Nhà tù Hỏa Lò mang tên tiếng Pháp là Maison Centrale, có ý nghĩa là đề lao trung ương và dịch sang tiếng Việt là Ngục thất Hà Nội. Hiện nay, nhà tù đang tọa lạc ở số 1, đường Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm và được giới hạn bởi 4 con phố là Hỏa Lò, Quán Sứ, Thợ Nhuộm cùng Hai Bà Trưng. Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò, nhà tù được người Pháp xây dựng vào năm 1896 trên đất của làng Phụ Khánh, trước kia thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của người Pháp ở Đông Dương. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, chị Lã Bích Thủy - thuyết minh viên tại khu Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Trước kia, nhà tù có tổng diện tích lên đến hơn 12.000m2. Các phòng giam tại Nhà tù Hỏa Lò được thiết kế cùng một kiểu: mái lợp ngói, tường gạch kiên cố, quét vôi xám và hắc ín; các xà lim chỉ có một vài ô cửa nhỏ được mở sát mái, làm cho các phòng giam trở nên càng tối tăm và ngột ngạt. Đường tuần tra dọc hành lang rộng hơn 2m ngăn cách giữa bức tường bảo vệ nhà tù. Bốn góc nhà tù là bốn chòi canh gác để lính gác có thể quan sát toàn bộ hoạt động cả phía trong và ngoài nhà tù. Bao quanh nhà tù là một bức tường đá hộc cao từ 4-5m được xây kiên cố, phía trên có rất nhiều mảnh chai thủy tinh và lưới điện trần nhằm ngăn tù nhân vượt ngục. Nhà tù Hỏa Lò từng được mệnh danh là một trong 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới nằm ở ngoại ô thành phố thời bấy giờ. Qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nhà tù giữ lại và bảo tồn khoảng 2.434m2 để xây dựng trở thành di tích lịch sử. Ngày nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước bởi những giá trị lịch sử hào hùng mà nơi này mang lại. Với sức chứa lên đến khoảng 500 tù nhân, Ngục thất Hỏa Lò thời Pháp thuộc được mệnh danh là một “địa ngục trần gian”. Nếu như trước đó, chúng ta chỉ hình dung về nhà tù trong tưởng tượng, hay qua truyện, qua phim thì việc đi trực tiếp vào bên trong nhà tù Hoả Lò với thứ ánh sáng yếu ớt, vô cùng chân thực mới thật sự là trải nghiệm ấn tượng nhất. Gian phòng đầu tiên trong hành trình khám phá Nhà tù Hoả Lò là phòng trưng bày các hiện vật còn sót lại của làng Phụ Khánh xưa kia. Với đường nét tinh xảo, đẹp mắt cùng với giá trị văn hóa to lớn mà các hiện vật đem lại, các hiện vật đã nhận về “mưa lời khen” từ du khách tham quan. Tại khu trưng bày hiện vật của các tù nhân cách mạng sẽ cung cấp thêm thông tin liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của các tù nhân chính trị như: Chế độ ăn của tù nhân ở Nhà tù Hỏa Lò; chế độ giam cầm hà khắc, lao dịch nặng nề; môi trường sống thiếu vệ sinh, chế độ ăn uống kham khổ;... Bộ bát, đĩa, thìa của tù nhân chính trị, được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Bộ quần áo của các tù nhân chính trị được may bằng vải thô, màu trắng đục. Trên thân áo có in 2 chữ M.C (Maison Centrale: Nhà tù Trung ương), áo không có khuy, thay vào đó là những nút thắt; quần được may theo kiểu quần ta, ống rộng, cạp quần có luồn dây rút, trên ống quần cũng in 2 chữ M.C. Tại trại giam E, những năm 1930 - 1931, Giám ngục Nhà tù Hỏa Lò thi hành quy chế nghiêm ngặt để ngăn chặn các chiến sĩ cộng sản tuyên truyền, tổ chức đấu tranh, tiêu diệt sự hình thành các tổ chức của tù nhân trong nhà tù. Nơi đây, Pháp đã giam giữ tù chính trị với chế độ vô cùng hà khắc, tra khảo hay ép cung vô cùng man rợ, tàn bạo nhằm giết dần, giết mòn những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam. Tại các phòng giam của khu xà lim tử hình, nhưng người lính Cách mạng Việt Nam bị giam giữ, cùm chân 24/24 bằng loại cùm có cấu tạo gồm 2 phần: Phần trên bằng sắt, phần dưới bằng gỗ. Bệ xí được đặt ngay trong trại giam E, gây ra không khí hôi thối khó thở cho tù nhân. Tuy nhiên, những chiến sĩ cộng sản vẫn tìm mọi cách tiếp tục hoạt động và đoàn kết đấu tranh, yêu cầu Giám ngục phải thực hiện đúng chế độ đối với tù chính trị. Ngay trong nhà tù Hỏa Lò, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm Bí thư. Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện tư tưởng, ý chí đấu tranh của các đồng chí khác. Khu biệt giam (Cachot), là những ngục tối có diện tích 4m2, tường quét hắc ín, không có ánh sáng, thiếu không khí gây cảm giác như trong nấm mồ, chỗ nằm của tù nhân xây đặc biệt bằng xi măng, khi nằm thì đầu dốc xuống thấp, máu dồn lên não, để trừng phạt những người tổ chức đấu tranh, vượt ngục, tuyên truyền cách mạng. Cachot ở Hỏa Lò là “Địa ngục của địa ngục”. Tại đây, người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ. Người tù bị giam ở Cachot chỉ sau một thời gian ngắn là bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở đầy người do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí. Năm 1932, đồng chí Trường Chinh bị chúng bắt giam ở đây, khi tổ chức mít tinh tuyên truyền cách mạng và kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5. Không gian ngột ngạt của khu giam giữ tù nhân đặc biệt. Ở đây còn giữ được cái máy chém từng được thực dân Pháp xử tử những người yêu nước Việt Nam như 7 chiến sĩ trong Việt Nam Quang phục Hội năm 1913, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn năm 1931... Đây là 1 trong 2 chiếc máy chém Pháp đưa sang Hà Nội từ những năm cuối của Thế kỷ XIX. Tận mắt chứng kiến cỗ máy chém khổng lồ, nhiều du khách cảm thấy không khỏi “rùng mình”. Bạn Nguyễn Văn Tiến, sinh viên Trường Đại học FPT chia sẻ: "Cỗ máy chém là hiện vật trưng bày mà em ấn tượng nhất. Không chỉ vì độ “khủng” về ngoại hình mà cả những câu chuyện đẫm máu đằng sau nó." Chiếc cửa sổ nhỏ được thiết kế áp sát trần nhà ở khu vực phòng giam tù nhân nữ. Tại đây, khu giam trại nữ với diện tích 270 m2 bao gồm: 4 phòng giam nhỏ, phòng giam phụ nữ có con nhỏ, phòng giam tập thể, khu nhà tắm và sân trại, có thời kỳ thực dân Pháp đã giam tới 300 tù nhân nữ. Phòng giam chật hẹp, nước dùng trong sinh hoạt rất thiếu thốn, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo cộng thêm khẩu phần ăn hằng ngày thường xuyên bị cắt xén khiến cuộc sống của nữ tù chính trị vô cùng cực khổ. Chế độ lao tù hà khắc đã cướp đi sinh mạng của nhiều chiến sỹ cộng sản kiên trung như đồng chí: Nguyễn Thị Quang Thái, Tạ Thị Câu, Đàm Thị Sen ... Phía bên ngoài là không khí nghiêm trang tại Đài Tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Cây bàng “tình nghĩa” tại nhà tù Hỏa Lò là minh chứng sức sống mãnh liệt, ý chí bất diệt của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa. Cán bộ nhân viên quản lý đã sáng tạo ra các món ăn nhẹ từ thức quả bàng vừa là để kể câu chuyện từ quá khứ, vừa là gửi gắm món quà mà cha ông đã để lại cho thế hệ bây giờ. Du khách trải nghiệm cũng phản hồi, thức quả bàng rất ngon, đặc biệt chỉ riêng có tại khu di tích lịch sử Hỏa Lò. Cửa cống ngầm - nơi các chiến sĩ cách mạng xưa kia đã từng tận dụng làm đường vượt ngục. Cùng với đó là hệ thống trưng bày chuyên đề về sự kiện lịch sử, các ngày lễ lớn trong năm của Thủ đô và đất nước. Chia sẻ với phóng viên Người Hà Nội, ông Alex bày tỏ: “Visiting Hoa Lo Prison, I really admire the Vietnamese people, the history of Vietnam. You show us that you are not small, but very brave and strong” (Đến thăm nhà tù Hỏa Lò, tôi thực sự ngưỡng mộ người Việt Nam, lịch sử Việt Nam. Các bạn cho chúng tôi thấy các bạn không hề nhỏ bé mà rất anh dũng, mạnh mẽ). Mỗi không gian, chủ đề trưng bày cùng nhiều hiện vật, tài liệu minh chứng tại Nhà tù Hoả Lò đã thực sự cuốn hút các du khách, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về lòng yêu nước, sự dũng cảm, ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong lao tù thực dân, đế quốc. Cô Nguyễn Thị Hồng, ở ấp Rạch 7, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Long An, bày tỏ về khu di tích lịch sử Hỏa Lò: “Tôi thấy rất xúc động. Khu di tích giúp tôi cảm nhận được thế hệ cha ông đã hy sinh quá nhiều. Vì vậy, bản thân luôn phải cố gắng. Thứ nhất, bản thân không làm hại đến đất nước của mình. Thứ hai, bản thân làm được việc gì đó cống hiến cho đất nước của mình thì mình nên làm, tùy theo năng lực và sức lực của mình để đền đáp công ơn của ông cha mình đã hy sinh.” Ngày nay, khi đến tham quan di tích Nhà tù Hoả lò, du khách còn có thể mua lại những vật dụng lưu niệm trước khi ra về. Để có những trải nghiệm chân thực, sinh động và trọn vẹn nhất khi tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, bạn nên lưu ý một số điểm sau đây:
Tuyệt đối không mang theo những chất cháy nổ vào di tích, đồng thời phải gửi hành lý cá nhân ở đúng nơi quy định. Không được vứt rác bừa bãi và hút thuốc lá khi tham quan di tích.Không được tự ý di chuyển các hiện vật có trong khu di tích.Chỉ được thắp hương và đặt hoa ở khu vật tưởng niệm. Du khách nên kết hợp việc tham quan Nhà tù Hỏa Lò với những địa điểm du lịch gần đấy như Hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long,...
Ngân Hà - Kim Ngân