể thấy sự sôi động của các hội sách đã cuốn xã hội vào một vòng quan tâm chung. Từ các kênh báo chí đến các diễn đàn mạng xã hội đều hướng tới ngày sách. Nhiều giải pháp về phát triển văn hóa đọc như: huy động nguồn lực xã hội hóa trong phát triển văn hóa đọc; đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết lập mạng lưới thư viện cơ sở; đa dạng hóa các mô hình thư viện, các hình thức đọc, mở rộng không gian kết nối tri thức; có chính sách khuyến khích, tôn vinh và ghi nhận những cống hiến của những cá nhân trong việc phát triển và lan toả văn hóa đọc; phát triển văn hóa đọc tại các trường học, xây dựng tủ sách gia đình… cũng đã được gợi mở từ chính các hội sách.

Để nâng tầm văn hóa đọc như mong muốn của Thủ tướng trong quyết định đề ra năm 2021, cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành, các tổ chức… và không thể thiếu được là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Mỗi cá nhân cần ý thức việc đọc chất lượng hơn số lượng và văn hóa đọc phải được tiếp lửa từ mỗi gia đình chứ không chỉ riêng từ hội sách hay các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Lưu Linh